Tại đây, nhiều câu hỏi “hóc búa” đã được đưa cho Hội đồng Bầu cử Quốc gia xoay quanh trường hợp của ông Trần Văn Nam.
Sức khỏe có phải là mấu chốt?
Trước đó, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, có đơn gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia xin rút, không làm đại biểu Quốc hội khóa XV vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, báo chí đặt câu hỏi rằng, trước khi có danh sách bầu cử thì tất cả người ứng cử đều phải có đáp ứng đủ tiêu chuẩn về sức khỏe. Thậm chí, ông Trần Văn Nam vẫn là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Điều này có nghĩa rằng, tiêu chuẩn để làm Bí thư Tỉnh ủy cao hơn nhiều so với đại biểu Quốc hội. Giải đáp vấn đề này, Trưởng Ban công tác đại biểu bà Nguyễn Thị Thanh cho biết:
“Đối với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có Nghị quyết riêng về vấn đề này và đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí rất cao. Cụ thể, 100% các thành viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu kín để ra Nghị quyết này. Thứ hai, căn cứ vào kết luận của các cơ quan có thẩm quyền thì Tiểu ban nhân sự đã họp vào ngày 4/6 để xem xét việc không nhận kết quả trúng cử và không xác nhận tư cách đại biểu đối với ông Trần Văn Nam. Trên cơ sở kết luận của cơ quan có thẩm quyền, đối chiếu với các tiêu chuẩn của ĐBQH tại Luật tổ chức, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như hướng dẫn liên quan, Tiểu ban nhân sự đã có tờ trình 747 trình Hội đồng bầu cử Quốc gia về việc không công nhận kết quả trúng cử và bác tư cách đại biểu đối với ông Trần Văn Nam”.
Một bất ngờ nữa tại cuộc họp báo khi Trưởng Ban công tác đại biểu bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh thêm:
“Tôi xin chính thức khẳng định, Hội đồng bầu cử Quốc gia không nhận được đơn của ông Trần Văn Nam. Chúng tôi căn cứ trên cơ sở kết luận của cơ quan có thẩm quyền, đối chiếu với các văn bản như tôi vừa nêu. Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có Nghị quyết riêng về việc bác tư cách đại biểu với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam với lý do không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XV, chứ không phải vì lý do sức khỏe”.
Uỷ ban kiểm tra Trung ương vào cuộc
Ngay sau khi nhận được câu trả lời, báo chí vẫn yêu cầu một câu trả lời xác đáng hơn để thông tin tới người dân. Trưởng Ban công tác đại biểu, bà Nguyễn Thị Thanh thông tin như sau:
“Cơ quan có thẩm quyền đang kiểm tra bước đầu đối với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho thấy ông Trần Văn Nam có một số vi phạm trong công tác. Sắp tới, Ban kiểm tra Trung ương sẽ đưa ra kết luận và thực hiện theo quy trình của các cơ quan. Ở đây, Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ xem xét với các đại biểu Quốc hội. Còn như các phóng viên nói ông Trần Văn Nam với tư cách Ủy viên Trung ương thì đã có cơ quan xem xét trên tư cách này. Hôm nay, chúng ta trao đổi với nội dung là xem xét tư cách đại biểu Quốc hội”.
Về cơ sở pháp lý cụ thể để bác tư cách đại biểu của ông Trần Văn Nam, bà Thanh cho biết thêm:
“Trong giai đoạn kiểm tra cụ thể đã phát hiện những vi phạm của ông Trần Văn Nam. Thứ nhất, ông Nam đã vi phạm Nghị định 47 của Ban chấp hành TW Đảng về những điều Đảng viên không được làm. Đó là tiêu chí thứ nhất. Thứ hai, trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ từ khi ông Trần Văn Nam là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, trong những quyết định liên quan đến quản lý nhà nước, đặc biệt là vấn đề về đất đai, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Kết luận bước đầu là vi phạm pháp luật nhà nước. Đây là hai lý do rất cụ thể, rõ ràng để Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét và đối chiếu”.
Quy trình xem xét tư cách người trúng cử Đại biểu Quốc hội
Trước câu hỏi của phóng viên “Theo quy định, tôi hiểu là khi ông Trần Văn Nam được cử tri bầu và trúng cử thì trong danh sách công bố phải là ông ấy trúng cử trước, sau đó mới đến việc xác nhận tư cách của Hội đồng Bầu cử thì theo căn cứ, tôi lại thấy ngược lại. Tức Hội đồng Bầu cử có Nghị quyết không xác nhận tư cách của ông ấy trước, rồi mới công bố danh sách trúng cử là 499 người. Mà theo tôi hiểu, việc xác nhận tư cách chỉ sau khi có danh sách trúng cử rồi, thì Hội đồng Bầu cử mới làm cái việc là xác nhận tư cách, lúc đấy thì mới có Nghị quyết không xác nhận tư cách đại biểu của ông Nam thì mới đúng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trả lời:
“Về quy trình và vấn đề xác nhận tư cách của người trúng cử đến thời điểm này, thì theo quy định của Luật Bầu cử hiện hành Điều 15 về thẩm quyền, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia có quyền hạn xác nhận và công bố kết quả bầu cử Đại biểu Quốc hội trên cả nước, xác nhận tư cách của người trúng cử Đại biểu Quốc hội – đấy là về mặt thẩm quyền”.
"Về quy trình, thì việc công bố kết quả xác nhận tư cách của người trúng cử nó diễn ra cả quá trình, chứ không phải chỉ có một thời điểm. Trên cơ sở biên bản xác nhận kết quả bầu cử của các địa phương, thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ kiểm tra và lập biên bản về xác nhận kết quả bầu cử, lập biên bản tổng kết bầu cử, cùng với kết quả giải quyết khiếu nại , tố cáo (nếu có) đối với tư cách của người trúng cử. Trong nội dung của biên bản, ngoài thông tin chung, còn phải có thông tin về danh sách những người trúng cử theo từng đơn vị. Ngay khi lập biên bản đã phải có thông tin về danh sách những người trúng cử do Hội đồng Quốc gia xác định, căn cứ vào quy định của Luật Bầu cử", ông Hoàng Thanh Tùng giải thích.
Trong nội dung biên bản cũng quy định phải ghi rõ những vấn đề gì lớn, quan trọng đã xảy ra, kết quả giải quyết như thế nào; khiếu nại, tố cáo nào đã có đối với từng người trúng cử.
Đây là một trường hợp rất là hiếm, trong quá trình Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, kiểm tra kết quả bầu cử thì có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc xem xét vi phạm đối với một trường hợp cụ thể. Đấy là một việc quan trọng và Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong thẩm quyền của mình, thì đã xem xét quyết định không công nhận tư cách của cái người trúng cử đó. 866 người ứng cử, kể cả trúng cử hoặc không trúng cử đều được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố kết quả bầu cử.
Trên cơ sở công bố kết quả như vậy, căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về không công nhận tư cách của người trúng cử trong một trường hợp là ông Trần Văn Nam, thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách những người trúng cử thì chỉ có 499 người. Đây là quy trình.
Sau khi công bố danh sách người trúng cử sau hôm nay, thì còn tiếp tục xem xét tư cách người trúng cử chứ không phải là kết thúc. Theo quy định của luật, có 5 ngày để những ai có khiếu nại đối với kết quả bầu cử của người trúng cử đã được công bố, thì họ gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Trong 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét, có kết luận giải quyết. Nếu kết luận giải quyết khiếu nại cho thấy người trúng cử không đáp ứng tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội theo quy định của luật, thì Hội đồng sẽ xem xét không công nhận tư cách của chính người đó. Như vậy, còn hơn 1 tháng nữa, thì Hội đồng Bầu cử sẽ có xác nhận tư cách của người trúng cử. Trên cơ sở đó mới cấp Giấy Chứng nhận Đại biểu Quốc hội cho những người trúng cử.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia không xem xét tư cách người trúng cử có dấu hiệu vi phạm
Về câu hỏi "Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường có nêu về Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và nói rằng, không đưa vào danh sách những người ứng cử, vậy chúng ra đưa vào danh sách những người ứng cử trong đó có ông Trần Văn Nam, và như các đồng nghiệp vừa nói ông Trần Văn Nam là Bí thư Tỉnh ủy, mà tiêu chuẩn của Bí thư tỉnh ủy thậm chí còn khắt khe, cao hơn so với tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội. Vậy tại sao chúng ta đưa vào danh sách ứng cử có ông Nam được cử tri tín nhiệm bầu và trúng cử rồi, mà đến khi chúng ta lại nói là ông Nam theo như căn cứ, nên tôi muốn hỏi về quy trình. Theo Hướng dẫn, chúng ta không được đưa ông Nam vào danh sách nếu như ông Nam đang bị thanh tra, kiểm tra. Nhưng chúng ta đã đưa vào rồi, cử tri đã bầu ông Nam trúng cử thì trường hợp này sẽ giải thích như nào? Có phải do khâu giới thiệu, Hiệp thương của chúng ta không đảm bảo không? Hay là sau khi ông Nam có danh sách bầu rồi thì lúc đó cơ quan thẩm quyền mới có kết luận điều tra?", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết:
"Đây là trường hợp đã được đưa vào danh sách đi ứng cử, đã trúng cử theo kết quả bầu cử của cử tri, tại sao đến lúc này lại bảo là không công nhận tư cách, thế có đúng hay không? Thì tôi thấy thế này, Hướng dẫn 36 là nói về việc xem xét tư cách, phẩm chất của người ứng cử, người ứng cử và người trúng cử đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn này, cho nên ở tùy từng giai đoạn, nếu trước khi bầu cử, khi mà danh sách những người ứng cử được niêm yết, nếu phát hiện ra có cái vi phạm không đáp ứng tiêu chuẩn, thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xóa tên người đó khỏi danh sách những người ứng cử. Ở cái bước bầu cử đã được tiến hành xong, đã có kết quả nhưng có kết luận về việc có dấu hiệu vi phạm như vậy, thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia không xem xét tư cách. Tùy từng sự việc ở mức nào, sẽ có quyết định phù hợp ở mức đó".