“Cam kết bỏ thuốc lá” – câu chuyện cũ, thử thách mới với giới trẻ Việt Nam

Hà Nội (Sputnik) – Năm 2020, hàng triệu người hút thuốc lá trên khắp thế giới đã bỏ thuốc lá vì đại dịch Covid-19. Nhiều người muốn bỏ thói quen này vì gặp các vấn đề sức khỏe hoặc các bệnh đi kèm với Covid-19 do hút thuốc lá. Số khác bỏ thuốc vì họ gặp khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid-19.
Sputnik

Để giúp những người hút thuốc lá bỏ thuốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động một chiến dịch toàn cầu kéo dài một năm liên quan đến Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31/5/2021, với chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá”.

Hút thuốc lá dẫn đến 20 loại ung thư

Mỗi năm, hơn 8 triệu người trên thế giới chết vì các nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Trong số những người này, 1,2 triệu người chết vì hít phải khói thuốc thụ động (từ người khác nhả ra), hơn một nửa trong số đó là trẻ em. Hút thuốc lá có thể dẫn đến nghiện, suy nhược sức khỏe hoặc gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp và 20 loại ung thư khác nhau.

Nguy hiểm hơn hút thuốc lá? Các nhà khoa học phát hiện khẩu giao dẫn đến ung thư

Mỗi năm, mọi người trên thế giới chi khoảng 1,4 nghìn tỷ USD (1,8% GDP toàn cầu) để mua thuốc lá. Khoản chi này ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế của các nước đang phát triển như Việt Nam, những nước vốn chiếm hơn 40% tổng chi tiêu cho thuốc lá toàn cầu.

Đối với nhiều người, bỏ hút thuốc lá là một thách thức khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người căng thẳng lo âu về kinh tế và xã hội do hậu quả của đại dịch. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn kể từ khi chiến dịch “Cam kết bỏ thuốc lá” được phát động, WHO ước tính có khoảng 780 triệu người trên thế giới muốn bỏ thuốc lá. 30% trong số những người này được tiếp cận với các công cụ, hướng dẫn để giúp họ bỏ thuốc lá nhờ vào chiến dịch trên.

“Cam kết bỏ thuốc lá” – câu chuyện cũ, thử thách mới với giới trẻ Việt Nam

Nhiều người có thể biết về mối quan hệ giữa thuốc lá và bệnh ung thư phổi, nhưng có thể họ không biết rằng hút thuốc lá cũng có liên quan đến các bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh mãn tính khác. Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư bàng quang, vòm họng, miệng, thận, cổ tử cung và tuyến tụy. Chưa kể còn vô vàn “lý do thuyết phục” để khiến bạn bỏ thuốc lá.

Gần 1/3 số ca tử vong do bệnh tim mạch vành là do hút thuốc lá và hít phải khói thuốc. Hút thuốc có liên quan đến khoảng 90% các ca ung thư phổi. Trung bình, những người hút thuốc lá chết sớm hơn những người không hút thuốc 10 năm. Tuy nhiên, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong có thể phòng tránh được và bất cứ ai cũng có thể trở thành người bỏ thuốc lá thành công trong số hàng triệu người mỗi năm.

Người hút thuốc mắc Covid-19 có nguy cơ tiến triển nặng hơn

Có hơn 5.000 thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó có hại cho sức khỏe con người. Chẳng hạn, 1,3-Butadien là hóa chất dùng để sản xuất cao su, nó được coi là một hóa chất gây ung thư có thể gây ra một số bệnh ung thư máu. Arsenic (thạch tín) được dùng để bảo quản gỗ, một số hợp chất arsenic có liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang. Benzen được sử dụng để sản xuất các hóa chất khác, nó có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu ở người. Cadmium là một kim loại được sử dụng để sản xuất pin. Cadmium và các hợp chất cadmium có thể gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư thận và tuyến tiền liệt. Tar (hắc ín) được tạo thành từ một số hóa chất có trong khói thuốc lá, nó để lại chất cặn màu nâu, dính trên phổi, răng và móng tay của những người hút thuốc lá.

Chuyên gia về các bệnh nghiện giải thích cách bỏ thuốc lá

Khi bằng chứng được công bố vào năm nay cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ tiến triển bệnh nặng hơn khi mắc Covid-19 so với những người không hút thuốc, nó trở thành động lực cho hàng triệu người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá. Họ lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc Covid-19, nhất là những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường. Giảm tỷ lệ hút thuốc lá có thể giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Bên cạnh đó, những lợi ích của việc bỏ thuốc lá có thể nhận thấy gần như ngay lập tức. Chỉ sau 20 phút bỏ thuốc lá, nhịp tim của bạn sẽ giảm xuống. Trong vòng 12 giờ, mức carbon monoxide trong máu của bạn giảm xuống mức bình thường. Trong vòng 2-12 tuần, tuần hoàn phổi được cải thiện và chức năng của phổi được củng cố. Trong vòng 1-9 tháng, các dấu hiệu ho và khó thở giảm dần, theo WHO.

Việt Nam trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới

Ngày Kỷ niệm Thế giới Không Thuốc lá hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm và tác hại của thuốc lá, hoạt động kinh doanh của các hãng thuốc lá và những gì WHO đang làm để chống lại “đại dịch thuốc lá”.

Hoa Kỳ tìm thấy mối liên hệ giữa khả năng lây nhiễm Covid-19 và thuốc lá điện tử

Các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thành lập Ngày Thế giới Không Thuốc lá vào năm 1987 để thu hút sự chú ý toàn cầu về đại dịch thuốc lá và cái chết và bệnh tật có thể phòng ngừa được mà nó gây ra. Năm 1987, Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) đã thông qua Nghị quyết WHA40.38, tuyên bố ngày 7/4/1988 là “Ngày thế giới không hút thuốc”. Năm 1988, Nghị quyết WHA42.19 được thông qua, tuyên bố kỷ niệm Ngày Thế giới Không Thuốc lá hàng năm vào ngày 31/5.

Để hưởng ứng Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia Không hút thuốc từ ngày 25 - 31/5/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá tại Việt Nam.

Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2020, so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Bộ Y tế đề xuất tăng thuế thuốc lá và cấm buôn bán thuốc lá điện tử

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh:

“Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới của chúng ta vẫn rất cao với 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc. Gần đây, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, thường gọi là “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá làm nóng”. Các sản phẩm này cũng gây hại đến sức khỏe như thuốc lá điếu thông thường. Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện đang nhắm tới giới trẻ, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác ảnh hưởng xấu đến lối sống, hành vi của giới trẻ, gây nhiều hệ lụy cho xã hội”.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm mua bán, sử dụng đối với sản phẩm này. Tuy nhiên, thuế và giá các sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam còn thấp, sản phẩm thuốc lá còn dễ tiếp cận, vì vậy, trong thời gian tới chúng ta còn cần nhiều nỗ lực trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa sử dụng thuốc lá trong giới trẻ, theo ông Nguyễn Trường Sơn.

Anh Tiến Thành, 24 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội, chia sẻ với Sputnik về thói quen hút thuốc lá điện tử của mình:

“Tôi hút được mấy năm rồi. Ban đầu do đám bạn đại học rủ rê nên hút thử. Dần dà, tôi nghiện từ lúc nào không biết. Giờ làm thì vài tiếng phải ra ngoài một lần để hút, còn về nhà thì tôi hút thường xuyên, liên tục vì ở phòng riêng. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại vape (thuốc lá điện tử) với cả ngàn hương vị như kẹo, trái cây, bông gòn, sô cô la, bạc hà… dễ dàng thu hút giới trẻ. Qua báo đài, tôi biết khá rõ về tác hại của thuốc lá điện tử nhưng mỗi khi suy nghĩ về công việc, cuộc sống mà cảm thấy áp lực, stress, tôi lại hút liên tục”.

Những người như anh Thành giờ đây có thể bắt gặp ở mọi nơi, mọi lúc, từ nhà hàng, quán bar, pub, công trường, công sở, thậm chí ở một góc khuất của trường học.

“Cam kết bỏ thuốc lá” – câu chuyện cũ, thử thách mới với giới trẻ Việt Nam

Theo một số khảo sát và thống kê gần đây được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng. Ở Mỹ, người hút thuốc lá điện tử tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019, trong đó 2/3 số người hút là thanh thiếu niên. Tại Việt Nam, năm 2019, khoảng 2,6% (nam 3,6% và nữ 1,5%) thanh, thiếu niên độ tuổi 13-17 sử dụng thuốc lá, trước đó chỉ 0,2%. Trong đó, học sinh 15-17 tuổi có tỉ lệ hút thuốc lá điện tử khá cao là 3,1%. Tỉ lệ này ở nam học sinh 15-17 tuổi là 4,8% và nữ học sinh là 1,4%.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn, đối tượng thuộc nhóm người trẻ tuổi, có mức sống khá. Thống kê cho thấy, người trẻ (14-30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử thì nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử. 70% người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày.

“Gia đình đã nhiều lần nhắc nhở tôi bỏ thuốc lá điện tử và shisha nhưng tôi đều bỏ ngoài tai. Tôi thường chui vào trong phòng, đóng cửa, mở cửa sổ và vô tư hút, nhiều lúc không kiểm soát được liều lượng. Tôi nghĩ, đến khi có gia đình nhỏ hoặc một thời gian nữa, tôi sẽ nghiêm túc suy nghĩ đến việc bỏ hút các loại thuốc gây nghiện như này. Tuy nhiên, nói thì dễ, đó không thể là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều, thử thách luôn đòi hỏi thời gian”,- anh Tiến Thành nói.

Theo các chuyên gia, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay còn được gọi chung là thuốc lá thế hệ mới được quảng cáo như dòng sản phẩm thay thế cho thuốc lá truyền thống hiện đang là mối đe doạ khẩn cấp đối với sức khoẻ cộng đồng trên toàn cầu.

Thuốc lá điện tử có hình dáng nhỏ gọn, dễ cầm vừa lòng bàn tay, hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng (chất lỏng điện tử) tạo ra sol khí cho người dùng hít vào. Dung dịch trong thuốc lá điện tử thường chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật. Thuốc lá nung nóng là thiết bị chạy bằng pin được sử dụng để làm nóng điếu hoặc ngăn nén thuốc lá. Việc làm nóng tạo nên sol khí, chứa nicotine và các hóa chất khác, được người dùng hít vào.

Nicotine trong cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là chất độc hại, có tính gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá và ung thư.. Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có khuyến cáo: Đây là những sản phẩm độc hại và không giúp cai nghiện thuốc lá.

Hàng triệu người trên thế giới đã ngừng hút thuốc. Hãy nắm bắt cơ hội này và kêu gọi mọi người thay đổi cuộc sống của họ bằng cách bỏ hút thuốc ngay hôm nay!

Thảo luận