Quân đội Việt Nam làm chủ công nghệ radar chống tàng hình và radar cảnh giới

Quân đội Việt Nam gây ấn tượng không chỉ bằng sức mạnh, sự tinh nhuệ và ý chí đoàn kết. Cùng với đó, các khí tài, vũ khí, trang thiết bị mà nền công nghiệp Quốc phòng Việt Nam tạo ra gây nhiều bất ngờ đối với bạn bè quốc tế.
Sputnik

Trong những năm qua, đã có nhiều vũ khí – khí tài và trang thiết bị mới được nghiên cứu, chế tạo bởi Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị công nghiệp Quốc phòng. Trong số đó, có cả những loại radar tối tân, hiện đại.

Nổi bật trong số các sản phẩm radar dòng RV và sản phẩm radar sóng mét VRS-2DM. Đây là những thiết bị do chính người Việt Nam nghiên cứu, chế tạo, đảm bảo tính năng kỹ thuật cao với chi phí rẻ, giúp tiết kiệm nguồn ngân sách cho quân đội.

Việt Nam sản xuất radar bắt mục tiêu tàng hình

Thông tin về việc Việt Nam sản xuất radar bắt mục tiêu tàng hình gây nhiều chú ý.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chia sẻ trên QĐND, quân chủng và các đơn vị công nghiệp quốc phòng đã tích cực phối hợp, triển khai nhiều dự án nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại.

Điển hình như radar cảnh giới tầm trung RV-01, RV-02, nhiên liệu tên lửa phòng không; các loại máy bay không người lái; hệ thống radar cảnh giới VRS-2DM,…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quân đội Việt Nam – lá chắn của Đảng

Ngoài ra, Quân chủng Phòng không - Không quân còn tham gia cải tiến, nâng cấp các loại tên lửa, tăng cường khả năng đánh đêm tự động và bán tự động cho pháo phòng không.

Cùng với đó, Quân chủng cũng nghiên cứu xây dựng, triển khai hệ thống tự động hóa cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia (hệ thống VQ)...

Chia sẻ thêm về hệ thống tự động hóa cảnh giới và bảo vệ vùng trời (hệ thống VQ) vô cùng đặc biệt của Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí cho biết, hiện mật độ các chuyến bay trên vùng trời ngày càng tăng (hơn 4.000 chuyến bay/ngày), bên cạnh đó còn có các hoạt động bay không nằm trong kế hoạch, dự báo bay của không quân các nước, nhất là ở khu vực Biển Đông và các vùng trời tiếp giáp, do đó, nếu chỉ giữ phương châm hoạt động như truyền thống sẽ dẫn đến “thông tin tình báo trên không” bị chậm đáng kể, không còn nhiều ý nghĩa cho quá trình quản lý, điều hành bay.

“Đặc biệt khi có máy bay lạ đột nhập vào vùng trời nước ta sẽ làm lỡ thời cơ hạ lệnh cho các lực lượng chuyển cấp làm nhiệm vụ tác chiến”, Thiếu tướng Chí lưu ý.

Do đó, kể từ năm 1998, Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hệ thống VQ. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng Phòng không – Không quân phối hợp với Viettel xây dựng, phát triển hệ thống này, với hai giai đoạn chính.

Giai đoạn 1 nghiên cứu xây dựng, triển khai một hệ thống tự động hóa, thực hiện chức năng cảnh giới vùng trời quốc gia; giai đoạn 2 nghiên cứu xây dựng, phát triển hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến phòng không – không quân hiện đại, để thực hiện chức năng bảo vệ vùng trời quốc gia.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí khẳng định, việc đưa hệ thống VQ vào trang bị không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của công nghiệp quốc phòng Việt Nam mà còn tạo bước đột phá quan trọng trong quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia.

Hệ thống giúp người chỉ huy nắm bức tranh toàn cảnh hệ thống khí tài chiến đấu ở đơn vị; tự động tính toán hiểm họa với các mục tiêu; ghi, lưu, tái hiện bức tranh tình huống trên không; hỗ trợ một phần lệnh tự động hóa tác chiến PK, KQ...

“Việc đưa hệ thống VQ vào trang bị trên diện rộng nhằm bảo đảm cho Tổ quốc không bị bất ngờ vì các tình huống trên không, đồng thời nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của bộ đội Phòng không – Không quân”, Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Việt Nam bày tỏ.

Việt Nam hoàn tất "nội địa hóa" hệ thống radar RV-02

Được biết, tổ hợp radar RV-02 có sự chủ động hoàn toàn về công nghệ thiết kế, chế tạo, gia công ở tất cả các khâu. Sản phẩm ra đời dựa trên nền tảng RV-01 hợp tác thiết kế với Belarus.

Ở RV-02, những hạn chế của RV-01 đã được khắc phục bằng những ứng dụng tiên tiến nhất trong công nghệ sản xuất radar, từ đó tạo ra đột phá về tính năng kỹ chiến thuật.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam là ai?

Trong bài viết năm 2020, trang quân sự Jane's cho rằng, với RV-02 và mạng lưới radar hiện đang sở hữu, Việt Nam hoàn toàn có thể dễ dàng phát hiện các loại máy bay tàng hình.

Các chuyên gia của trang quân sự này cho biết, Việt Nam đã hoàn tất việc "nội địa hóa" hệ thống radar này.

Với hệ thống “mắt thần hiện đại” này, quân đội Việt Nam dễ dàng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách từ rất xa mà vẫn đảm bảo ít tiêu thụ điện năng, lại có thể hoạt động liên tục trong nhiều giờ.

Các tổ hợp radar Việt Nam hiện có thể phát hiện máy bay ném bom tàng hình B-2 ở khoảng cách 350 km, trong môi trường nhiễu điện tử mạnh, radar vẫn đủ sức phát hiện các máy bay chiến đấu cách xa 255 km.

“Có thể nói rằng radar RV của Việt Nam có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình tối tân nhất hiện nay từ khoảng cách lên tới trên 100km”, cây bút của trang Jane's bình luận.

Radar cảnh giới VRS-2DM với công nghệ “mắt thần” bảo vệ Trường Sa

Ngoài các tổ hợp radar RV, quân đội Việt Nam có sở hữu hệ thống VRS-2DM mới, giúp nâng cao sức chiến đấu của các đơn vị, tăng cường năng lực cảnh giới bầu trời, cảnh báo sớm cho các phân đội hỏa lực tên lửa.

Đây là sản phẩm được nghiên cứu, chế tạo bởi Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội Viettel.

Kỷ luật Quân đội: Việt Nam đảm bảo đúng người, đúng lỗi nhưng vẫn "nhân văn"

Hệ thống sử dụng phương thức bắt sóng thấp decimet (dm), dùng để phát hiện các mục tiêu trên không trong vùng phủ sóng của đài và cung cấp thông tin cho các tổ hợp tên lửa phòng không.

Radar VRS-2DM của Viettel có khả năng phát hiện mục tiêu từ cách xa hàng trăm km, với thiết kế cho phép triển khai và thu hồi bán tự động bằng điều khiển điện hoặc thủy lực, giúp giảm thời gian thu hồi đài xuống chỉ bằng 1/4 so với các đài radar đời cũ.

Về thành phần tổ hợp, VRS-2DM bao gồm một xe chỉ huy tác chiến và một xe chở thiết bị ăng-ten. Hai xe này được bố trí cách nhau hơn 500m, đảm bảo an toàn cho kíp chiến đấu khỏi ảnh hưởng của sóng từ trường cũng như tăng tỉ lệ sống sót cho kíp trắc thủ nếu bị tên lửa diệt radar tấn công.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thay thế toàn bộ các radar cảnh giới 2D bắt thấp dải sóng dm như P-15, P-19 hiện có bằng các loại radar mới của nước ngoài là chưa phù hợp với nguồn kinh phí quốc phòng còn hạn hẹp.

Do vậy, tập đoàn Viettel đã bắt tay tự nghiên cứu, sản xuất và cho ra đời VRS-2DM, giúp tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn mà vẫn đảm bảo thiết bị có tính năng kỹ thuật tương đương.

VRS-2DM tái sử dụng ăng-ten cũ của các radar P-15, P-19, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn. Hệ thống còn được trang bị thêm máy hỏi nhận diện địch ta IFF do Việt Nam tự thiết kế chế tạo. Nâng cấp quan trọng này giúp VRS-2DM có năng lực chiến đấu toàn diện hơn các sản phẩm thế hệ cũ.

Hệ thống radar VRS-2DM có thể cung cấp thông tin cho pháo phòng không chuyển cấp báo động, sẵn sàng tiêu diệt các mục tiêu bay, kể cả mục tiêu bay thấp, bám địa hình.

Hiện một số đài radar VRS-2DM đang được sử dụng để làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Radar cung cấp cho lực lượng Hải quân tầm quan sát bao phủ rộng lớn, có thể theo dõi các mục tiêu bay thấp và rất thấp trong phạm vi toàn bộ quần đảo.

Việc làm chủ thiết kế cũng cho phép các chiến sĩ dễ dàng nâng cấp, tùy biến phần mềm, phần cứng của sản phẩm sao cho tương thích với những yêu cầu kỹ thuật phát sinh, đồng thời tránh phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

VRS-2DM ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội 2015 tại Hà Nội. Tổ hợp này là đài radar 2D cảnh giới bắt thấp, cơ động cao dùng để cảnh giới vùng trời quốc gia và cung cấp thông tin cho các tổ hợp tên lửa phòng không.

Việt Nam xuất khẩu radar cảnh báo tên lửa ra nước ngoài

Được biết, ngay vào năm 2017, Viettel đã xuất khẩu thành công 3 đài radar cảnh giới 2D sóng mét sang thị trường Lào.

Dù không tiết lộ loại radar cụ thể nào được xuất khẩu nhưng ở thời điểm đó, loại radar cảnh giới 2D của Viettel chính là đài VRS-2DM.

Việt Nam có sĩ quan Quân đội thứ hai làm ở Liên Hợp Quốc

Sự kiện được đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực chế tạo khí tài cảnh giới phòng không hiện đại của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, không chỉ được Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao mà còn được nước bạn Lào tin tưởng tuyệt đối.

Trước khi xuất khẩu sản phẩm, Tập doàn Viettel đã tiến hành tất cả những bài thử nghiệm cực kỳ nghiêm ngặt với sản phẩm này, qua nhiều kịch bản khác nhau.

Các máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam đã được huy động để thực hành các bài bay biên đội có độ phức tạp cao nhằm giả định mục tiêu để radar của Viettel bám bắt, qua đó đo đạc tham số kỹ chiến thuật một cách chính xác và thực tế nhất.

Quan quá trình nghiệm thu, cả 3 đài radar đều đạt kết quả tốt. Và tháng 7/2017, các sản phẩm radar "Made by Viettel" đã chính thức lên đường xuất khẩu sang Lào.

Người Việt Nam rất trí tuệ, công nghiệp Quốc phòng Việt Nam còn mạnh hơn nữa

Đúng như Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân khẳng định, tự chủ về công nghiệp quốc phòng là yêu cầu tất yếu khách quan, giúp Quân đội Việt Nam có thể đáp ứng nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “trong mọi tình huống”. 

Tướng Chí cũng nhấn mạnh, các loại khí tài, trang bị kỹ thuật do ngành Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và trang bị cho Quân chủng Phòng không – Không quân có rất nhiều ưu điểm.

Quân đội Việt Nam được cơ cấu bao nhiêu ghế trong Quốc hội?

Đặc biệt, có những ưu điểm vượt trội như giúp các lực lượng vũ trang Việt Nam hoàn toàn làm chủ về mặt công nghệ để nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhiệm vụ, hình thức tác chiến, cách đánh, đặc điểm khai thác sử dụng của lực lượng PK-KQ và điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu Việt Nam.

“Các vũ khí thiết bị kỹ thuật do Việt Nam sản xuất có tính năng tương đương trở lên, so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại, bảo đảm bí mật quân sự; thuận lợi trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, đặc biệt có thể bổ sung, nâng cấp, phát triển; tiết kiệm nguồn kinh phí rất lớn cho Nhà nước và quân đội”, tướng Chí khẳng định.

Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân chỉ rõ, trong thời bình hiện nay, ngoài đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực phản động thù địch, toàn quân phải luôn chủ động, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đánh bại đòn tấn công hỏa lực của đối phương, mà chống tập kích đường không là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặt lên vai người chiến sĩ Phòng không – Không quân trách nhiệm rất nặng nề.

Tướng Nguyễn Hữu Chí cho rằng, cùng với việc mua sắm trang thiết bị, ngành công nghiệp Quốc phòng Việt Nam cần có thêm nhiều bước tiến nhanh, mạnh hơn nữa.

Trong đó, cần tập trung cho việc nghiên cứu, sản xuất các loại tên lửa phòng không tầm trung; nghiên cứu, phát triển hệ thống phòng không tầm thấp, bởi đây đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong xây dựng thế trận phòng không nhân dân.

Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đúng mức cho nghiên cứu, sản xuất các loại radar hiện đại hơn nữa... qua đó giúp bộ đội Phòng không – Không quân thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không; quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời quốc gia trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

“Từ quá trình làm việc với đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghiệp Quốc phòng, tôi càng có điều kiện để khẳng định, người Việt Nam rất trí tuệ, giàu tính sáng tạo và tiềm năng của chúng ta còn rất lớn”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí nhấn mạnh.

Theo Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, chỉ cần có tâm huyết, có cơ chế phối hợp và điều hành khoa học, hợp lý, đồng thời được hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác, chắc chắn Việt Nam sẽ làm được nhiều điều lớn lao hơn, có ý nghĩa hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Thảo luận