Việt Nam đã ‘ngoại giao vaccine’ thành công như thế nào?

Chiến lược ‘ngoại giao vaccine’ của Việt Nam là gì? Hà Nội đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức…chương trình COVAX, WHO để đa dạng nguồn cung vaccine, duy trì thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 như thế nào?
Sputnik

Giới chức Việt Nam đã làm gì để nhận được sự ủng hộ, viện trợ và cam kết hỗ trợ tiếp cận nguồn cung vaccine cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 từ các tổ chức, quốc gia bạn bè đối tác từ khắp thế giới?

Theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự kiến trong tháng 7 này, sẽ có thêm 8,7 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam.

Chiến lược ‘ngoại giao vaccine’ của Việt Nam

Ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có cuộc trao đổi với báo chí về chiến lược ngoại giao, tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine, những khó khăn trong tiếp cận vaccine Covid-19 của Việt Nam cũng như các nỗ lực của Việt Nam nhằm tiếp cận tối đa nguồn cung vaccine phục vụ công tác phòng chống Covid-19.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 hiện đang rất phức tạp trên toàn cầu, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Việt Nam hoan nghênh Nga chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, mặc dù tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch tốt, là nước đông dân thứ 15 nhưng lại chỉ nằm trong số 10 nước có lượng ca nhiễm coronavirus, ca tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới tính trên 1 triệu dân, tuy nhiên, cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam hiện còn rất phức tạp.

“Nhất là với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 lần này có quy mô lớn hơn, đa nguồn, đa chủng, với biến chủng Delta, có thể lây lan qua không khí với tốc độ nhanh như hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ lưu ý.

Do đó, theo đại diện Bộ Ngoại giao, vấn đề tiếp cận, tiêm chủng luôn được các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước coi là giải pháp đặc biệt quan trọng.

Theo ông Vũ, ngay sau khi dịch bệnh do Covid-19 gây ra bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng đã sớm có dự báo và có chỉ đạo về tổng thể công tác phòng chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine.

Trong đó, ba nội dung chính được các cấp lãnh đạo của Việt Nam xác định gồm tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, đồng thời, sản xuất vaccine trong nước (made in Vietnam), bảo đảm triển khai tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho người dân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, trong chiến lược vaccine này, ‘ngoại giao vaccine’ là mũi nhọn hết sức quan trọng, là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế - sản xuất – kinh doanh bình thường, nhất là trong tình trạng thiếu hụt và tiếp cận bất bình đẳng về vaccine trên toàn cầu như hiện nay.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, đối với Việt Nam, trong thời gian vừa qua, chiến lược vaccine và “ngoại giao vaccine” đã được triển khai một cách hết sức bài bản, quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao.

Theo đó, ngoại giao vaccine thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương, đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường việc tiếp cận vaccine cho người dân, đồng thời, đóng góp chung cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine trên toàn cầu.

Vaccine Moderna về Việt Nam kịp thời, đúng lúc

Theo Thứ trưởng Vũ, các nhà lãnh đạo Việt Nam – từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, lãnh đạo các ngành, đều có sự quan tâm chỉ đạo và tham gia hết sức quyết liệt, không hề câu nệ hình thức.

“Từ ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương, kể cả thông qua các hình thức điện đàm, viết thư cho các lãnh đạo các nước để có thể tiếp cận các nguồn vaccine”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết.

Cũng theo đại diện Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt các Bộ, ngành trong đó có Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ tái khẳng định, trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong và ngoài nước, không có cuộc làm việc đối ngoại nào mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước không đề cập đến hợp tác về vaccine cũng như hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine của đối tác.

Thành tựu ‘ngoại giao vaccine’ của Việt Nam

Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, cho đến nay, việc triển khai chiến lược ‘ngoại giao vaccine’ của Việt Nam đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đã tiếp nhận 2,6 triệu liều vaccine.

“COVAX cũng cam kết dành ưu tiên hơn cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo, đồng thời chuyển ngay cho ta 2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ cung cấp thông qua cơ chế COVAX ngay trong ngày 10/7 tới”, ông Vũ thông tin.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Nga cũng đã tặng Hà Nội 1.000 liều vaccine và đồng ý cung cấp cho tối đa 20 triệu liều vaccine Spunik trong năm 2021.

Ưu tiên vaccine về trong tháng 7 cho TP.HCM

Phía Nga cũng đồng thời hợp tác với công ty VABIOTECH của Bộ Y tế để đóng gói, chuyển giao công nghệ vaccine từ tháng 7/2021 này.

Từ Chính phủ Trung Quốc, theo Thứ trưởng, Việt Nam đã tranh thủ được 500.000 liều vaccine Sinopharm và có thể sẽ tiếp tục có viện trợ thêm nữa.

Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ ngay cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine (AstraZeneca), trong đó 1 triệu liều đã chuyển đến Hà Nội ngày 16/6, 400 ngàn liều đã đến thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/7 và trong tuần tới Việt Nam sẽ tiếp nhận số còn lại và còn có thể có thêm nhiều hơn nữa, theo ông Vũ.

Chính quyền Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vaccine trong tổng số 80 triệu liều cam kết viện trợ các nước qua cơ chế COVAX….

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, các nước như Cuba, Anh, Đức, Australia, Ấn Độ và một số nước khác cũng có những cam kết cụ thể với Việt Nam.

“Chúng ta cũng tham gia hết sức tích cực vào “ngoại giao vaccine” ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có giải pháp về vấn đề bất bình đẳng vaccine và khan hiếm vaccine”, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhắc lại việc tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đàng trên thế giới tối ngày 6/7, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay là bảo vệ hạnh phúc nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch Covid 19.

Tại Phiên thảo luận Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay Hội nghị Tương lai châu Á, Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế chung tay sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine, bảo đảm phân bổ công bằng vaccine cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Việt Nam cũng đã đóng góp 500.000 USD vào quỹ vaccine toàn cầu, được thế giới đánh giá cao.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, trong tình trạng tình hình khan hiếm hết sức trầm trọng nguồn cung vaccine trên tầm toàn cầu, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành chức năng, sự vào cuộc hết sức tích cực và quyết liệt của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc tiếp cận nguồn vaccine, bảo đảm nhanh nhất và nhiều nhất có thể như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua.

“Đây là một biện pháp hết sức quan trọng để vừa bảo đảm sức khỏe cho người dân nhưng đồng thời về lâu dài tạo nên nền tảng để chúng ta có thể mở cửa nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Tiếp tục quyết liệt ‘ngoại giao vaccine’

Thông tin thêm về công tác vận động để có thêm các nguồn vaccine từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm thực hiện thành công chiến lược vaccine mà Chính phủ đã đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, từ nay đến tháng 9/2021 tình hình khan hiếm vaccine sẽ diễn ra hết sức nghiêm trọng do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu, đứt gẫy chuỗi sản xuất và sự tích trữ quá mức của các nước phát triển.

Việt Nam tiếp nhận hơn 97.000 liều vaccine Pfizer/BioNtech đầu tiên

Do đó, mà Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu là cần phải tăng tốc hơn nữa trong việc triển khai một cách hiệu quả hơn, quyết liệt hơn ‘ngoại giao vaccine’ trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, ngoại giao vaccine sẽ tập trung vào 3 hướng chính. Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế trong việc bảo đảm đôn đốc, đeo bám triển khai cam kết đã ký với các đối tác 150 triệu liều vaccine để bảo đảmcung cấp cho 70% người dân Việt Nam..

Thứ hai, tiếp tục vận động các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế cung cấp các nguồn vaccine cho Việt Nam.

“Chúng ta biết rằng, nguồn vaccine có thời hạn sử dụng và một số nước tích trữ vaccine lớn hơn nhu cầu trong nước, do đó, có nguồn vaccine dôi dư để chúng ta tiếp cận”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ lưu ý.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng và tích cực hơn nữa trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất vaccine lâu dài.

“Đây là giải pháp cơ bản để bảo đảm chúng ta có được nguồn cung vaccine lâu dài và ổn định cho người dân, đồng thời thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất vaccine ở trong nước”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Tháng 7, Việt Nam sẽ có thêm 8,7 triệu liều vaccine

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin cho biết, nếu không có gì thay đổi, dự kiến tháng 7 này, Việt Nam sẽ có thêm 8,7 triệu liều vaccine và sẽ ưu tiên cho TP.HCM, các tỉnh lân cận đang có dịch, lực lượng tuyến đầu chống dịch và phát triển kinh tế của cả nước.

Phát biểu tại cuộc họp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và lãnh đạo TP.HCM, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, thời gian qua, với sự vào cuộc và chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, nhân dân thành phố đã nỗ lực bằng nhiều cố gắng, biện pháp để hạn chế chuối lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Vaccine Pfizer sắp về Việt Nam?

Thủ tướng đã đồng ý quyết định áp dụng biện pháp mạnh hơn – thực hiện Chỉ thị 16 giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, dù thực hiện giãn cách xã hội nhưng phải đảm bảo cuộc sống của nhân dân không bị đảo lộn, bảo đảm an ninh trật tự.

“Đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết. TP.HCM phải ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc họp nhằm thống nhất nhận thực, giải pháp, kêu gọi người dân đồng tình hưởng ứng, cùng hệ thống chính trị các cấp để thực hiện bằng được mục tiêu, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết để hành động.

“Chúng ta họp trên tinh thần khẩn trương, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền phải thực hiện cho tốt, việc chống dịch không có tiền lệ, nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội, nhưng phải hiệu quả”, Thủ tướng nêu rõ.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ y tế cho biết, công tác chống dịch của TP.HCM không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

GS.TS Nguyễn Thanh Long nhắc lại, Bộ Y tế sẽ cử lực lượng khoảng 10 ngàn người giúp thành phố lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ.

Việt Nam đã ‘ngoại giao vaccine’ thành công như thế nào?

Về hình thức giãn cách xã hội, Bộ trưởng khuyến cáo ba hình thức - toàn Thành phố áp dụng theo Chỉ thị 16, một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa, khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.

Trong đó, riêng với vùng lõi nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao thì 5 đến 7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp (Bộ Y tế khuyến nghị lấy mẫu gộp 5), lấy mẫu theo hộ gia đình.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, TP.HCM cần chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (khoảng 70% số ca nhiễm), đồng thời, tất cả các bệnh viện trên toàn thành phố sẵn sàng tiếp nhận các ca nặng.

Khu cuối là điều trị các bệnh nhân nguy kịch gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BV 115 và BV nhân dân Gia Định.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin tại cuộc họp sáng nay cho biết, trong tháng 7 này, có khoảng 8,7 triệu liều vaccine về Việt Nam và sẽ được ưu tiên cho TP.HCM, các tỉnh lân cận có dịch.

Công tác "ngoại giao vaccine" của Việt Nam

Ngoài ra, vaccine cũng được ưu cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và phát triển kinh tế, ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, vẫn là phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, nhưng sẽ chia thành nhiều điểm nhỏ, theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn, bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, tại cuộc họp báo chiều nay, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết tính đến nay, Việt Nam đã nhận 4 loại vaccine Covid-19 gồm Sputnik V, AstraZeneca, Vero-Cell (Sinopharm Trung Quốc) và Pfizer/BioNTech.

Cũng theo người phát ngôn, chương trình COVAX cũng đã cam kết dành ưu tiên cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo và sẽ chuyển cho Việt Nam 2 triệu liều Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp, dự kiến sẽ đến Việt Nam ngay trong tuần này.

“Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao và mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine để cùng phòng chống và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Thảo luận