Theo dự báo của Goldman Sachs, đến năm 2030, khối lượng tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc cần được quản lý sẽ lên tới 70 nghìn tỷ đô la.
Trung Quốc đang thu ngắn dần danh sách các ngành bị hạn chế đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường quản lý tài sản. Từ năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã hủy bỏ các hạn chế đối với cổ phần vốn nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và môi giới. Trước đó, có những giới hạn đối với 51% tỷ lệ tham gia của nước ngoài. Và ngay cả dưới những hạn chế trước đây, các ngân hàng đầu tư nước ngoài đã cố gắng giành lấy một phần thị trường và lập liên doanh với các đối tác Trung Quốc. Sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, JP Morgan trở thành công ty đầu tiên nhận toàn quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc. Theo sau là các công ty lớn khác trên thế giới - UBS Group AG, Nomura Holdings Inc. và Credit Suisse - họ cũng đã đăng ký mở rộng cổ phần của mình trong các liên doanh với Trung Quốc. Về phần mình, Goldman Sachs trở thành công ty đầu tiên nắm toàn quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh chứng khoán ở Trung Quốc.
Hiện công ty dự kiến sẽ tham gia vào lĩnh vực quản lý tài sản tại thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp Amundi của Pháp và BlackRock của Mỹ cũng nhận được giấy phép tương tự. Như vậy, sự cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc giữa các công ty quốc tế trở nên khá gay gắt. Nhưng có một cái gì đó đáng để giành lấy. Theo Tập đoàn Tư vấn Boston, thị trường quản lý tài sản của Trung Quốc đã tăng 10% vào năm 2020, lên 18,9 nghìn tỷ USD. Xét đến việc thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ mở rộng gần 2,5 lần trong thập kỷ tới, còn các thị trường quản lý tài sản truyền thống phương Tây dần đạt đến mức bão hòa, các ngân hàng đầu tư tiếp cận Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác là cơ hội duy nhất để mở rộng hơn nữa kinh doanh.
Thị trường quản lý tài sản Trung Quốc là một trong những nơi phát triển nhanh nhất trên thế giới
Ngay năm 2013, có khoảng 55 000 sản phẩm dịch vụ quản lý tài sản (WMP) khác nhau có ở Trung Quốc, theo Statista. Tuy nhiên, đến năm 2019, số lượng sản phẩm như vậy đã tăng gần gấp sáu lần. Sự phổ biến của WMP rất dễ giải thích. Trong lịch sử, cư dân Trung Quốc hầu như không có công cụ đầu tư nào ngoài tiền gửi ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi hầu như không vượt quá chỉ số giá tiêu dùng. Đó là lý do tại sao người Trung Quốc, trong nỗ lực tăng thu nhập, đã ồ ạt đầu tư vào bất động sản. Nhưng trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc cố gắng bằng mọi cách có thể để hạ nhiệt thị trường này bằng cách hạn chế các hoạt động đầu cơ.
Trong khi đó, sự thịnh vượng của người dân Trung Quốc ngày càng tăng. Trong hơn 15 năm, GDP bình quân đầu người đã tăng hơn năm lần. Theo chỉ số này, Trung Quốc đã vượt Nga (10,05 nghìn đô la so với 9,9 nghìn đô la). Và ở những thành phố đặc biệt tiên tiến vào loại bậc nhất như Thâm Quyến, mức GDP bình quân đầu người tiệm cận chỉ số của các nước phát triển trung bình là 30 nghìn đô la. Mức lương trung bình ở các thành phố của Trung Quốc đã là 72 956 nhân dân tệ (11 408 USD). Về số lượng tỷ phú đô la, Trung Quốc vào năm 2020 đứng đầu thế giới, vượt qua Hoa Kỳ (1058 người so với 696).
Đối với các công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty tài chính Mỹ, thị trường Trung Quốc trở thành trọng điểm tăng trưởng chính và họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội của mình, Zhang Jiadong - giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Fudan, nói với Sputnik.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ hạn chế hợp tác đầu tư giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Cuối năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen, được cho là có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với khu liên hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump ký một lệnh hành pháp, cấm các nhà đầu tư Mỹ bỏ tiền vào chứng khoán của các công ty nằm trong danh sách đen. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 11 tháng 01 năm 2021. Danh sách đen bao gồm các công ty trong ngành hàng không vũ trụ, công nghệ, viễn thông, bao gồm cả tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei, Inspur Group, v.v. Và trong khi một số công ty Trung Quốc, chẳng hạn như Xiaomi, cố gắng bảo vệ quyền cạnh tranh tự do đối với các khoản đầu tư Mỹ, thì việc hợp tác đầu tư nói chung đang chịu áp lực chính trị mạnh mẽ từ Washington.
Trong việc này, lợi ích của Phố Wall (Wall Street) và doanh nghiệp Mỹ theo nghĩa rộng nhất đang trái ngược với đường lối chính trị. Trong nhiều năm Trung Quốc tích cực kiếm tiền trên thị trường Mỹ. Khoảng hai thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã huy động được hơn 140 tỷ USD trên các sàn giao dịch Mỹ. Hiện Trung Quốc đang đưa ra một tín hiệu rõ ràng về sự sẵn sàng cung cấp sân chơi bình đẳng cho người nước ngoài để họ cũng có thể tận dụng lợi thế của thị trường Trung Quốc, theo chuyên gia Zhang Jiadong cho biết,.
Câu hỏi chính bây giờ là lợi ích của ai cuối cùng sẽ lớn hơn: chính trị Mỹ hay lợi ích của doanh nghiệp Mỹ. Một mặt, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong gần một năm sau khi các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen, vẫn giữ có hiệu lực như trước đây giấy phép chung tạm thời cho phép cung cấp sản phẩm cho các công ty Trung Quốc. Sau đó, các hạn chế đã đi vào hoạt động, mặc dù có tác động không đáng kể như thoạt nhìn. Ví dụ như các lệnh trừng phạt cấm cung cấp chip và công nghệ sản xuất cho Trung Quốc chỉ liên quan đến các quy trình công nghệ tiên tiến nhất. Và phần lớn chip được sử dụng trong sản xuất đồ điện tử, đồ gia dụng, ô tô, v.v., được chế tạo dựa trên công nghệ cũ, không nằm trong các điều kiện cấm.
Một mặt, chính quyền Mỹ hiện tại cố gắng duy trì tính liên tục trong các chính sách Trung Quốc của Trump. Chủ đề hợp tác với Trung Quốc trở nên độc hại về mặt chính trị đến mức bất kỳ bước nào để cải thiện đều có thể bị cả đảng Dân chủ và Cộng hòa coi là biểu hiện của sự yếu kém. Do đó, Washington nhiều khả năng sẽ tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh, ít nhất là ở mức độ ngôn từ. Không loại trừ một số hạn chế và trừng phạt mới, đặc biệt là trong trung hạn.
Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình chia cắt nền kinh tế hai nước sẽ ngày càng khó khăn hơn. Bởi vì doanh nghiệp Mỹ, bất chấp chính trị, bỏ phiếu cho thị trường Trung Quốc bằng chính đô la của họ. Theo tính toán của công ty phân tích Mergermarket của Anh, đầu tư của các công ty Mỹ vào hoạt động mua bán và sáp nhập tại CHND Trung Hoa từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2020 tăng 69% và đạt 11,35 tỷ USD. Nhìn chung, Trung Quốc năm ngoái đã thu hút được 520,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài - nhiều hơn 80% so với năm 2019. Để so sánh: đỉnh cao của đầu tư nước ngoài vào Hoa Kỳ là vào năm 2016, khi đó cũng chỉ lên tới 472 tỷ USD.