Thủ tướng Phạm Minh Chính "nhắc nhở" Bộ xây dựng những gì?

HÀ NỘI (Sputnik) - Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng vào ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh về cơ chế mua chung cư, nhà ở.
Sputnik

Coi trọng phát triển nhà cho người thu nhập thấp

Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với tân Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương.

Vừa lên nắm Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị đã kêu gọi chống tham nhũng

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải điều tiết bằng quản lý Nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự. Thủ tướng nhấn mạnh chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội. Đặc biệt là cần phát triển thị trường nhà ở với mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế. Thủ tướng nhấn mạnh:

“Cần phải điều tiết để tránh mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở”.

Theo Thủ tướng, thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng phải nhanh chóng thiết kế các chính sách về mua, thuê mua nhà ở có thời hạn, chỉ như vậy mới huy động được các nguồn lực cho phát triển nhà ở và bảo đảm công bằng xã hội. Ông cũng cho rằng cơ quan quản lý chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển.

“Tại sao tư nhân đầu tư vào nghĩa trang mà không làm công viên?”

Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ phải dành nhiều thời gian phân tích về vấn đề công tác quy hoạch kiến trúc, đồng thời nâng tầm hơn và thay đổi nhận thức cho cả hệ thống. Theo Thủ tướng, tinh thần quy hoạch phải có tầm nhìn, bài bản, lớp lang; khắc phục bằng được những bất cập, hạn chế về tiến độ và chất lượng quy hoạch.

Bộ Xây dựng: Giá thép tăng đột biến và không theo quy luật thông thường

Đáng chú ý, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh công tác quy hoạch dứt khoát phải do Nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị. Thủ tướng chỉ rõ:

“Nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Bộ Xây dựng phải thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư. Thủ tướng nhắc tới hàng loạt ví dụ thực tiễn tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của các cơ chế này. Ông đặt câu hỏi đầy ấn tượng:

“Tại sao tư nhân đầu tư rất nhiều vào các nghĩa trang mà không có ai đầu tư vào công viên? Tại sao có những công viên lớn với hàng trăm người làm việc mà vẫn ngày càng xuống cấp?”

Thủ tướng cho rằng thực tế này đặt ra những câu hỏi cần giải đáp về mặt cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho xây dựng công viên, các công trình công cộng phục vụ người dân, nhà ở và cả trụ sở cơ quan Nhà nước.

Bộ Xây dựng giúp Kiên Giang làm bệnh viện dã chiến

Trên cơ sở nguyên tắc chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro, Thủ tướng phân tích việc triển khai cơ chế hợp tác công tác phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, tỉnh táo, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Ông cho rằng không nên đặt ra mức tối thiểu để huy động nguồn lực xã hội, mà theo quan điểm của Thủ tướng thì ngược lại:

“Thu hút được chỉ 1 đồng vốn tư nhân cũng quý”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo các Nghị quyết của Trung ương. Tổng kết lại, Thủ tướng mong muốn Bộ phải đẩy mạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Thảo luận