Quan hệ đối tác Nga-Việt: nội dung phải phù hợp với hình thức

Ngày 16/6/1994, tại Mátxcơva, Việt Nam và Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga. Văn kiện đã chính thức có hiệu lực vào ngày 11 tháng 4 năm 1995, sau khi được Quốc hội của hai Bên phê chuẩn.
Sputnik

Vào thời điểm đó, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga đang trải qua quá trình phức tạp tìm kiếm bản thân mình, tìm cho mình một chỗ đứng trong hệ thống quan hệ quốc tế, và tìm kiếm bạn bè trên thế giới, Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg, nhận xét.

Việt Nam là một trong những người bạn đầu tiên của nước Nga hậu Xô Viết

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, Giáo sư Kolotov nhấn mạnh:

"Một trong những nước đầu tiên mà Nga đã ký kết thỏa thuận như vậy là Việt Nam - một quốc gia mà dưới thời Xô Viết, Nga cũng như Liên Xô nói chung, đã duy trì các mối quan hệ thương mại, kinh tế, kỹ thuật - quân sự và văn hóa rất tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, sau những thay đổi trong cơ cấu chính trị - xã hội của Nga, Mátxcơva phải xây dựng quan hệ với Việt Nam trên một nền tảng mới. Và mối quan hệ này đã thành công vượt qua được thử thách qua thời gian, trải qua nhiều giai đoạn. Từ một mối quan hệ hữu nghị, hai bên đã tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược, và hiện nay là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".

Những tuyên bố chính trị phải đi đôi với những hành động lớn

Giáo sư Kolotov nói: “Đối tác chiến lược toàn diện là một hình thức quan hệ có tầm vóc rất cao. Tuy nhiên, tôi muốn để hai bên không chỉ thông báo về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà còn đưa nhiều nội dung cụ thể và tuyệt vời vào mối quan hệ này”.
Việt Nam và Nga chung tầm nhìn về phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Ông Vladimir Kolotov lưu ý rằng, gần đây, giới chuyên gia của cả hai nước đưa ra ngày càng nhiều lời chỉ trích liên quan đến sự khác biệt rõ ràng giữa hình thức quan hệ Nga-Việt và nội dung cụ thể trong mối quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư giữa hai nước.

“Những lời phát biểu rất hay được nghe ở cấp độ cao, nhưng, trên thực tế không có hành động cụ thể nào. Cho đến nay, các dự án chung lớn nhất ở Việt Nam vẫn là những dự án đang được thực hiện từ thời Liên Xô, chẳng hạn như nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trung tâm Nhiệt đới và Liên doanh Vietsovpetro. Nhưng, dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam với sự hỗ trợ của Nga đã thất bại. Tập đoàn dầu khí Gazprom Neft không còn dự án nào tại Việt Nam. Gần đây có thông tin rằng, Rosneft rút khỏi các dự án tại Việt Nam. Phía Việt Nam đang hạn chế hợp tác với công ty Nga "Silovye mashiny" ("Power Machines"), một trong những công ty kỹ thuật điện hàng đầu trên thế giới”, - ông Vladimir Kolotov nói với Sputnik.

Nhập khẩu của Nga từ Việt Nam cao gấp 3 lần so với xuất khẩu sang Việt Nam

Kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam cũng hoàn toàn không tương ứng với khả năng tiềm năng của hai nước. Giáo sư Kolotov nhắc nhở rằng, vào năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức khoảng 5,6 tỷ USD. Hơn nữa, nhập khẩu của Nga từ Việt Nam cao gấp ba lần so với xuất khẩu của Nga sang Việt Nam.

Chính quyền khu vực Nga sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu thâm nhập thị trường Việt Nam

Đồng thời, Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hiệu quả các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia mà tương đối gần đây Việt Nam đã có mối quan hệ thù địch, thậm chí đã từng xảy ra chiến tranh: với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Liên minh châu Âu.

“Kim ngạch thương mại của Việt Nam với các quốc gia này là cao hơn kim ngạch thương mại với Nga không phải gấp 2-3 lần, mà gấp mấy chục lần. Đối với các kế hoạch hợp tác kinh tế và thương mại Nga-Việt, những dự án này thường không tiến xa hơn giai đoạn thảo luận. Hãy nhớ lại kế hoạch nâng kim ngạch thương mại Nga-Việt lên 10 tỷ USD năm 2020. Khi kế hoạch này được công bố, các chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam và mối quan hệ kinh tế thương mại song phương đã bày tỏ sự hoang mang về việc: trên cơ sở nào hai nước chúng ta có thể gia tăng khối lượng thương mại. Hôm nay chúng ta thấy rằng, tuyên bố đó cũng không đi đôi với việc làm”, - Giáo sư Kolotov nói.
Ngày kỷ niệm sự kiện lịch sử là một lý do để phân tích nghiêm túc

Giáo sư Kolotov nói, ngày kỷ niệm sự kiện lịch sử khiến chúng ta suy nghĩ về quá khứ và tương lai của mối quan hệ kinh tế thương mại Nga - Việt. Và nữa - về nguyên nhân của những vấn đề tồn tại ở thời điểm hiện tại, và về cách giải quyết những vấn đề này.

Thảo luận