"Hoa Kỳ không cho phép công ty châu Âu Airbus cung cấp cho Nga mô-đun phụ tải có ích (Payload module, PLM) có thiết bị chuyển phát để chế tạo vệ tinh AngoSat-2 cho Angola do trong cấu tạo có linh kiện điện tử của Mỹ", - nguồn tin cho biết.
Nguyên nhân là do kể từ tháng 5/2021, Hoa Kỳ đã cấm hoàn toàn việc cung cấp cho Nga thiết bị điện tử không gian của Mỹ theo các yêu cầu quy định ITAR về xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ mang tính quốc phòng.
Theo nguồn tin, việc nhà thầu từ chối cung cấp thiết bị điện tử đã buộc bên sản xuất phải sửa đổi các giải pháp sơ đồ kỹ thuật trong vệ tinh và thỏa thuận lại về việc này với bên đặt hàng.
Hợp đồng giữa Nga và Angola
Năm 2009, Nga và Angola đã ký hợp đồng chế tạo vệ tinh thông tin liên lạc AngoSat-1 tại Tập đoàn tên lửa - vũ trụ Energia (doanh nghiệp thuộc Roscosmos). Vệ tinh được phóng vào tháng 12/2017, nhưng đã bị mất liên lạc ngay sau khi được đưa lên quỹ đạo.
Vào tháng 4/2018, Nga và Angola đã thỏa thuận chế tạo vệ tinh AngoSat-2 để thay thế AngoSat-1. Đồng thời, bảo hiểm chỉ chi trả một nửa chi phí chế tạo vệ tinh mới. Việc chế tạo vệ tinh AngoSat-2 cũng được giao cho RSC Energia, nhưng vào tháng 5/2020 được biết là theo yêu cầu của phía Angola, công việc này đã được chuyển giao cho công ty “Hệ thống vệ tinh thông tin mang tên Reshetnev”.