Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu tăng cường đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ ngành xây dựng. Đồng thời, phải cầu thị lắng nghe ý kiến phản biện của người dân và tăng cường quản lý nội bộ.
Ông Nguyễn Thanh Nghị lần đầu chủ trì Hội nghị triển khai công tác Bộ Xây dựng
Ngày 22/4 vừa qua, lần đầu tiên, ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Bộ trưởng trẻ nhất Chính phủ mới, đã chủ trì Hội nghị triển khai công tác của Bộ Xây dựng.
Vào thời điểm được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng (ngày 8/4 vừa qua), ông Nguyễn Thanh Nghị là nhà lãnh đạo được dư luận đánh giá “tuổi trẻ tài cao” trong thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam.
Tại Hội nghị lần đầu tiên do ông Nguyễn Thanh Nghị chủ trì với tư cách người đứng đầu Bộ Xây dựng, tân Bộ trưởng cho hay, cơ quan này sẽ thay đổi tư duy làm luật, thiết kế các cơ chế, chính sách trong việc phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo thông báo của Bộ Xây dựng, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và lãnh đạo các đơn vị chủ chốt của Bộ Xây dựng đã dành một phần thời gian để tặng hoa tri ân, chụp ảnh lưu niệm với nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, người vừa được Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 8/4.
Hội nghị Giao ban của Bộ Xây dựng hôm 22/4 khá đặc biệt. Không chỉ là để kiểm điểm công tác Quý I/2021, triển khai nhiệm vụ Quý II/2021, đây còn là Hội nghị công tác có ý nghĩa quan trọng với sự tham gia của các đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, toàn bộ lãnh đạo các sở Xây dựng, sở quy hoạch kiến trúc trên cả nước.
“Đây là Hội nghị đầu tiên do đồng chí Nguyễn Thanh Nghị chủ trì trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Xây dựng”, thông báo của Bộ này cho hay.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 – 2025.
Ngay từ đầu năm, toàn ngành xây dựng đã tập trung, nỗ lực cố gắng thực hiện các chương trình, kế hoạch của Bộ Xây dựng đã ban hành để triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện, theo báo cáo đánh giá.
Cụ thể, báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 ngày 1/1/2021 vừa qua của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Xây dựng đã nhanh chóng ban hành Chương trình hành động. Theo đó, Bộ đã lập chương trình triển khai với 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 74 nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ đơn vị chủ trì, tiến độ, thời gian hoàn thành.
Ông Nguyễn Thanh Nghị “ưu tiên” những gì ở Bộ Xây dựng?
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, dù “khối lượng công việc rất lớn” nhưng Bộ vẫn tổ chức thẩm định và trình 3 Đề án quy hoạch, điều chỉnh Quy hoạch lớn và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với công tác quan rlý nhà nước lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng đã kịp thời tham mưu để Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước cho Vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Liên quan đến công tác nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định tập trung hoàn thiện và trình phê duyệt 2 Nghị định liên quan đến Luật Nhà ở và liên quan đến nhà ở xã hội.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư với nhiều nội dung đổi mới.
Tại Hội nghị giao ban này, báo cáo cho biết, Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên đặc biệt đến việc tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này cũng sẽ hoàn chỉnh, bổ sung sửa đổi nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đáng chú ý, một trong những ưu tiên của tân Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chính là hạ nhiệt giá nhà.
Thống kê cho thấy, trong 5 năm (2016-2020), cả nước đã xây dựng hơn 5,21 triệu m2, khoảng 104.000 căn hộ nhà ở xã hội, mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2). Trong bối cảnh này, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Cùng với đó, cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong khi đó, hiện tại vấn đề đặt ra là định chế tài chính chưa đầy đủ, một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường.
Ở phương diện khác, tại Việt Nam, phân khúc bất động sản cao cấp lại đang “dư cung”, trong khi nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội lại rất thiếu. Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội.
Trên thực tế, hiện nay, giá nhà ở đang ngày càng tăng cao tại các thành phố lớn của Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... quá cao so với khả năng chi trả của phần lớn người dân.
Trước đó, nhấn mạnh cần tăng cường chính sách hỗ trợ đầu tư tiếp cận các sản phẩm nhà ở bình dân, dành cho người có thu nhập thấp, chuyên gia Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, ở góc độ giá nhà và giá đất, với mức tài sản và thu nhập cá nhân của nhiều người Việt hiện nay, không phải ai cũng có thể theo kịp giá nhà gia tăng.
Báo cáo của Savills Hà Nội cũng cho thấy, từ năm 2016 đến nay, giá nhà sơ cấp tăng 5% mỗi năm. Giá nhà một số khu vực vùng ven cũng tăng lên 50-60 triệu đồng/m2. Điều này cũng chỉ ra thực tế đáng quan ngại là, giá nhà đang cao gấp thu nhập bình quân của người dân 20-30 lần.
Trong khi đó, tại TP.HCM, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản thành phố HoREA, tại đô thị lớn nhất cả nước này, tốc độ tăng giá nhà cũng diễn ra rất nhanh. Giá căn hộ tại trung tâm TP.HCM, kể cả khu vực quanh khu đô thị Thủ Thiêm giá tăng lên mức khoảng 115-162 triệu đồng / mét vuông. Quận 9 cũng khoảng xấp xỉ trên dưới 45 triệu đồng / mét vuông. Mức quá cao so với thu nhập trung bình của người lao động.
Điều đáng nói, theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, việc thị trường thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở phân khúc này hay việc các nhà đầu tư muốn tối đa hóa lợi nhuận nên đẩy giá càng khiến người lao động phổ thông hoặc thu nhập thấp ít có khả năng tiếp cận.
Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản Việt Nam
Về thị trường bất động sản, báo cáo cho thấy, quý I/2021 đã có những “biến động cục bộ”, nhưng đã dần ổn định trở lại nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tham mưu và chính quyền các địa phương.
Tuy nhiên, trước diễn biến của tình hình thị trường bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Bộ Xây dựng “không được chủ quan” mà phải chủ động theo dõi, bám sát, giám sát chặt chễ diễn biến tình hình thị trường và kịp thời đề xuất, tham mưu giải pháp nhằm đảm bảo thị trường bất động sả phát triển ổn định, bền vững.
Cũng tại Hội nghị hôm 22/4 vừa qua, Bộ trưởng Nghị đưa ra một số định hướng chính sách lớn cho các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của mình và Bộ Xây dựng.
Liên quan đến vấn đề cân đối nguồn cung, minh bạch thông tin quy hoạch, tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, thủ tục hành chính, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị cũng nhấn mạnh cần có giải pháp hợp lý. Cùng với đó, đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản ở các địa phương hiện nay.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng ưu tiên đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật. Tư lệnh ngành Xây dựng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá và dành nguồn lực thích đáng để thực hiện trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết Bộ Xây dựng sẽ chủ động rà soát, đánh giá tác động thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời đề suất điều chỉnh, sửa đổi, hoặc thay thế, bổ sung nếu cần.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, các đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo mục tiêu quản lý và phát triển, đối tượng điều tiết cụ thể và có tính kế họach, tính dự báo cho giai đoạn 5 năm sắp tới.
Cùng với đó, ông Nghị cũng đề xuất cần lưu ý đến vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới như Luật quản lý phát triển đô thị, Luật cấp thoát nước, Luật quản lý không gian ngầm hiện nay, tập trung xây dựng, hoàn thiện Định hướng kiến trúc Việt Nam.
“Tuân thủ đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính”
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đó là không cầu toàn, phải quyết liệt, chủ động sửa đổi ngay các văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, cản trở sự phát triển, không phù hợp thực tiễn, kể cả các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Liên quan đến lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng cũng sẽ tăng cường quản lý nhà nước về vấn đề này. Cụ thể, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, hướng dẫn công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch theo pháp luật, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch đô thị cục bộ, điều chỉnh quy hoạch các địa phương.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đang khẩn trương tiến hành lộ trình số hóa quy hoạch. Đến nay đã số hóa được 833 đồ án quy hoạch và thời gian tới sẽ công khai quy hoạch trên cổng thôn tin quy hoạch quốc gia để người dân có quyền tiếp cận.
Ông Nguyễn Thanh Nghị: Chống tham nhũng, tăng quản lý nội bộ
Chỉ đạo về công tác quản lý doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đúng phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo toàn vốn nhà nước, không để thất thoát tài sản, vốn nhà nước.
Cùng với đó, người đứng đầu ngành xây dựng yêu cầu thực hiện có hiệu quả, đúng kế hoạch, mục tiêu công tác thanh tra, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp.
“Không gây phiền hà, khó khăn cho địa phương, đơn vị, người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí một cách có hiệu quả”, ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Cùng với những ưu tiên trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo nâng lên về trình độ chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, nâng lên đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và có các giải pháp giám sát phù hợp trong quá trình thực hiện công vụ.
Ông Nghị nhấn mạnh, phải đảm bảo công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí có hiệu quả.
“Các đơn vị phải tăng cường quản lý nội bộ, quản lý cán bộ. Phải hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản biện, góp ý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, đi đôi với kiên trì tuyên truyền, thuyết phục, triển khai thực hiện những vấn đề phù hợp, có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn”, ông Nguyễn Thanh Nghị lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu tất cả cán bộ, công chức viên chức Bộ xây dựng thắt chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, có quyết tâm cao, quyết liệt trong công việc, chủ động, sáng tạo trong tham mưu đề xuất, có tinh thần trách nhiệm cao.
“Hoàn thành nhiệm vụ được phân công đúng tiến độ, có chất lượng”, ông Nguyễn Thanh Nghị kết luận.