WHO sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 đáp ứng chuẩn quốc tế, qua đó giúp Việt Nam tự chủ về công nghệ sản xuất vaccine và sớm thành trung tâm sản xuất vaccine hàng đầu khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, Việt Nam chuẩn bị thí điểm hộ chiếu vaccine Covid-19.
Việt Nam phát hiện thêm 285 ca Covid-19
Bản tin tối của Bộ Y tế cho biết, có thêm 116 ca mắc coronavirus, nâng tổng số ca Covid-19 phát hiện mới ngày lên thành 285 trường hợp, riêng ở TP.HCM ghi nhận thê, 162 ca mắc nCoV mới.
Theo Bộ Y tế, trong số 116 ca mắc mới tối nay, riêng TP.HCM có 61 trường hợp nhiễm mới, Đà Nẵng 20, Tiền Giang 9, Phú Yên 8, Bắc Giang 9, Bắc Ninh 2, Nghệ An 5, Hải Phòng và Thái Bình mỗi nơi một ca mắc SARS-CoV-2 mới.
Trong số 285 trường hợp của ngày hôm nay, có 6 ca nhập cảnh, 279 ca lây nhiễm trong nước, trong đó 260 người được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (162), Bình Dương (27), Bắc Giang (28), Bắc Ninh (7), Thái Bình (5), Tây Ninh (2), Long An (2), Hưng Yên (2), Khánh Hoà (1), Đà Nẵng (20), Tiền Giang (9), Phú Yên (8), Nghệ An (5), Hải Phòng (1), trong đó 260 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Ngày 24/6, Việt Nam có thêm 75 người được công bố khỏi bệnh, cả nước đã có 5759 bệnh nhân bình phục và 72 ca tử vong.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 10936 ca nhiễm mới. Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.734.013 xét nghiệm cho 6.344.999 lượt người.
Việt Nam chuẩn bị thí điểm hộ chiếu vaccine
Ngày 24/6, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương thí điểm hộ chiếu vaccine Covid-19.
Theo đó, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch tại Việt Nam như Phú Quốc, Kiên Giang.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các phương án khi thực hiện đều phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh.
Trong phiên họp ngày 11/6, Bộ Chính trị đã đề cập nội dung này trong một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, tại cuộc họp hồi đầu tháng 4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã nhất trí có 3 nhóm người được áp dụng hộ chiếu vaccine gồm: người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài nhưng đã tiêm vaccine Covid-19; người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để đầu tư, kinh doanh và nhóm thứ 3 là khách du lịch quốc tế.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết địa phương đã xây dựng cụ thể các kịch bản đón khách quốc tế, đón khách nội địa, tổ chức cách ly, đón tiếp, hậu cần…
Tỉnh sẽ đề xuất Chính phủ tiêm vaccine cho toàn bộ người dân tại huyện đảo Phú Quốc, tiến tới đón khách quốc tế đến du lịch từ tháng 9 hoặc tháng 10.
Việc triển khai hộ chiếu vaccine với khách quốc tế tại các đảo trong khu vực đang được đẩy mạnh. Từ ngày 1/7, du khách đến đảo Phuket (Thái Lan) sẽ được miễn cách ly nều đã tiêm vaccine Covid-19 và không đến từ các quốc gia có nguy cơ cao.
Thái Lan đặt mục tiêu mở cửa hoàn toàn sau 120 ngày. Chính phủ nước này đang ưu tiên vaccine cho người dân Phuket, với mục tiêu đạt 70% dân cư được tiêm phòng. Hiện tỷ lệ này đã đạt 60%, trong khi tỷ lệ trung bình toàn quốc mới chỉ 5%.
Trong khi đó, Indonesia cũng dự định thí điểm mở cửa Bali, Batam và Bintan. Hàn Quốc đang xúc tiến mở cửa du lịch theo đoàn với một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, đảo Guam (Mỹ).
Việt Nam dự kiến mở cửa đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh và hoàn tất chương trình tiêm vaccine đủ đạt miễn dịch cộng đồng. Các điểm đến được phép đón du khách tại Việt Nam sẽ là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn, cũng như đảm bảo quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, chiều 24/6, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết các phương án đều phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh.
WHO giúp Việt Nam sản xuất vaccine Covid-19
Chiều 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Cùng dự cuộc trao đổi quan trọng này có ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Nội dung chính của cuộc điện đàm tập trung vào các biện pháp hợp tác phòng chống Covid-19, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nguồn cung vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Trong cuộc làm việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao quan hệ hợp tác và những hỗ trợ quý báu của WHO đối với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong suốt 45 năm qua.
“Việt Nam ủng hộ nỗ lực hợp tác y tế toàn cầu, đánh giá cao vai trò của WHO và cá nhân ngài Tổng Giám đốc trong điều phối hợp tác quốc tế phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó có phòng chống Covid-19, thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng và kịp thời vaccine -19 trên phạm vi toàn cầu”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có WHO, và sự ủng hộ, chung tay hành động của người dân và đạt nhiều kết quả tích cực bước đầu.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam do biến chủng mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WHO hỗ trợ và ưu tiên để Việt Nam sớm nhận được các lô vaccine tiếp theo của chương trình COVAX đã cam kết, khẳng định sẽ triển khai chiến lược tiêm chủng hiệu quả, kịp thời và an toàn.
Trao đổi với ông Tedros Ghebreyesus, Thủ tướng cũng đề nghị WHO ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương.
Nói về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh năng lực của ngành y tế Việt Nam cũng như tiềm lực của một số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất vaccine đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng hoan nghênh đề xuất của ngài Tổng Giám đốc về việc cử chuyên gia WHO hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.
Tổng Giám đốc WHO đánh giá rất cao thành công của Việt Nam trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là với các biện pháp chủ động và sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình, sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo người đứng đầu WHO, điều này góp phần vào nỗ lực phòng chống dịch hiệu quả để Việt Nam thực sự trở thành mô hình chống dịch hiệu quả trên thế giới, được WHO phổ biến rộng rãi.
Lãnh đạo WHO cũng cảm ơn và hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế trong phòng chống dịch, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cam kết đóng góp 500.000 USD cho chương trình COVAX, và đặc biệt cảm kích trước việc Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị khẩn cấp, thành công cho nhân viên Liên Hợp Quốc mắc Covid-19 vừa qua.
Liên quan đến vấn đề cung ứng vaccine, ông Tedros Ghebreyesus cho biết, nguồn cung ứng vaccine hiện nay đang thiếu hụt nghiêm trọng từ nay đến hết tháng 9/2021.
Do dịch bệnh bùng phát và nguồn dự trữ vaccine vượt qua nhu cầu ở nhiều nước. Những vấn đề này ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vaccine của COVAX cho các nước, trong đó có cả Việt Nam.
Người đứng đầu WHO Tedros Ghebreyesus ghi nhận các đề nghị của Việt Nam và khẳng định sẽ được ưu tiên tiếp cận nhanh chóng các nguồn vaccine, cũng như sớm trở thành trung tâm sản xuất vaccine trong khu vực.
Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới cũng sẽ cử các chuyên gia WHO vào Việt Nam hỗ trợ nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
“WHO sẽ quan tâm và làm hết sức mình để ủng hộ công tác phòng chống dịch của Việt Nam, cũng như sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân và trong phòng chống dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Tedros nhấn mạnh.