Với việc đưa ra nhiều đề xuất quan trọng nhằm phối hợp kiểm soát dịch bệnh do coronavirus và phục hồi kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng, ứng phó với những “cú sốc” toàn cầu như Covid-19, Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế thúc đẩy và tăng cường hợp tác đa phương, trong đó có hợp tác APEC.
APEC: Hội nghị AMM 31 và những thách thức toàn cầu do đại dịch Covid-19
Tối ngày 16/11, Hội nghị liên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Kinh tế (AMM 31) lần thứ 31 đã diễn ra. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động Tuần lễ cấp cao lần thứ 27 Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh là trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Hội nghị liên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Kinh tế (AMM) lần này do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia Mohame Azmin Ali chủ trì.
Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh và toàn diện, gây ra hậu quả chưa từng có cho tất cả các nền kinh tế 21 thành viên APC, Hội nghị AMM 31 lần này đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị AMM và Tuần lễ cấp cao của diễn đàn phải tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Là một trong những sự kiện lớn quan trọng trong khuôn khổ hợp tác ngoại giao – kinh tế thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị liên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Kinh tế (AMM) có sự góp mặt của đông đảo lãnh đạo các nước và đại diện các thể chế, tổ chức quốc tế uy tín. Hội nghị có sự góp mặt của các Bộ trưởng và lãnh đạo các Bộ Ngoại giao và Kinh tế của 21 thành viên APEC.
Cùng với đó, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lãnh đạo Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN cũng tham dự.
Về thành phần đoàn Việt Nam, ngoài Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.
Theo chương trình nghị sự, các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế 21 nước thành viên APEC đã lắng nghe báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức cao cấp APEC phiên tổng kết (CSOM) 2020, hoạt động và khuyến nghị của Hội đồng Tư vấn doanh nhân APEC (ABAC).
Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị lần này, đại diện các bên tham dự cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới những mất mát to lớn về người, ghi nhận những thách thức chưa từng có về phát triển, tăng trưởng kinh tế, hệ thống y tế, vấn đề sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, nhất là những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs), phụ nữ, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội ngày nay.
Hội nghị AMM 31 lần này cũng xác định đây là thời điểm để APEC tiếp tục sát cánh cùng nhau để hỗ trợ các nỗ lực của nhau trong việc sớm kiểm soát sự lây lan và giải quyết các hậu quả kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.
APEC và động lực thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu
Trong phiên làm việc buổi sáng, thảo luận vấn đề quan trọng đầu tiên về “Cải thiện thương mại và đầu tư”, các Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên APEC trong kiểm soát dịch bệnh do coronavirus gây ra, duy trì đà hợp tác, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, qua đó đóng góp kịp thời vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
Cũng tại phiên làm việc này, các Bộ trưởng đã nghe Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Yonov Frederick Agah cập nhật tình hình thương mại thế giới, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương (MTS) và WTO.
Các nhà lãnh đạo và đại biểu tham dự cũng tiến hành thảo luận nhiều nội dung hợp tác quan trọng xuyên suốt năm 2020. Đó là các vấn đề như hội nhập kinh tế khu vực (REI) bao gồm báo cáo về hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), Kế hoạch tổng thể về Kết nối APEC 2025, Chiến lược APEC về Đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng.
Cùng với đó, trong bối cảnh “bức tranh ảm đạm của đại dịch do coronavirus” phủ bóng toàn cầu, yêu cầu cấp bách là ứng phó đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung khác như tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ và sự tham gia kinh tế của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tăng cường an ninh lương thực và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải cách cơ cấu và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới và thịnh vượng kinh tế.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên APEC cũng nhất trí tăng cường hợp tác khu vực bao gồm tạo thuận lợi cho tiếp cận bình vaccine Covid-19 và thúc đẩy vận chuyển giao thương hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, phục vụ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân.
Lãnh đạo 21 nước thành viên APEC nhất trí cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, trong đó có mục tiêu hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Đặc biệt, Hội nghị AMM 31 lần này nêu bật vai trò quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và ủng hộ nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển thương mại toàn cầu và những biến động của kinh tế thế giới ở thời điểm hiện tại.
Cũng tại Hội nghị AMM 31 lần này, nhiều thành viên APEC đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) vừa được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội do Việt Nam chủ trì nhằm góp phần thúc đẩy thương mại tự do và mở dựa trên luật lệ cũng như tạo động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế trong khu vực dù vắng bóng Ấn Độ.
Trong khuôn khổ chương trình nghị sự của AMM 31, các Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế 21 thành viên APEC dành nhiều thời gian thảo luận về định hướng hợp tác APEC trong thời gian tới trên cơ sở những thành tựu to lớn đã đạt được sau gần 30 năm kiên trì theo đuổi các Mục tiêu Bogor và trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng và sâu sắc như hiện nay.
Lãnh đạo các quốc gia nhấn mạnh, để hướng tới tương lai, APEC cần tiếp tục thúc đẩy các trụ cột hợp tác về thương mại và đầu tư, tăng trưởng bền vững, bao trùm, cân bằng và an toàn, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.
Đại biểu tham dự Hội nghị AMM 31 cũng bày tỏ hoan nghênh các bên hoàn tất thực hiện chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 diễn ra vào tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 để trình lên Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 sẽ diễn ra vào ngày 20/11/2020 tới đây.
Điểm nổi bật nhất trong Phiên thảo luận thứ hai về “Bao trùm, Kinh tế số và Sáng tạo bền vững” tại Hội nghị AMM lần này chính là việc các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế 21 thành viên APEC ủng hộ thúc đẩy nền tảng số, cải cách cơ cấu, phát triển bao trùm, bền vững và sáng tạo.
Theo lãnh đạo các nước thành viên APEC, đây là thời điểm cần hành động kịp thời để bảo đảm an sinh – xã hội, nâng cao tính tự cường, thúc đẩy phục hồi kinh tế bao trùm, giảm thiểu tác động của đại dịch đối với các nền kinh tế đang phát triển. APEC cần chú trọng an ninh lương thực, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ trong giai đoạn khủng hoảng và đầy thách thức như hiện nay.
Việt Nam và các nước APEC nỗ lực vượt qua “cú sốc” khủng hoảng do Covid-19
Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị AMM 31 lần này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá, đại dịch Covid-19 càng cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế hiện nay.
Theo đồng chí Phạm Bình Minh, hơn bao giờ hết, các thành viên APEC cần đề cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cùng chung tay đóng góp để châu Á-Thái Bình Dương sớm vượt qua các thách thức hiện nay và tiếp tục dẫn dắt quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định chính tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” đã giúp ASEAN vững vàng vượt lên những thách thức trong năm qua và tiếp tục tiến lên phía trước dù còn nhiều khó khăn.
Phát biểu tại phiên thảo luận của Hội nghị AMM 31, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị APEC tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong thúc đẩy thương mại, đầu tư mở và tự do, tăng cường liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng kinh tế “lấy con người làm trung tâm” của sự phát triển.
Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, APEC cần đi đầu trong thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, hoạt động hiệu quả với việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm bảo đảm tính thích ứng của hệ thống thương mại đa phương trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và chuyển đổi sâu sắc của các mô hình kinh tế, kinh doanh, nhất là trong điều kiện hiện nay.
“Với Tầm nhìn tham vọng và mang tính hành động sẽ được các nhà Lãnh đạo APEC thông qua trong vài ngày tới, APEC sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, là động lực quan trọng xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hoà bình, kết nối, tự cường và sáng tạo”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ tin tưởng.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Đoàn Việt Nam nêu rõ, với chủ trương coi trọng hợp tác đa phương, với vai trò uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế thúc đẩy và làm sống động hợp tác đa phương, trong đó có hợp tác APEC.
4 vấn đề nổi bật của hợp tác APEC trong năm 2020
Phát biểu tại Hội nghị AMM 31 lần này, nhằm nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, bao trùm và đổi mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nêu lên 4 vấn đề nổi bật của hợp tác APEC trong năm 2020.
Theo đại diện Bộ Công Thương, đó là những vấn đề hết sức quan trọng như kinh tế số, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, bảo đảm an ninh lương thực và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải cách cơ cấu.
Phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề kinh tế số, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển nền kinh tế số là xu hướng tất yếu của khu vực APEC và thế giới.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, APEC cần huy động các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy kinh tế số, tăng cường kết nối và chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số, để doanh nghiệp và người dân của chúng ta có thể tận dụng tối đa lợi ích của nền kinh tế số.
“Việt Nam hoan nghênh việc thông qua Chương trình công tác thực thi Lộ trình kinh tế mạng và số APEC (AIDER) của Nhóm chỉ đạo về Kinh tế số APEC (DESG) và mong muốn chương trình công tác này sớm được triển khai”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bày tỏ.
Thứ trưởng Công Thương cũng làm rõ một số điểm liên quan đến vấn đề trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Theo ông Khánh, đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế tồn tại từ trước, đồng thời làm tăng mức độ phổ biến và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nhiều nguồn gốc khác nhau như bạo lực trên cơ sở giới, gánh nặng từ công việc chăm sóc không được trả công và ngừng hoạt động của MSMEs do phụ nữ làm chủ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, nắm được thực tế này, các quốc gia APEC đã cam kết đặt phụ nữ và trẻ em gái vào vai trò trung tâm trong các nỗ lực phục hồi kinh tế. Đồng thời, Việt Nam đánh giá cao việc hoàn thiện Kế hoạch thực thi Lộ trình La Serena vì Phụ nữ và Tăng trưởng bao trùm, từ đó định hướng cho công việc của APEC hướng tới đạt được các mục tiêu của lộ trình vào năm 2030.
Cùng với đó, việc tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong nền kinh tế số cũng được quan tâm. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra sự cần thiết phải thu hẹp khoảng cách số cho phụ nữ tham gia trong nền kinh tế kỹ thuật số thông qua các chính sách tạo điều kiện để tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và đào tạo kỹ năng số cho phụ nữ hiện nay.
Ngoài ra, đại diện Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phụ nữ từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức để tận dụng tối đa lực lượng lao động quan trọng này.
Nhấn mạnh việc APEC phải chú trọng vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu quan điểm nhìn từ những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và những thách thức môi trường khác trong giai đoạn vừa qua.
Ông nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác của APEC để giúp các nền kinh tế thành viên phát triển nông nghiệp thông minh và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nước, rừng và đại dương cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.
Riêng về vấn đề cải cách cơ cấu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của Ủy ban Kinh tế (EC) trong việc xây dựng Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu giai đoạn 2021-2025, trong đó lưu ý cách tiếp cận, phạm vi và lộ trình cho các cải cách trong tương lai cần phải thích ứng với giai đoạn bình thường mới.
Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 31(AMM 31) đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế, khẳng định quyết tâm của 21 thành viên APEC tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương tự cường, thịnh vượng và duy trì vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực trong tương lai.