Việt Nam lại ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao kỷ lục – thêm 6.194 ca nCov trong vòng 24h. Tổng số ca mắc SARS-CoV-2 của cả nước là 74.371 người.
Quân đội (Bộ Tư lệnh TP.HCM – Quân khu 7) sẽ tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ TP.HCM từ 23/7.
Bộ Y tế cho biết, khi số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử sụng Pfizer để tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi một bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần.
Số ca nhiễm mới tăng cao
Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam cho biết, chiều nay, thêm 3.227 ca mắc SARS-CoV-2, cả ngày có 6.194 trường hợp dương tính mới.
Trong số này, chỉ có 28 ca bệnh nhập cảnh, còn lại 3.199 ca ghi nhận trong nước, trong đó, TP.HCM vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 1.785 ca.
Sau đó là Bình Dương (615), Đồng Nai (157), Long An (199), Đồng Tháp (117), Bà Rịa - Vũng Tàu (63), Hà Nội (48), Cần Thơ (42), Bến Tre (37), Tiền Giang (27), Bình Thuận (26), Phú Yên (21), Trà Vinh (9), Sóc Trăng (8 ), Bắc Ninh (7), Hậu Giang (7), Đắk Lắk (6), Khánh Hòa (5), Quảng Nam (5), Bình Định (4), Vĩnh Phúc (2), Đắk Nông (2), Hưng Yên (2). Các tỉnh có 1 ca nhiễm mới chiều tối nay gồm Kon Tum, Lào Cai, Kiên Giang, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi.
Tính cả ngày 22/7, Bộ Y tế cho biết, chỉ có 30/6.194 ca mắc mới là nguồn bệnh xâm nhập, còn lại là lây nhiễm trong nước.
Riêng TP.HCM ghi nhận trên 4.218 ca mắc nCoV mới, tiếp đó là Bình Dương (679), Long An 432), Đồng Nai (210), Đồng Tháp (117), Tiền Giang (68), Bến Tre (65), Bà Rịa - Vũng Tàu (63), Hà Nội (50), Cần Thơ (45), Vĩnh Long (38), Đà Nẵng (27), Bình Thuận (26), Phú Yên (21), An Giang (15), Hậu Giang (12), Kiên Giang (11), Trà Vinh (9), Sóc Trăng (8), Bắc Ninh (7), Đắk Lắk (6), Bình Phước (5), Khánh Hòa (5), Quảng Nam (5), Bình Định (4), Hải Phòng (3), Sơn La (2), Quảng Bình (2), Vịnh Phúc (2), Đắk Nông (2), Hưng Yên (2).
Những địa phương chỉ có một trường hợp dương tính hôm nay là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lào Cai, Huế.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 74.371 ca Covid-19, trong đó, số ca nhiễm mới từ đợt dịch thứ 4 đến nay là 70.672 người.
Về tình hình điều trị, Bộ Y tế cho biết, hôm nay có đến 1.450 bệnh nhân được công bố bình phục. Số ca được điều trị khỏi là 13.421, số ca nặng được điều trị ICU là 129 và số ca chạy ECMO là 18.
Về tình hình xét nghiệm, Bộ Y tế cho biết, ngày qua đã thực hiện trên 151.033 xét nghiệm cho 719.203 lượt người.
Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện là 4.905.725 xét nghiệm cho 13.572.520 lượt người.
Về tình hình tiêm vaccine, Bộ cho hay, tổng số liều ở Việt Nam đã tiêm là 4.367.939, trong đó, số lượng đã tiêm đủ hai mũi là 324.955.
Bộ Y tế cho biết, hôm nay 22/7, hơn 2.000 trang thiết bị gồm máy thở, máy lọc máy, máy tạo oxy, hơn 12 triệu khẩu trang các loại đã được chuyển đến kho dã chiến phục vụ công tác chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Đánh giá, xem xét cấp phép khẩn cấp cho Nanocovax
Theo thông tin từ Bộ Y tế, chiều nay, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chủ trì cuộc họp cùng Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cùng các thành viên Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia và Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, Viện Pasteur TP.HCM và Học viện Quân y, đại diện Công ty CP Sinh học Dược Nanogen.
Theo đó, Bộ Y tế cùng lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ họp rà soát các hồ sơ, dữ liệu, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, đồng thời xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax của Nanogen.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, vaccine Nanocovax của Việt Nam được phát triển từ tháng 5/2020 dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp.
Trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba, Nanocovax của Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (đợt đầu từ 18/12/2020, đợt hai từ 26/2/2021 và đợt ba từ 11/6/2021).
Ở giai đoạn ba, các chuyên gia sẽ đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của Nanocovax đối với cộng đồng và được thực hiện trên quy mô lớn với hơn 13.000 người tham gia.
Liều vaccine được thử nghiệm là 25mcg và nhóm tiêm giả dược có đối chứng.
Thông qua hai giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, vaccine của Việt Nam được đánh giá rất tốt, với kết quả 100% tình nguyện viên tiêm vaccine Nanocovax sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh theo công bố đạt trên 99%.
Đơn vị nghiên cứu khẳng định đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tiêm vaccine Nanocovax gặp phản ứng ngoài dự kiến.
Quân đội phun khử khuẩn toàn bộ TP.HCM
Chiều ngày 22/7, Bộ Tư lệnh TP.HCM thông tin cho biết sẽ thực hiện phun khử khuẩn tiêu độc trên toàn bộ địa bàn thành phố, nhất là những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng liên tục 7 ngày, bắt đầu từ 23/7 (ngày mai).
Đại tá Từ Minh Sơn, trưởng phòng Hóa học, Quân khu 7 thông tin cho biết, chiến dịch phun khử khuẩn sẽ bắt đầu ở Thủ Đức và huyện Bình Chánh vào sáng mai.
Khoảng 100 chiến sĩ từ Bộ Tư lệnh TP.HCM, Lữ đoàn Phòng hóa 87 và Tiểu đoàn Phòng hóa 38 của Quân khu 7 sẽ dùng các xe chuyên dụng phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Theo Đại tá Sơn, lực lượng sẽ tập trung phun khử khuẩn ở khu vực có nguy cơ cao tại các quận huyện liên tục trong vòng 7 ngày.
“Hoá chất hết sẽ được pha trộn thêm phục vụ cho việc khử khuẩn" đại tá Sơn nói và cho biết hoá chất phun xịt là Cloramin B pha với nước theo tỉ lệ 0,5%, đảm bảo an toàn sức khoẻ người dân”, Đại tá Từ Minh Sơn nhấn mạnh.
Bộ Tư lệnh TP.HCM yêu cầu các cơ quan đơn vị, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Thủ Đức, các quận huyện nắm rõ tình hình dịch bệnh ở địa phương để đề xuất khu vực phun khử khuẩn.
Bộ Tư lệnh thành phố cũng lưu ý sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, chỉ dẫn đường ở những khu vực khử khuẩn.
Bộ Tư lệnh TP.HCM cũng cho biết, ngoài khử khuẩn đường phố, cũng sẽ khử khuẩn địa bàn dân cư, các khu vực nhà trọ bằng phương tiện tại chỗ.
Theo Đại tá Sơn, dự kiến sẽ có 16 xe chuyên dụng của Quân khu 7 chia làm hai đội phun hóa chất tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ các quận huyện của thành phố trong vòng 7 ngày tới đây.
Bộ Y tế: Ưu tiên tiêm vaccine Pfizer cho người đã tiêm một mũi AstraZeneca
Ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần, trong trường hợp vaccine hạn chế và nếu có sự đồng ý của người được tiêm.
Ngày 22/7, Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn, theo đó cho phép tiêm vaccine Comirnaty do Pfizer sản xuất với những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca.
Theo nghiên cứu, người được tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca và mũi 2 là vaccine BNT162b2 của Pfizer thì hiệu quả sinh miễn dịch vẫn tương đương với việc tiêm 2 mũi vaccine BNT162b2, cao hơn so với việc tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca.
“Tuy nhiên, việc tiêm vaccine AstraZeneca mũi 1 và vaccine BNT162b2 mũi 2 có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng”, thông tin từ Bộ Y tế cho biết.
Theo Bộ, trong tháng 7 này Việt Nam sẽ tiếp nhận 746.460 liều BNT162b2 (Comirnaty). Trong đó, 2 lô vaccine đầu tiên, mỗi lô 97.110 liều đã về tới Việt Nam.
Bộ sẽ phân bổ 746.460 liều vaccine Comirnaty nhận được trong tháng 7 cho các địa phương và đơn vị. Bộ Y tế nêu rõ, nếu số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine này để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần, nếu có sự đồng ý từ người được tiêm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị triển khai chính sách này phải khẩn trương thực hiện báo cáo riêng về kết quả tiêm chủng và sự cố bất lợi sau tiêm chủng trên các đối tượng tiêm vaccine Comimaty mũi 2 và tiêm vaccine AstraZeneca mũi 1, ngay sau khi kết thúc đợt tiêm chủng.
Bên cạnh đó, đảm bảo tuân thủ các quy định về tổ chức tiêm và bảo đảm an toàn tiêm chủng, giám sát chặt chẽ sau tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra khuyến cáo tiêm kết hợp 2 loại vaccine khác nhau nhằm tăng cường hiệu quả miễn dịch. Hướng dẫn tạm thời của Tổ chức Y tế thế giới hôm 15/6/2021 cũng đề cập việc kết hợp tiêm mũi 2 là vaccine BNT162b2 sau khi tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca tại nơi có hạn chế về vaccine cùng loại.