Đến lúc Biển Đông phải trở thành một vùng biển quốc tế hòa bình

“Đã đến lúc Biển Đông không là của riêng của Trung Quốc, không chỉ của các nước ASEAN và Trung Quốc mà phải trở thành một vùng biển quốc tế hòa bình như Địa Trung Hải”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh với Sputnik .
Sputnik

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 19 Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC) diễn ra tại Trùng Khánh vào ngày thứ Hai 7/6. Đây là cuộc họp đầu tiên của quan chức cao cấp kể từ Hội nghị SOM DOC-18 ở Đà Lạt tháng 10/2019.

Vấn đề gai góc nhất của Hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19

SOM ASEAN-Trung Quốc lần thứ 18 họp tại Đà Lạt, Việt Nam hồi tháng 10-2019. Sau 12 tháng gián đoạn do đại dịch COVID-19 và một số lý do khác, ngày 7/9/2020, cuộc họp nhóm chuyên viên về Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (SOM COC) mới được nối lại bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, cuộc họp đó vẫn bế tắc do phía Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi các điều khoản gây tranh cãi như bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA, hay “chống lại sự can thiệp từ bên ngoài” (ám chỉ Mỹ gây rối nhằm chia rẽ các quốc gia ASEAN và Trung Quốc),.v.v…

“Qua đó, có thể thấy thâm ý của Trung Quốc vẫn là phi quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, vừa chia rẽ các nước ASEAN, vừa ngăn cản các quan hệ của các nước ASEAN với các nước khác để Trung Quốc “một mình bá chủ Biển Đông”. Cho dù phía Trung Quốc có hứa “đặt mục tiêu sẽ hoàn tất COC trong vòng 3 năm” và Trung Quốc “đang cố gắng bù đắp thời gian đã mất vì đại dịch COVID-19”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

ASEAN - Trung Quốc bàn về Biển Đông và chiến lược hợp tác tương lai
Cho dù Trung Quốc có phát biểu như vậy, nhưng khi nhìn lại những hành động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông như tập trận bắn đạn thật, triển khai hàng trăm tàu cá không nhằm mục đích đánh cá, dùng máy bay quân sự áp sát lãnh hải Malaysia, tiếp tục bồi đắp và xây dựng trái phép các đảo đá thuộc chủ quyền của nước khác, .v.v…, chúng ta có thể thấy rằng, các nước ASEAN có cơ sở để lo ngại sẽ không thể có được một COC thực chất, công bằng, bình đẳng, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên.

“Nếu không có sự tham gia của các nước có lợi ích khác ở Biển Đông và cộng đồng quốc tế, COC sẽ không có bất cứ một ràng buộc pháp lý quốc tế nào. Nói cách khác, nó chỉ là một bản sao chi tiết của DOC, luôn bị vi phạm mà không có một chế tài nào để xử lý”, - Chuyên gia về các vấn đề chính trị quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.

Đó chính là vấn đề gai góc nhất của Hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra tại Trùng Khánh từ ngày 7 đến 8/6/2021.

“Cái cớ để Trung Quốc tiếp tục giữ lập trường vô lý của họ về đường lưỡi bò chính là việc Mỹ không chịu ký kết UNCLOS-1982. Với điều kiện như vậy, Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng vũ lực ở Biển Đông bất cứ lúc nào. Đó chính là nút thắt của vấn đề”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm nói tiếp với Sputnik.

Việt Nam không còn ở vị thế như năm 1989

Phát biểu tại Hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19, Thứ trưởng BNG Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nhận định: Dù duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc, các hành động đơn phương vẫn xảy ra, vi phạm quyền hợp pháp của các nước ven Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin, đi ngược lại các nỗ lực chung của ASEAN - Trung Quốc.

Việt Nam, ASEAN – Trung Quốc ‘đủ khôn ngoan’ để tránh đối đầu

Với phát biểu như trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, sau ngày đầu tiên của Hội nghị Trùng Khánh, Việt Nam không còn ở vị thế như năm 1989 khi đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc cũng tại Trùng Khánh.

“Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói” Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế lớn như ngày nay”. Việt Nam tuy không tham gia bất kỳ một liên minh quân sự nào nhưng sau lưng Việt Nam là ASEAN mà trực tiếp là các nước có chung quyền lợi tiếp giáp với Biển Đông. Và hơn thế nữa là cả cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam”, - Chuyên gia về các vấn đề chính trị quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.
“Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng của Việt Nam đã hoàn toàn có cơ sở khi nêu rõ rằng: “Các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian qua, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”. Phía Trung Quốc thừa hiểu rằng Việt Nam đang nói đến những “hành động đơn phương” của phía Trung Quốc bởi ngoài trung Quốc ra, không một quốc gia ASEAN nào có hành động đơn phương như vậy ở Biển Đông mà không tham khảo, trao đổi với các nước ASEAN khác”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh.

Đáng lưu ý là mặc dù đưa ra nhận định rằng việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông là lợi ích chung của ASEAN và Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc và thiện chí DOC cũng như các cam kết đã có, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, xây dựng một văn kiện COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và được ủng hộ rộng rãi.

“Điều này cho thấy việc bắt buộc phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà trực tiếp là UNCLOS-1982 không chỉ là lập trường của Việt Nam mà còn là lập trường của cả khối ASEAN, và rộng hơn nữa là lập trường của các nước ngoài khu vực có chung lợi ích ở Biển Đông”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nêu quan điểm của mình với Sputnik.

Tương lai của COC

Theo các chuyên gia, kiên trì là điều quyết định cho mọi thành công trong đàm phán ngoại giao, bất kể đối thủ là ai, mạnh mẽ đến mức nào, lắm mưu nhiều kế đến đâu.

Biển Đông: Việt Nam bàn vấn đề đối xử nhân đạo với ngư dân cùng Trung Quốc và ASEAN

Người Việt Nam biết rằng, Trung Quốc muốn giành lợi thế ở Biển Đông không chỉ phục vụ cho việc khai thác tài nguyên dưới lòng biển, khai thác hải sản, khống chế tuyến giao thông huyết mạch hàng hải lớn thứ hai thế giới mà còn muốn vươn xa hơn với chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” nhằm nối Trung Quốc với Tây Nam Á, với Châu Âu, với Châu Phi,v.v…

“Nhưng chiến lược đó sẽ không bao giờ thực hiện được bằng con đường dùng sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế để ép, ràng buộc các nước khác. Vì vậy, “quả bóng ở bên sân Trung Quốc”. Nhánh trên biển của ‘Sáng kiến vành đai con đường” do Trung Quốc chủ xướng chỉ có thể trở thành hiện thực một khi Trung Quốc từ bỏ lập trường vô lý về “đường lưỡi bò”, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước có chung quyền lợi ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế mà trực tiếp là UNCLOS-1982, phi quân sự hóa Biển Đông, biết chia sẻ lợi ích với các quốc gia láng giềng để có một Biển Đông hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, công bằng và bình đẳng”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.

Và đó chính là một COC đúng nghĩa với các tiêu chí tối thiểu nhất kể trên. Và COC đó phải được một định ước quốc tế ghi nhận để có sự ràng buộc về pháp lý.

Đến lúc Biển Đông phải trở thành một vùng biển quốc tế hòa bình
“Các nước lớn ủng hộ quan điểm của ASEAN về Biển Đông, hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực. Điều này là một lợi thế cho đàm phán COC”, - PGS-TS Hoàng Giang nói với Sputnik.
“Đã đến lúc Biển Đông không là của riêng của Trung Quốc, không chỉ của các nước ASEAN và Trung Quốc mà phải trở thành một vùng biển quốc tế hòa bình như Địa Trung Hải”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh với Sputnik.
Thảo luận