Sừng tê giác và hơn 3 tấn xương động vật hoang dã được nhập trái phép qua cảng Tiên Sa
Ngày 18/7, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng cho biết đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra, xử lý số lượng lớn hàng nhập khẩu nghi là sừng tê giác, xương động vật hoang dã.
Trước đó, từ đầu tháng 6/2021, qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng phát hiện đường dây vận chuyển hàng hóa từ Nam Phi về Việt Nam nghi là hàng cấm nên lập chuyên án đấu tranh, theo dõi sát hành trình vận chuyển của lô hàng.
Sau thời gian áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 17/7, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng phối hợp với Cục Điều tra Chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát môi trường (C05) – Bộ Công an, Công an thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2 và Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Đà Nẵng – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng khám xét một container được vận chuyển từ Nam Phi về cảng Tiên Sa – Đà Nẵng có nghi vấn hàng hóa nhập khẩu không đúng khai báo.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ số lượng hơn 138 kg sừng động vật nghi là sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương động vật nghi là xương của động vật thuộc Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Để ngụy trang qua mắt cơ quan chức năng, tất cả hàng hóa được đóng gói bằng các thùng carton xung quanh quấn chặt bằng dây nylon, với kích thước, chủng loại, trọng lượng khác nhau, xếp rời trong container và được khai báo với mã hàng hóa là gỗ.
Toàn bộ số hàng hoá này đã được niêm phong, thu giữ. Lực lượng chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nam Phi cưa bỏ sừng tê giác để ngăn chặn nạn săn trộm
Theo thông tin từ Reuters, kể từ khi chính phủ Nam Phi nới lỏng các biện pháp phong tỏa, hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19, nạn săn trộm tê giác đang gia tăng trở lại ở nước này sau một năm tạm lắng.
Các công viên động vật hoang dã khẳng định, các hạn chế nghiêm ngặt về du lịch, bao gồm cả du lịch quốc tế được áp đặt vào tháng 3/2020 đã góp phần ngăn chặn những kẻ săn trộm tê giác. Năm 2020, tại Nam Phi, có 394 con tê giác bị săn trộm, ít hơn 30% so với năm 2019 và là con số hằng năm thấp nhất kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, sau khi Nam Phi nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế vào tháng 11/2020, tình trạng săn trộm tê giác đã gia tăng trở lại.
“Kể từ tháng 11 năm ngoái đến năm nay, tại Nam Phi, đặc biệt ở Vườn quốc gia Kruger đã trải qua nhiều vụ săn trộm tê giác nghiêm trọng”, bà Jo Shaw, Trưởng nhóm tê giác châu Phi của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) nói.
Các vụ săn trộm tê giác thường liên quan đến những kẻ săn trộm địa phương và các tổ chức tội phạm quốc tế buôn lậu hàng hóa có giá trị cao qua biên giới và điểm đến chủ yếu là những nơi có nhu cầu cao như châu Á. Các khu bảo tồn vốn đang chống chọi với ngân sách eo hẹp trong tình hình ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cũng đã buộc phải cắt giảm các cuộc tuần tra chống săn trộm, do đó, làm tăng mối đe dọa đối với tê giác.
Để ngăn chặn những kẻ săn trộm, một số khu bảo tồn đã triển khai việc cưa bỏ sừng tê giác. Các bác sĩ thú y cắt sừng ở gần phần gốc chứ không cắt bỏ toàn bộ nhằm tránh hiện tượng chảy máu đến chết ở tê giác. Từ tháng 4/2019, khu bảo tồn thiên nhiên Balule nằm trong Vườn quốc gia Kruger đã cưa sừng của 100 con tê giác.
Bà Frances Craigie, Giám đốc lực lượng thực thi của Bộ Môi trường Nam Phi cho biết Nam Phi có khoảng 16.000 con tê giác nằm trong biên giới của nước này. Tại Vườn quốc gia Kruger, số lượng tê giác đã giảm gần 2/3 trong thập kỷ qua, xuống còn khoảng 3.800 con vào năm 2019 so với 11.800 con hồi năm 2008.