Lãnh đạo Việt Nam sẽ dự phiên họp bất thường của APEC

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự cuộc họp bất thường không chính thức của các nhà Lãnh đạo APEC ngày 16/7 tới đây, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Sputnik

Cuộc họp không chính thức của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần này mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự, nhằm tìm phương pháp giúp khu vực châu Á – Thái Bình Dương ứng phó với đại dịch Covid-19 và tác động của dịch bệnh đối với kinh tế các nước thành viên APEC.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sắp dự cuộc họp bất thường của APEC

Ngày 12/7, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo triệu tập cuộc họp bất thường của các lãnh đạo APEC nhằm nâng cao phản ứng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với đại dịch COVID-19 và tác động của nó đối với kinh tế.

Theo lịch, bà Ardern sẽ tổ chức hội nghị thường niên của 21 nền kinh tế APEC vào tháng 11 năm nay, nhưng bà quyết định tổ chức thêm một hội nghị trực tuyến vào ngày 16/7 để đề ra các biện pháp cấp bách đối với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bà cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận tham gia cuộc họp lần này, cùng với các lãnh đạo khác của APEC.

“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử APEC mà các nhà lãnh đạo có thêm một cuộc gặp ở cấp cao nhất, và điều này phản ánh nguyện vọng của chúng ta là cùng nhau đối phó với COVID-19 và khủng hoảng kinh tế”, bà Ardern nói trong thông cáo.
“Trong năm qua, các nền kinh tế APEC trải qua tình trạng suy giảm lớn nhất kể từ Thế chiến 2, làm mất 81 triệu việc làm, vì thế cần có phản ứng tập thể để đẩy nhanh hồi phục kinh tế ở khu vực”, bà nói.

Việt Nam và các nước thành viên APEC đoàn kết vượt qua “cú sốc” khủng hoảng
APEC gồm các thành viên thuộc vành đai Thái Bình Dương, từ Mỹ đến Papua New Guinea, chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu.

Là nước chủ nhà APEC 2021, New Zealand thể hiện mong muốn xúc tiến hoạt động mua bán vắc-xin và vật tư y tế trên khắp khu vực.

Bà Ardern cho biết cuộc gặp tới sẽ xem xét những vấn đề như nâng cao hiệu quả tiêm phòng vắc-xin và những bước đi mà các chính phủ nên thực hiện để bảo vệ việc làm và nền kinh tế.

“Tôi sẽ hoan nghênh những thảo luận về các biện pháp phối hợp cấp độ khu vực nhằm hỗ trợ hồi phục, cũng như những bước đi để hỗ trợ tăng trưởng bao trùm và bền vững trong dài hạn. Các lãnh đạo APEC sẽ phối hợp với nhau để cùng nhau vượt qua đại dịch…vì không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”, bà nói.
Thảo luận