Mỹ áp thuế lốp xe ô tô Việt Nam với cáo buộc trợ cấp, bán phá giá

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) kết luận lốp xe ô tô và xe tải hạng nhẹ của Việt Nam được trợ cấp, bán phá giá trong khi đồng tiền Việt Nam (VNĐ) cũng bị định giá thấp hơn giá trị thực, gây bất bình đẳng.
Sputnik

Căn cứ vào báo cáo điều tra, Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp thuế chống trợ cấp cũng như thuế chống bán phá giá đối với lốp xe ô tô từ Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương đã nhận được cảnh báo từ phía Bộ Thương mại Mỹ với cáo buộc Việt Nam trợ cấp, bán phá giá lốp xe ô tô và đang xử lý vụ việc này.

Mỹ kết luận lốp xe ô tô Việt Nam bán phá giá

Bộ Thương mại Hoa Kỳ kết luận lốp ô tô Việt Nam được trợ cấp, bán phá giá, bất bình đẳng với việc đồng tiền của Việt Nam cũng được định giá thấp hơn so với giá trị thực.

Mỹ chính thức áp thuế 456% lên một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam

Ngày 24/5 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có kết luận điều tra đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Việt Nam đang được trợ cấp không bình đẳng với việc đồng tiền Việt Nam được định giá thấp hơn giá trị thực.

Cụ thể, cơ quan này cho rằng, lốp ô tô Việt Nam được trợ cấp với tỷ lệ từ 6,23% đến 7,89% thông qua việc chuyển đổi USD sang VND với tỷ giá hối đoái thấp hơn giá trị thực của đồng VND.

Theo hãng tin Reuters, đây là phán quyết cuối cùng mà DOC đưa ra sau khi hoàn tất cuộc điều tra thương mại đối với lốp ô tô nhập khẩu từ Việt Nam.

Mỹ áp thuế lốp xe ô tô Việt Nam với cáo buộc trợ cấp, bán phá giá

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng khẳng định, giới chức Hoa Kỳ nhận thấy lốp xe nhập khẩu vào Mỹ từ các quốc gia gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam đã được bán dưới giá thị trường tại Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ áp thuế đối với lốp ô tô từ Việt Nam ra sao?

Theo kết quả điều tra của DOC cho thấy, lốp xe từ Việt Nam được bán phá giá 22%, lốp Hàn Quốc bán phá giá 27%, lốp Thái Lan bán phá giá tới 21% và lốp Đài Loan được bán phá giá tới 102%.

Như "đùa với lửa": Mỹ có nhắm tới Việt Nam khi áp thuế thép 400% hay không?
Căn cứ kết luận điều tra, Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp mức thuế chống trợ cấp (countervailing) đối với lốp ô tô từ Việt Nam.

Cụ thể như sau: lốp từ Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 7,89%, lốp từ Sailun (Vietnam) Co. Ltd. bị áp thuế 6,23%, và lốp từ các nhà sản xuất khác tại Việt Nam bị áp thuế 6,46%.

Ngoài thuế chống trợ cấp, lốp xe từ Việt Nam xuất sang Mỹ còn bị áp thuế chống bán phá giá (anti-dumping) với thuế suất 22,3%, ngoại trừ lốp của Kenda Rubber (Vietnam) Co. Ltd.; Sailun Group (Hong Kong) Co. Ltd./Sailun Tire Americas Inc.; Bridgestone Corp.; Bridgestone Tire Manufacturing Vietnam LLC; Kumho Tire (Vietnam) Co. Ltd.; và Yokohama Rubber Co. Ltd. có mức thuế 0%.

Thông tin từ trang Modern Tire Dealer cho biết, 4 quốc gia gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan là các nước có nguồn cung cấp lốp xe lớn nhất tại Mỹ, đã tăng trưởng một cách mạnh mẽ sau khi Mỹ áp thuế lên ốp ô tô từ Trung Quốc.

Đặc biệt, trong năm vừa qua 2020, Mỹ đã bỏ ra 1,2 tỷ USD để nhập khẩu lốp xe hơi và xe tải nhẹ từ Hàn Quốc, 373 triệu USD từ Đài Loan, 2 tỷ USD từ Thái Lan, và 470 triệu USD từ Việt Nam.

Mỹ áp thuế lốp xe ô tô Việt Nam với cáo buộc trợ cấp, bán phá giá

Hiện Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cũng đang tiến hành điều tra xác minh về nhập khẩu lốp xe từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và sẽ có kết luận vào ngày 23/6. Kết quả điều tra của DOC sẽ được chuyển cho ITC để xem xét.

Bộ Công Thương phản hồi vụ Mỹ cáo buộc Việt Nam trợ giá lốp xe ô tô

Ngày 25/5, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương xác nhận đã nắm thông tin về việc Mỹ cáo buộc Việt Nam trợ cấp, bán phá giá lốp xe.

Theo bà Phạm Châu Giang, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương đã nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra cảnh báo lốp xe hơi, xe tải hạng nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam được trợ giá không công bằng tại thị trường Mỹ và bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ vào tối 24/5.

Formosa Hà Tĩnh hưởng lợi từ việc Mỹ áp thuế lên thép Việt xuất xứ nước ngoài

Đại diện Bộ Công Thương cho biết Bộ hiện đang xử lý vấn đề này.

“Cục vừa nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo lốp xe Việt Nam được trợ giá không công bằng tại thị trường Mỹ và bán phá giá tại thị trường này vào tối 24/5 và hiện đang xử lý vụ việc”, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công Thương thông tin.

Trước đó, hồi năm ngoái (6/2020), Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã mở nhiều cuộc điều tra đối với lốp xe nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan nhằm kiểm tra xem liệu lốp nhập từ các thị trường này có bị bán phá giá so với mức giá quy định hợp lý hay không.

Khi đó, DOC cáo buộc biên độ bán phá giá của Việt Nam là 5 – 22%, Hàn Quốc là 43 - 195%, Đài Loan (Trung Quốc) là 21 - 116%, Thái Lan là 106 - 217,5%.

Tuy nhiên, đến đầu tháng cuối tháng 12/2020, đầu tháng 1/2021, Mỹ kết luận không đủ bằng chứng cáo buộc lốp nhập từ Việt Nam bán phá giá dựa trên các cơ sở thông tin dữ liệu từ các doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp.

Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sơ bộ xác định biên độ phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe của Việt Nam ở mức 0% đến 22,30%.

Khi đó, Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định đây là kết luận rất tích cực khi các doanh nghiệp được xác định không bán phá giá trong kết luận sơ bộ có kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Liệu Mỹ có áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam?

Cũng theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp còn lại do không hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nên bị áp mức thuế là 22,30%. Kết quả sơ bộ cho thấy việc doanh nghiệp chủ động tham gia đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với vụ việc.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, kết quả sơ bộ này cũng mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi các đối tác khác cùng bị điều tra chống bán phá giá đã bị DOC áp thuế chống bán phá giá sơ bộ ở mức cao (13,25% - 98,44%). Cụ thể, biên độ phá giá 14,24 - 38,07% đối với Hàn Quốc, 52,42 - 98,44% đối với Đài Loan - Trung Quốc và 13,25 - 22,21% đối với Thái Lan.

Đánh giá về kết luận hồi đầu năm, Bộ Công Thương nhấn mạnh đây là một kết quả hết sức tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam bởi Mỹ là thị trường lớn và quan trọng nhất đối với ngành sản xuất lốp xe khi kim ngạch các doanh nghiệp không bị áp thuế chiếm tới 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô sang Mỹ của Việt Nam năm 2019.

Cùng với đó, việc Bộ Thương mại Mỹ xác định mức thuế phá giá 0% đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm này của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nhất là trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, việc Mỹ chưa kết luận Việt Nam bán phá giá với lốp xe và áp dụng lệnh trừng phạt cũng mang lại lợi ích đáng kể cho ngành ngành cao su và nông dân trồng cao su của Việt Nam khi một số lượng lớn cao su khai thác tại Việt Nam được sử dụng để làm sản phẩm lốp xe.

Thảo luận