Như vậy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV có 499 người trúng cử, đạt tỷ lệ 99,8% số đại biểu cần bầu (dự kiến 500 người). Vậy là chỉ còn 2 nhiệm vụ cần phải giải quyết sau bầu cử, đó là xác nhận tư cách người trúng cử và báo cáo tổng kết bầu cử.
Diễn ra trong thời điểm làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang hết sức phức tạp, có thể nói đây là cuộc bầu cử đặc biệt và thành công nhất từ trước đến nay, đánh giá về điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh:
“Thành công của cuộc bầu cử cho thấy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thể hiện sinh động truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin vững chắc của nhân dân đối với chế độ, với Đảng, Nhà nước. Cuộc bầu cử là minh chứng cho thấy: Càng trong khó khăn, thử thách thì lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên của dân tộc ta, nhân dân ta càng được trỗi dậy, hun đúc và phát huy, lan tỏa mạnh mẽ hơn”.
Xác nhận tư cách người trúng cử
Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cấp Giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa XV cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa XV về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.
Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 ở cấp mình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử các cấp tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp Giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân. Sẽ được chia ra 3 trường hợp để xác định tư cách người trúng cử sau:
- Trường hợp có đơn thư tố cáo đối với người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng chưa có kết luận, kết quả xác minh, trả lời chính thức của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, thì Ủy ban bầu cử các cấp vẫn tiến hành việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp mình căn cứ vào các tài liệu, kết luận hiện có. Các nội dung tố cáo chưa có kết luận hoặc chưa được giải quyết được chuyển cho Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới để tiếp tục xem xét, gỉải quyết theo thẩm quyền.
- Trường hợp cơ quan chức năng đã có kết luận kiểm tra khẳng định người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có vi phạm và bị xử lý kỷ luật với hình thức từ khiển trách trở lên thì Ủy ban bầu cử cần xem xét, đánh giá cụ thể về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật, không phù hợp với tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân là phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật đã được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Ủy ban bầu cử không công nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người này.
- Trường hợp sau khi người trúng cử đã được xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân mà cơ quan chức năng mới có kết luận khẳng định người này có vi phạm pháp luật, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Hội đông nhân dân, không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới sẽ xem xét, quyết định việc tự mình báo cáo để Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp báo cáo để cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân đối với người có vi phạm theo quy định tại Điều 102 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự kiến 12/7, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ họp xem xét, xác nhận tư cách và cấp giấy chứng nhận ĐBQH khóa XV cho những người trúng cử. Sau đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử dự kiến vào ngày 15/7.
Báo cáo tổng kết bầu cử
Thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử và các văn bản hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp triển khai công tác bầu cử theo quy định.
Đồng thời bố trí, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức bầu cử; bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cuộc bầu cử. Cuối cùng, Chính phủ sẽ tiến hành báo cáo tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (gọi chung là công tác bầu cử).
"Cuộc bầu cử đặc biệt" nhất trong 15 lần tổ chức
Phân tích khẳng định "đây là một cuộc bầu cử rất đặc biệt" của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Bùi Văn Cường cho biết điều này được thể hiện ở bối cảnh đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp và đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Đáng chú ý là cuộc bầu cử được tiến hành trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội ở trong nước và nhiều nước trên thế giới. Trong lịch sử 15 lần tổ chức bầu cử ĐBQH, trừ giai đoạn đất nước có chiến tranh, chưa bao giờ cuộc bầu cử lại diễn ra cam go với nhiều khó khăn, thử thách như cuộc bầu cử lần này, khi mà cùng lúc vừa phải thực hiện 3 nhiệm vụ.
Đó là tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật; vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân. Các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra.
Đặc biệt, cũng lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30% - cao nhất từ khóa VI đến nay (151 người, cao hơn 5,8% so với khóa XIV).