Xuất khẩu sắt thép tăng trưởng cao trong năm 2020
Theo TTXVN, Chính phủ Malaysia đã quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim nhập khẩu hoặc có nguồn gốc từ Việt Nam.
Cụ thê, trong thông báo ngày 23/1, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cho hay quyết định trên được đưa ra trên cơ sở kết quả cuộc điều tra, rà soát bắt đầu từ ngày 28/7/2020 theo đơn kiện của tập đoàn Mycron Steel CRC Sdn. Bhd. với tư cách đại diện các doanh nghiệp sản xuất thép của nước này.
MITI khẳng định, theo Luật thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá năm 1993 và Quy định về thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá 1994, chính phủ Malaysia xác định biên độ phá giá đã thay đổi đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam và áp dụng mức thuế bán phá giá mới trong thời gian từ ngày 24/1 đến 23/5/2021, với biên độ từ 7,42% đến 33,7%.
Được biết, mức thuế 7,42% dành cho các sản phẩm của POSCO Việt Nam trong khi các sản phẩm của Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam và các nhà sản xuất thép khác của Việt Nam nhập khẩu vào Malaysia sẽ chịu mức thuế 33,7%. Cục Hải quan Hoàng gia Malaysia sẽ chịu trách nhiệm áp mức thuế mới này.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong năm 2020 đạt 9,86 triệu tấn, trị giá gần 5,26 tỷ USD, giá trung bình 533,4 USD/tấn, tăng mạnh 47,9% về lượng, tăng 25% về kim ngạch nhưng giảm 15,5% về giá so với năm 2019.
Riêng tháng 12/2020 xuất khẩu 942.256 tấn sắt thép, tương đương 553,4 triệu USD, giá trung bình 587,3 USD/tấn, giảm nhẹ 4,3% về lượng nhưng tăng 1,9% về kim ngạch và tăng 6,5% về giá so với tháng 11/2020; so với tháng 12/2019 thì tăng mạnh 45,1% về lượng và tăng 54,1% về kim ngạch và tăng 6,2% về giá.
Sắt thép của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc, chiếm 35,9% trong tổng lượng và chiếm 28,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước năm 2020, đạt 3,54 triệu tấn, tương đương 1,48 tỷ USD, giá trung bình 419 USD/tấn.
Campuchia đứng thứ 2 thị trường, chiếm gần 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 1,56 triệu tấn, trị giá 839,69 triệu USD, giá trung bình 537 USD/tấn, giảm 8% về lượng, giảm 14,9% kim ngạch và giảm 7,5% về giá so với năm trước. Tiếp sau đó là thị trường Thái Lan đạt 675.482 tấn, trị giá 390,51 triệu USD, giá trung bình 578 USD/tấn, chiếm 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước.
Xuất khẩu sắt thép sang thị trường Malaysia giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với năm trước, với mức giảm tương ứng 15,5%, 19,8% và 5%, đạt 629.419 tấn, tương đương 367,97 triệu USD.
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá 5 năm với thép cán nguội Trung Quốc
Cuối tháng 12/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3390/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc. Quyết định này nhằm ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước sau khi cân nhắc hài hòa quyền lợi của ngành sản xuất trong nước, lợi ích của các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm thép này.
Đối với một số sản phẩm thép cán nguội đặc biệt được đề nghị xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương sẽ có thông báo tiếp nhận hồ sơ miễn trừ theo quy định. Biện pháp chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày 21/12/2020.
Vụ việc trên được khởi xướng điều tra từ tháng 9/2019. Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương phát hiện lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc đạt 272.073 tấn, chiếm 65,5% tổng lượng nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam. Số liệu nhập khẩu cho thấy có sự gia tăng tuyệt đối và tương đối với lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc so với lượng sản xuất trong nước.
Theo Bộ Công Thương, sự gia tăng này là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa tương tự của các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Ngành sản xuất trong nước đang bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể, thể hiện ở hầu hết chỉ số, đặc biệt là các chỉ số về lợi nhuận, tồn kho và thị phần. Bên cạnh đó, biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được Bộ xác định là 4,43%-25,22%.