Liệu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể “ăn ở hòa thuận nhau” trong CPTPP không?

Trung Quốc bắt đầu đàm phán để hiểu rõ hơn một số chi tiết kỹ thuật của việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hồi tháng 2, các nhà chức trách CHND Trung Hoa thông báo rằng, họ đang đàm phán không chính thức với các bên tham gia CPTPP.
Sputnik

Khó có thể nói Trung Quốc đã tiến xa đến mức nào trong các cuộc đàm phán về việc gia nhập hiệp định thương mại này. Tuy nhiên, khả năng gia nhập CPTPP đang được thảo luận ở cấp chính trị cao nhất tại Bắc Kinh, điều đó cho thấy rằng, Trung Quốc có thái độ rất nghiêm túc đến việc gia nhập hiệp hội thương mại lớn nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam ‘được hưởng lợi lớn’ nếu chính quyền Biden quay lại CPTPP?

Gia nhập muộn vào CPTPP sẽ tạo nên những lợi thế nào cho Trung Quốc?

Các lợi thế của việc Trung Quốc tham gia muộn vào CPTPP là như sau: hiệp định này đã chính thức có hiệu lực, tất cả các điều kiện quan trọng đã được nêu rõ. Nói cách khác, trước mắt Trung Quốc có toàn văn thỏa thuận về việc tham gia CPTPP, và Bắc Kinh có thể cân nhắc tất cả những ưu và nhược điểm của việc tham gia CPTPP. Vào tháng 2, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn (Wang Shouwen) cho biết rằng, Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với các thành viên CPTPP để hiểu rõ hơn về một số chi tiết kỹ thuật của Hiệp định. Ngoài ra, theo quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh đang xem xét liệu sự tham gia CPTPP có thích ứng với triển vọng thị trường trong nước.

Hãng tin Bloomberg trích dẫn nguồn tin cho biết, giới chức Australia, Malaysia, New Zealand đã tiến hành đàm phán với giới chức Trung Quốc về chi tiết của CPTPP. Vào tháng 11 năm 2020, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng, Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu việc tham gia CPTPP. Điều đó cho thấy rõ rằng, Trung Quốc đang xem xét nghiêm túc triển vọng tham gia CPTPP và thực hiện các công việc phân tích. Bước đi này phù hợp với chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm tăng cường hội nhập vào các hiệp hội thương mại quốc tế và khu vực. Trước đây, Trung Quốc đã là động lực thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), mà quá trình đàm phán về RCEP đã kéo dài nhiều năm. Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, nước này sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu trong các hiệp hội thương mại của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với các thành viên chiếm hơn một phần ba GDP toàn cầu, với tỷ trọng lớn hơn nữa trong dân số thế giới.

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng để chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sáng kiến TPP đã được thúc đẩy tích cực dưới thời Tổng thống Barack Obama. Mục tiêu ban đầu của Hiệp định TPP là thống nhất 12 quốc gia để trở thành một hiệp định thương mại ưu đãi, giảm hàng rào thuế quan, cũng như điều chỉnh các quy tắc nội bộ của các nước tham gia trong lĩnh vực luật lao động, bảo hộ sở hữu trí tuệ, sinh thái, v.v.

Hội nhập về thương mại với Hoa Kỳ có mang lại lợi ích cho Trung Quốc không?

Mỹ rút khỏi TPP

Tuy nhiên, sau khi chính quyền Donald Trump lên cầm quyền tại Mỹ, Washington đã đơn phương rút khỏi TPP với lý do tham gia hiệp định này không có lợi cho Mỹ. Sau đó, 11 nước thành viên TPP còn lại đã đồng ý ký kết một hiệp định thương mại mới - CPTPP. Nhìn chung, nó bao gồm tất cả các điểm chính của thỏa thuận trước đó. Mục tiêu cuối cùng của nó là thiết lập một thị trường chung ở khu vực Thái Bình Dương tương tự như thị trường châu Âu.

Việc tham gia CPTPP có lợi cho Trung Quốc. Trước hết bởi vì việc tham gia Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường các nước thành viên. Có chú ý đến việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước thành viên CPTPP, Trung Quốc có lợi thế mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, việc tham gia CPTPP sẽ tác động tích cực đến việc tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, chuyên gia Lu Jian, giáo sư tại Trường Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Tài chính Tây Nam Trung Quốc, nói với Sputnik.

Liệu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể “ăn ở hòa thuận nhau” trong CPTPP không?

Những trở ngại trên con đường Trung Quốc gia nhập CPTPP

Thứ nhất, theo các điều khoản của thỏa thuận, việc Trung Quốc tham gia CPTPP phải có được sự đồng ý của tất cả 11 nước thành viên, mà một số nước trong số đó có quan hệ chính trị không mấy dễ chịu với Bắc Kinh. Chẳng hạn, theo Bloomberg, Nhật Bản, nước đã trở thành nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP sau khi Mỹ rút khỏi đàm phán TPP và đang chủ trì hiệp hội trong năm nay, không hài lòng với việc Trung Quốc nhanh chóng tiến tới CPTPP. Theo quan điểm của Tokyo, trước hết nên kiểm tra sự tham gia của Trung Quốc vào hiệp định thương mại tự do ba bên với Hàn Quốc, mà cuộc đàm phán về hiệp định này kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa mang lại kết quả. Ngoài ra, theo quan điểm của Nhật Bản, trước tiên Trung Quốc phải thực hiện các nghĩa vụ của mình theo RCEP. Thứ hai, sau khi chính quyền Biden lên nắm quyền, xuất hiện khả năng Hoa Kỳ quay lại CPTPP, vì Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đưa Mỹ quay trở lại các hiệp định đối tác. Có lẽ các quốc gia thành viên CPTPP, với tư cách là đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, đang chờ phản ứng của Washington. Tuy nhiên, yếu tố này không phải là quan trọng nhất. Chính quyền mới của Mỹ khó có thể nhanh chóng đảo ngược tình cảm chống toàn cầu hóa trong xã hội Mỹ, vốn là nền tảng cho sự nổi tiếng của Trump. Ở Hoa Kỳ nhiều người tin rằng, toàn cầu hóa đã cướp đi hàng triệu việc làm của người Mỹ, do đó tầng lớp trung lưu của đất nước đang dần bị xói mòn.

Trung Quốc bắt đầu đàm phán CPTPP

Về phần mình, Trung Quốc không chống lại những diễn biến như vậy, bởi vì việc Trung Quốc và Mỹ cùng tham gia một liên minh thương mại sẽ có lợi cho khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường quốc tế, chuyên gia Lu Jian nhận xét.

Việc dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với Trung Quốc là điều vô cùng khó giải thích về mặt lợi ích đối với Hoa Kỳ. Thực tiễn cho thấy, vấn đề mất cân bằng thương mại thậm chí không thể khắc phục được vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đều bị áp thuế. Những người có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc khó có thể hài lòng với việc tạo ra một môi trường không rào cản đối với hàng hóa Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Cần phải lưu ý rằng, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, nước này sẽ phải chấp nhận tất cả các điều khoản của Hiệp định. Ví dụ, các yêu cầu đối với luật lao động, có tính đến Tuyên bố năm 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc. Hiệp định CPTPP cũng đưa ra các yêu cầu về mua sắm công và hoạt động doanh nghiệp nhà nước, về việc hỗ trợ kinh phí cho các công ty và ngành, về thương mại điện tử và trao đổi dữ liệu xuyên biên giới. Trung Quốc coi những vấn đề này là vấn đề nội bộ, do đó, hiện tại chưa rõ liệu Bắc Kinh có thể chấp nhận tất cả những điều kiện này. Nhân tiện, điều tương tự cũng có thể nói về Hoa Kỳ, quốc gia này cũng rất quan tâm đến hoạt động mua sắm, hỗ trợ các ngành công nghiệp của mình và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có quan điểm khác về việc toàn cầu hóa không gian Internet, cũng như về hợp tác kinh tế và thương mại. Quan điểm này khác với tầm nhìn của các cường quốc lớn muốn đảm bảo và duy trì vị trí lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế.

Liệu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể “ăn ở hòa thuận nhau” trong CPTPP không?

Cuối cùng, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, điều đó sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Vì vậy, thật khó để tưởng tượng hai đối thủ - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - “ăn ở hòa thuận nhau” trong một hiệp định. Cuộc chiến giành vị trí hàng đầu về kinh tế và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở thành một quy luật mới, yếu tố này sẽ quyết định sự tương tác của hai nước trong trung hạn. Như vậy, kịch bản dễ xảy ra nhất là chỉ một trong hai nước sẽ tham gia vào CPTPP.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh sẽ thực hiện những bước đi tích cực hơn nhằm hội nhập sâu hơn vào các hiệp hội thương mại quốc tế và khu vực. Bởi vì chính sách tự do hóa thương mại đã cho phép Trung Quốc tham gia vào các chuỗi cung ứng chính trên thế giới và giúp nước này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mặc dù có sự quan tâm tích cực của Trung Quốc đối với CPTPP, nhưng, quá trình gia nhập có thể kéo dài nhiều năm. Đừng quên rằng, các cuộc đàm phán về việc Trung Quốc gia nhập WTO đã kéo dài 15 năm.

Thảo luận