Phân bổ 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tới 53 tỉnh, thành
Bộ Y tế phân bổ 2.000.040 liều vaccine Moderna cho 53 tỉnh, thành phố, lực lượng quân đội, công an và 22 bệnh viện, viện, trường đại học. Đây là đợt phân bổ vắc xin thứ 11.
Tại khu vực miền Bắc, Bộ Y tế phân bổ 870.240 liều vắc xin cho 28 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Sơn La, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai và Bắc Kạn.
Trong đó, Hà Nội được phân bổ nhiều nhất với 120.960 liều, tiếp đến là tỉnh Hải Dương được phân bổ 43.680 liều; các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình nhận 40.000-42.000 liều; Nghệ An, Thanh Hoá mỗi tỉnh nhận gần 37.000 liều. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Sơn La, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Tĩnh sẽ nhận từ 28.000 – 31.000 liều. Bắc Kạn là địa phương nhận ít nhất với 6.720 liều.
Tại miền Trung, 11 tỉnh được phân bổ 309.000 liều, trong đó Khánh Hoà nhiều nhất vời 42.000 liều; các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Đà Nẵng mỗi tỉnh 33.600 liều; Quảng Ngãi nhận gần 32.000 liều; Bình Thuận và Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh nhận 26.880 liều; Ninh Thuận và Quảng Trị lần lượt nhận 13.440 liều và 15.120 liều.
Có 4 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai và Đắk Lắk được phân bổ 80.640 liều.
Tại 10 tỉnh, thành phố miền Nam được phân bổ 505.680 liều, trong đó TP.HCM được phân bổ nhiều nhất với 235.200 liều, tiếp đến là 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh 65.520 liều; Long An 31.920 liều; Tiền Giang và An Giang mỗi tỉnh 21.840 liều; các tỉnh Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ nhận 15.000 – 16.800 liều.
Bộ Y tế lưu ý không tiêm trộn vaccine Moderna
Ngoài ra, Bộ Y tế phân bổ 42.000 liều cho lực lượng quân đội và 33.600 liều cho lực lượng công an.
Trong số 20 bệnh viện, viện, trường đại học cũng được phân bổ 158.760 liều, trong đó Bệnh viện Bạch Mai và Viện Pasteur TP.HCM được phân bổ 15.120 liều, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện E mỗi nơi được 13.440 liều; Bệnh viện Thống Nhất và Đại học Y Hà Nội 10.080 liều; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 8.400 liều…
Bộ Y tế nói rõ, vắc xin Moderna sau khi xuất kho lạnh phải được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C và phải sử dụng hết tối đa trong 31 ngày. Đặc biệt, Bộ Y tế lưu ý, không tiêm trộn vắc xin Moderna với các vaccine khác. Các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, đảm bảo mỗi đối tượng tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Moderna.
Có thể tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer
Tuy nhiên đối với trường hợp không có vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 vaccine Pfizer thay thế song phải theo dõi sức khỏe.
Lý giải điều này, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng chiều 13/7 cho biết một số quốc gia châu Âu đã nghiên cứu tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca và mũi 2 tiêm vaccine Pfizer. Sở dĩ tiêm trộn như vậy vì lúc đầu họ nghĩ vaccine AstraZeneca không đáp ứng được các biến thể của virus, nên tiêm thay mũi 2 bằng vaccine Pfizer. Bà Hồng nói:
"Đã có một số nghiên cứu ở quy mô vài nghìn người, vài trăm người, ở các quốc gia khác nhau và đưa ra kết quả khác nhau. Cụ thể, nếu tiêm trộn vaccine thì miễn dịch bảo vệ cá thể đó tốt hơn là tiêm 2 mũi AstraZeneca, nhưng đồng thời cũng ghi nhận một số lượng phản ứng bất thường sau tiêm, tăng lên đáng kể so với tiêm 2 liều cùng loại".
Vì vậy, theo bà Hồng, Bộ Y tế họp và trong quyết định phân bổ vaccine Pfizer đã khuyến cáo chủ yếu tiêm duy trì 2 mũi vaccine cùng loại. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu nguồn cung vaccine, tại thời điểm chỉ có Pfizer mà không có AstraZeneca, thì có thể tiêm Pfizer song phải theo dõi sức khỏe của người được tiêm.
Bà Hồng cho biết thêm, Bộ Y tế đã làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức này cũng chưa khuyến cáo chính thức về việc tiêm trộn giữa các loại vacicne. Nhà sản xuất Pfizer cũng chưa khuyến cáo về tiêm trộn.
"Tham khảo các nghiên cứu đã có kết quả trên thế giới, Ủy ban tư vấn Việt Nam cho phép tiêm trộn vaccine song khuyến cáo phải theo dõi sức khỏe người tiêm", bà Hồng nhấn mạnh.
Bà Hồng cho biết hiện nay Việt Nam có 4 loại vaccine Covid-19 sẽ triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đầu tiên là vaccine AstraZeneca đã triển khai tiêm thời gian qua. Vaccine Pfizer trong tuần này sẽ được vận chuyển đến các khu vực để tiêm. Ngoài ra, còn có vaccine Moderna và sắp tới Sinopharm, Sputnik V.
Mỗi loại vaccine đều có hướng dẫn sử dụng khác nhau, về liều, cách thức pha, cách sử dụng để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các loại vaccine này đều có hiệu quả bảo vệ tương đương nhau từ 70% mũi một tăng lên 80 đến hơn 90% mũi hai, và đều ghi nhận các phản ứng phụ tương đương. Bà Hồng đưa ra lời khuyên:
"Vì vậy, người dân nên tin tưởng và tiêm khi có vaccine, không nên có tư tưởng chờ đợi hay trì hoãn tiêm".
Bộ Y tế sáng 14/7 công bố tính đến ngày 13/7 Việt Nam tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng 4.079.066 liều. Trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là 3.795.182; số người tiêm đủ 2 mũi là: 283.884.