Hệ thống giao dịch chứng khoán mới mà FPT IS phối hợp với HoSE xây dựng, triển khai được đánh giá có nhiều lợi thế vượt trội hơn so với hệ thống cũ của Thái Lan do đã được “nghiên cứu rất kỹ” và lường trước nhiều kịch bản chống nghẽn lệnh, sự cố giao dịch.
HoSE chính thức vận hành hệ thống mới của FPT Group
Hôm nay, 5/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (sàn HoSE/ HSX – Ho Chi Minh Stock Exchange) chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới do FPT Group xây dựng và phát triển.
Giải pháp này của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) được Bộ Tài chính chấp thuận trước đó nhằm giải quyết, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh, khó khăn, bất cập khi giao dịch xảy ra liên tục khiến các nhà đầu tư bức xúc thời gian qua.
Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM kiểm tra, đánh giá, rà soát kỹ, bảo đảm vận hành hệ thống giao dịch an toàn, thông suốt.
Được biết, đây là phương án tạm thời xử lý, trong khi chờ hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán hợp tác với đối tác Hàn Quốc hoàn tất.
Hôm 2/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch do Công ty cổ phần FPT cung cấp cho HoSE.
Theo văn bản này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng ý với kiến nghị của HoSE về việc đưa giải pháp xử lý sự cố hệ thống tại sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM, sử dụng phần mềm của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) do Công ty cổ phần FPT cung cấp (giải pháp xử lý sự cố giao dịch) vào vận hành chính thức từ 5/7.
“HoSE chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung tại Biên bản kiểm thử với FPT, tổ chức kiểm tra, đánh giá, rà soát kỹ đảm bảo vận hành hệ thống an toàn, thông suốt”, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cũng hoàn tất thủ tục tiếp nhận hệ thống, cung cấp dịch vụ và ký kết thỏa thuận với FPT trước khi hệ thống chính thức đi vào vận hành.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, ngày 10/6, trong thông báo được đưa ra, Bộ Tài chính đã có quyết định thanh tra hành chính Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Việc này là nhằm kiểm tra, rà soát để có những can thiệp kịp thời giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE thời gian qua.
Thực tế, tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE xảy ra từ ngày 21/12/2020. Cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý, nhưng nghẽn lệnh vẫn kéo dài.
Trong những phiên giao dịch hồi tháng 5, tháng 6, tình trạng nghẽn lệnh thường xuyên xảy ra do lượng lệnh và thanh khoản của thị trường tăng rất mạnh.
Đáng chú ý, chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22.100 tỷ đồng/phiên, gây ra tình trạng tắc, nghẽn nghiêm trọng, gây bức xúc với các nhà đầu tư, đặc biệt, sau sự cố giao dịch hôm 1/6, rất nhiều người nghi ngờ khả năng lãnh đạo và năng lực điều hành của lãnh đạo sàn HoSE.
Đối với tình trạng này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý nhanh nhất, hiệu quả nhất, đồng thời quán triệt sự cố nghẽn lệnh là trường hợp khẩn cấp quốc gia cần phải tập trung mọi nguồn lực để xử lý.
Trong đó, một trong những giải pháp trước mắt đã được triển khai là nâng cấp, xử lý hệ thống giao dịch của HOSE do FPT thực hiện. Cơ quan chức năng ví von, đây là “kế hoạch giải cứu nghẽn lệnh 100 ngày” của FPT Group.
Được biết, sau khi tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE kéo dài liên tục suốt 3 tháng mà không có giải pháp khắc phục hiệu quả, Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) đã bắt đầu xây dựng hệ thống khớp lệnh thay thế từ đầu tháng 3/2021.
Có khoảng 50 nhân sự của FPT phối hợp 30 chuyên gia của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm như sửa phần mềm giao dịch chứng khoán của sàn Hà Nội (HNX) cho phù hợp với đặc tính giao dịch của TP.HCM, viết lại hệ thống giao tiếp với các công ty chứng khoán và tích hợp thêm phần mềm từ các đơn vị khác như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán...
Hệ thống mới do FPT cung cấp cho HoSE khác phiên bản của Thái Lan ra sao?
So với hệ thống cũ được Thái Lan xây dựng, hệ thống mới – kế hoạch giải cứu nghẽn lệnh 100 ngày của FPT Group dành cho HoSE được đánh giá có nhiều khác biệt đáng chú ý.
Theo đó, năng lực xử lý được tăng lên đáng kể. Số lượng lệnh giao dịch trong một ngày của hệ thống mới có thể đạt 3-5 triệu lệnh, so với mức tối đa 900.000 lệnh của hệ thống cũ.
Đây chính là mấu chốt vấn đề quan trọng nhất khiến hệ thống HoSE xảy ra tình trạng nghẽn lệnh suốt kể từ thời điểm cuối tháng 12/2020 đến nay. Cùng với đó, quy mô lượng lệnh giao dịch lớn hơn, đồng nghĩa với thanh khoản tối đa thị trường đạt được có thể gấp 3-5 lần so với trước (kỷ lục cũ khoảng 30.000 tỷ đồng trong một phiên).
Điểm khác biệt đáng chú ý nữa chính là việc hệ thống mới của FPT cũng bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Theo công nghệ cũ do Thái Lan xây dựng, số lệnh tối đa được mã hoá cứng và chia 80% lệnh cho thành viên thị trường, 20% lệnh để dự phòng.
Đầu tiên, hệ thống phân bổ cho mỗi công ty khoảng 3.000 lệnh, sau đó tiếp tục chia theo tỷ trọng lệnh bình quân vào hệ thống 30 ngày gần nhất. Với hệ thống mới, các công ty chứng khoán không còn bị giới hạn như trước, tránh tình trạng hết “quota lệnh” cục bộ trong trường hợp có giao dịch tăng cao đột biến như các phiên trong tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua.
Điểm nhấn tiếp theo chính là khả năng làm chủ hệ thống. Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS), đơn vị phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM triển khai hệ thống giao dịch mới thay thế phiên bản của Thái Lan trên sàn HoSE hiện nay cho biết, trong suốt ba tháng qua, FPT và HoSE đã tiến hành sửa lại phần mềm giao dịch chứng khoán của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho phù hợp với đặc tính giao dịch của HOSE, viết lại hệ thống giao tiếp với các công ty chứng khoán và tích hợp thêm phần mềm từ các đơn vị khác như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)… để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE.
“Tôi tin rằng, tình trạng nghẽn lệnh sẽ được giải quyết hoàn toàn sau khi hệ thống mới đi vào vận hành chính thức từ đầu tuần”, ông Dương Dũng Triều khẳng định nhấn mạnh vào năng lực làm chủ hệ thống thông qua việc lên kịch bản xử lý tình huống để nhanh chóng khắc phục sự cố (nếu phát sinh) và dễ dàng nâng cấp, hiệu chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Theo Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT, hệ thống của Thái Lan sử dụng hơn hai thập kỷ cho sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thực sự cũ, ngay cả Thái Lan hiện tại cũng không sử dụng mà chuyển giao sang hệ thống mới.
“Hệ thống chạy trên nền tảng cũ, HoSE không được bàn giao mã nguồn nên khi có vấn đề Sở không thể can thiệp chỉnh sửa tham số, không thể khắc phục được sự cố một cách triệt để. Nhưng điều này sẽ khác với hệ thống do FPT IS xây dựng”, ông Triều nói.
Theo đó, đối với hệ thống mà FPT phát triển, hoàn toàn có thể giám sát và khắc phục sự cố, biết được lỗi ở đâu và khắc phục được ngay. Khi thị trường sắp quá tải, có thể chủ động nâng cấp phần cứng và thay đổi thuật toán để đáp ứng năng lực thị trường và khối lượng giao dịch.
Ngoài hỗ trợ vận hành, năng lực làm chủ, đảm bảo công suất xử lý hệ thống, hệ thống mới cũng được kiểm tra sức chịu tải về số lượng lệnh gửi vào trong một giây từ các công ty chứng khoán trên thị trường.
Theo Chủ tịch FIS Dương Dũng Triều, con số này cao hơn rất nhiều hệ thống cũ của Thái Lan, đảm bảo tránh hệ thống xảy ra tình trạng “nghẽn cổ chai” gây bức xúc cho giới đầu tư.
Riêng về khả năng cảnh báo sự cố, hệ thống mới của FPT được cho là sẽ phát tín hiệu khi giao dịch gần đạt mức công suất tối đa xử lý, khoảng 90%. Khi thấy lệnh chậm đi và kết quả trả ra chậm đi, Sở giao dịch sẽ có hành động thích hợp để đảm bảo hệ thống không bị dừng đột ngột như các sự cố được ghi nhận trước đó.
Theo ông Triều, với bất cứ hệ thống thông tin nào, đặc biệt là hệ thống giao dịch chứng khoán, không thể khẳng định là không có rủi ro, tuy nhiên, FPT Group và HoSE cùng các bên đã nghiên cứu rất kỹ để lên kịch bản phòng ngừa cũng như có giải pháp xử lý nếu rủi ro phát sinh.
Quy chế giao dịch chứng khoán mới tại HoSE
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa ban hành Quyết định 352/QĐ-SGDHCM về quy chế giao dịch chứng khoán tại HoSE.
Theo ghi nhận, thực tế, quy chế mới do Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ban hành sẽ có nhiều thay đổi so với Quy chế giao dịch đang được áp dụng trước đó.
Cụ thể, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF được quy định là 7% so với giá tham chiếu. Biên độ dao động giá đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF trong ngày giao dịch đầu tiên là 20% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.
HoSE cũng nêu rõ, đối với trường hợp trả cổ tức, hoặc thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu, biên độ dao động giá của cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng trong ngày giao dịch không hưởng quyền là 20% so với giá tham chiếu.
Trường hợp chào bán cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu thì sẽ không thực hiện điều chỉnh biên độ dao động giá vào ngày giao dịch không hưởng quyền.
Bên cạnh đó, các giao dịch lô chẵn đối với phương thức khớp lệnh là 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền. Mỗi lệnh giao dịch lô chẵn không được vượt quá khối lượng tối đa là 500.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền.
Quy chế mới ban hành cũng quy định thêm về việc sửa, hủy lệnh đối với giao dịch khớp lệnh.
“Trong trường hợp cần thiết, HoSE có quyền yêu cầu công ty chứng khoán thành viên tạm ngừng việc sửa, huỷ lệnh trong thời gian khớp lệnh liên tục sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận”, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM lưu ý.
Quy chế giao dịch mới này sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay 5/7/2021.