Vì sao hoa hậu Hà Kiều Anh không thể tự nhận là ‘công chúa’ Triều Nguyễn?

Dư luận Việt Nam xôn xao về vụ hoa hậu Hà Kiều Anh là hậu duệ vua Minh Mạng, ‘công chúa đời thứ 7’ triều đại Nhà Nguyễn.
Sputnik

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc Hà Kiều Anh nhận mình là ‘công chúa đời thứ 7’ dòng tộc nhà Nguyễn là hoàn toàn không chính xác.

Nhận mình là dòng dõi vua Minh Mạng, Hà Kiều Anh lý giải thế nào?

Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh mới đây chia sẻ thông tin cho biết, cô là công chúa đời thứ 7 của hoàng tộc nhà Nguyễn.

Tuy nhiên, điều này đã vấp phải một số ý kiến phản bác của cư dân mạng và cả những người quan tâm đến sử học.

Nhân Ngày gia đình Việt Nam 26/6, trên trang cá nhân của mình, Hoa hậu Hà Kiều Anh đã có bài viết chia sẻ niềm tự hào của mình đối với tổ tiên nội ngoại.

GS. Ngô Bảo Châu gửi ‘lời xin lỗi’ đến hoa hậu Nguyễn Thu Thủy vừa qua đời

Người đẹp cho biết bản thân không chỉ có ông nội là nhà ngoại giao nổi tiếng Hà Văn Lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, mà còn có bà nội là con cháu thuộc dòng dõi vua Minh Mạng của nhà Nguyễn.

Được biết, ông ngoại của Hà Kiều Anh nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, còn ông nội nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, bố cô là kỹ sư điện tử, còn mẹ là một nữ doanh nhân thành đạt.

Do đó, ngoài danh hiệu “Hoa hậu Việt Nam 1992” thì Hà Kiều Anh còn được nhiều người ngưỡng mộ bởi nền tảng tri thức và trình độ học vấn cao, xuất thân từ gia đình “trâm anh thế phiệt”.

Theo chia sẻ mới nhất của người đẹp Hà Kiều Anh, cô là hậu duệ của Tuy Lý Vương, hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng.

Trong số các con trai của Tuy Lý Vương có ông Hường Nhã. Ông này sinh 3 con gái mà một trong số đó là bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh, thân mẫu của bà Nguyễn Tăng Diệu Hương, phu nhân của ông Hà Văn Lâu. Bà Diệu Hương là bà nội của Hoa hậu Hà Kiều Anh

Hoa hậu Việt Nam 1992 cho biết, ông Hường Nhã đẻ ra 4 con trai và 3 cô con gái, trong đó có bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh - là bà cố nội của mình.

Bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh là vợ thứ 3 của ông Nguyễn Tăng Lộc, cũng là một ông quan trong triều đình nhà Nguyễn. Bà là một người cực kỳ xinh đẹp, có thể nói là đẹp nghiêng nước nghiêng thành với làn da trắng muốt không tì vết.

“Chỉ tiếc là bà mất rất trẻ khi mới 36 tuổi và mất vì bệnh đậu mùa. Nhưng bà đã sinh được 2 người con, 1 nam, 1 nữ và nữ là bà Nguyễn Tăng Diệu Hương - bà nội của mình", Hà Kiều Anh viết trên trang cá nhân.

Hoa hậu cho biết, ngày trước cô thường được nghe bà dạy, ngoài việc mang họ “Hà” của ông nội Hà Văn Lâu, cô cũng mang trong mình dòng máu “con vua cháu chúa”.

“Lúc đó mình nghĩ bà nội chắc lẩm cẩm rồi, bây giờ còn ai nhắc đến vua chúa nữa. Bà nội lúc nào cũng nói bà là con vua cháu chúa, con cũng là công chúa đời thứ 7 đấy”, người đẹp chia sẻ.

Như vậy, nếu điều này là đúng thì Hà Kiều Anh là cháu đời thứ bảy của vua Minh Mạng. 

Theo sử sách ghi lại, Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh là một vị hoàng thân nổi tiếng với tài học uyên bác, rất sành về thơ và thạo cả nghề thuốc.

Ông đã cùng với anh trai là Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm (hoàng tử thứ 10 của Minh Mạng) sáng lập Mạc Vân thi xã, nơi tập hợp nhiều danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Hà Tôn Quyền, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai... Hội thơ này còn được ví với Hội Tao đàn của vua Lê Thánh Tông.

Vì sao Hà Kiều Anh khó có thể là ‘công chúa’ đời thứ 7 Triều Nguyễn?

Sau chia sẻ của Hà Kiều Anh về dòng dõi trâm anh thế phiệt của mình, cộng đồng mạng xã hội nảy ra khá nhiều tranh cãi.

Trong đó, anh Tôn Thất Minh Khôi, một người đam mê tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam, đồng thời là hậu duệ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (chúa thứ 8 của triều Nguyễn), đã phản bác lại thông tin này.

Chồng cũ hoa hậu Thu Thủy: "Tôi giấu con chuyện vợ mất"

Theo đó, anh Khôi cho biết, bài viết của Hà Kiều Anh có một số lỗi sai cơ bản.

Thứ nhất, nhà Nguyễn không có vị Tiệp Phi nào cả. Người mà Hà Kiều Anh đề cập chính là bà Tiệp dư Lê Thị Ái, thụy Tịnh Nhu, là ngự thiếp của Hoàng đế Minh Mạng và là mẹ đẻ của Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Miên Trinh.

Thứ hai, Hà Kiều Anh mắc lỗi trong cách gọi tên nhân vật lịch sử là Hương Ngãi, trong khi chính xác phải là Hường Ngải.

Thứ ba, bà cố của Hà Kiều Anh là bà Công Tằng Tôn Nữ không phải là công chúa, không có trong danh sách sắc phong công chúa.

Do đó, theo anh Khôi, hoa hậu Hà Kiều Anh chỉ "có thể nói là có họ hàng xa, chứ công chúa thì không".

Anh Tôn Thất Minh Khôi cũng đã liên hệ với bác Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, hậu duệ của Tuy Lý Vương và là hội viên Hội Khoa học lịch sử thành phố Huế, và được biết Hà Kiều Anh đúng là con cháu họ hàng xa của Phủ Tuy Lý Vương.

Tuy nhiên, như vậy vẫn không thể nói cô là công chúa đời thứ 7.

Hoa hậu Hà Kiều Anh nói gì khi bị dư luận phản ứng?

Trước các phản hồi của cư dân mạng dưới bài đăng của mình, Hà Kiều Anh khẳng định cô không tự xưng là công chúa, mà điều này là do bà nội cô chia sẻ lại.

“Vàng thật không sợ lửa, dòng dõi hoàng tộc là điều hãnh diện nhất dù chỉ là một chút còn sót lại… Dòng dõi nhà chị là vua chúa thật, một số điểm em nêu ra về tên gọi có thể chị nghe các cậu mợ kể lại, gia phả ghi chép có sai sót, em đính chính chị cảm ơn em nhiều. Còn câu chuyện chị viết về gia đình chị là có thật”, Hoa hậu viết.

Hậu duệ đời thứ 5 của đức Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, thành viên Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế và hiện là Phó Phòng Tuy Lý Vương cho biết trên Dân Việt rằng, việc Hà Kiều Anh nhận mình là ‘công chúa đời thứ 7’ hoàn toàn không chính xác.

Thương tiếc Hoa hậu Việt Nam 1994 đột ngột qua đời ở tuổi 45

Vị chuyên gia nhấn mạnh, theo sử cũ chép lại, Hoàng đế Minh Mạng đặt cho những người con trai ruột của mình có tên lót là chữ Miên, những người cháu (hoàng tôn) sau đó lấy tên lót chữ Hồng (đọc chệch là Hường), đời kế tiếp lần lượt là Ưng/ Bửu/ Vĩnh/ Bảo/...

“Nếu tính từ đời Tuy Lý Vương đến đời Hà Kiều Anh cứ cho là 7 đời thì ứng ngang với chữ "Bảo". Nôm na là có nguồn gốc xa gần với Tuy Lý Vương. Điều đó không ai phủ nhận và cũng không ai phản đối cả. Tuy nhiên, Hà Kiều Anh có một chỗ rất bậy đó là xưng tôn mình lên làm "công chúa". Đây là điều cực kỳ cấm kỵ và không nên”, hậu duệ đời thứ 5 của đức Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Vĩnh Khánh lưu ý.

Theo ông, "công chúa" là một mỹ từ mà theo nguyên tắc của nhà Nguyễn là phải được vua phong mới được gọi "công chúa". Ngay cả bản thân con trai, con gái của vua ngày xưa cũng chỉ gọi là "hoàng nữ", "hoàng tôn". Những chức vị có tước như: "công chúa", "hoàng tử", "hoàng thái tử"… không thể tuỳ tiện gọi và không thể tuỳ tiện nhận được", Nguyễn Phước Vĩnh Khánh phân tích.

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh cũng chỉ thêm rằng, hoa hậu Hà Kiều Anh đã nói sai về tên của cụ Hường Ngải, nói sai về tên của bà cố nội và nói sai tên của bà Tiệp Dư – vợ của vua Minh Mạng.

Vị chuyên gia thông tin thêm, việc Hà Kiều Anh kể bà cụ cố của mình - con của cụ Hường Ngải (con trai ngài Tuy Lý Vương - Miên Trinh) thì bà phải ngang hàng chữ "Ưng" - tức là Công Tôn Nữ thì ở đây lại cho bà thành Công Tằng Tôn Nữ - tức mới ngang chữ Bửu là hàng chắt...

Rồi Hà Kiều Anh nói về bà Tiệp Dư – vợ vua Minh Mạng mà nói thành Tiệp Phi là sai cả về ngữ nghĩa, thứ bậc. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ đặt ngôi Hoàng Quý phi để phụ giúp Hoàng hậu, ở dưới chia thành 9 bậc gọi là Cửu giai. Tiệp dư ở hàng Lục giai, tức cách nhau đến 4 hoặc 5 bậc so với Phi vị.

“Điều này chứng tỏ Hà Kiều Anh không hiểu gì về thế thứ, ngữ nghĩa của từng cái tên trong dòng tộc của mình. Làm như vậy là vô hình trung bôi xấu dòng tộc của mình. Từ chỗ nói ra để tôn vinh tổ tiên, dòng tộc… thì lại nói sai lệch thông tin khiến cho phản tác dụng hay tác dụng ngược. Đây là điều không nên một chút nào”, ông Khánh nhấn mạnh.
Vừa xuống tóc đi tu 2 tháng, Nguyễn Thị Hà - người đẹp Hoa hậu Việt Nam bỗng cưới đại gia

Hậu duệ đời thứ 5 của đức Tuy Lý Vương Nguyễn Phước Vĩnh Khánh cho hay, không phải ông nói là không nhận Hà Kiều Anh là cháu chắt của dòng tộc gì hết. Ông chỉ lưu ý rằng, bất kỳ ai, khi nói gì về dòng tộc cần phải có sự tự trọng – tự tôn và hiểu về dòng tộc rồi hẵng nói.

“Càng là Hoa hậu thì càng phải ăn nói chừng mực và có sự hiểu biết. Người xưa nói “Lời nói là đọi máu”, bước chân đi sai còn rút lại để đi đúng chứ nói lời sai là không thể rút lại được”, ông Khánh thẳng thắn.

Theo ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh, sau sự việc này, nếu Hà Kiều Anh trở về Huế thăm lại tổ tiên, gốc gác, gia tộc... bản thân ông vẫn tiếp đón với tư cách là một cháu ngoại rất xa của dòng tộc.

Cũng có nhiều người cho rằng, hoa hậu Hà Kiều Anh không có ý tự phong tước hiệu “công chúa đời thứ 7 nhà Nguyễn” mà chỉ là cách nói uyển chuyển về hậu duệ đời thứ 7 của vua mà thôi.

Hiện, dư luận tại Việt Nam vẫn đang thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều về vụ việc liệu hoa hậu Hà Kiều Anh có thực sự là công chúa đời thứ 7 dòng tộc nhà Nguyễn hay không.

Thảo luận