Đại diện Bộ Y tế cho hay, theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam hiện nay là 0,43, đang dần tiệm cận với mức tử vong của thế giới. Riêng TP.HCM, Đồng Tháp, tỷ lệ tử vong do biến chứng của SARS-CoV-2 có thể cao hơn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đầu năm 2022 sẽ có đủ vaccine tiêm cho toàn dân và công nhân lao động.
Bộ GTVT đồng ý với kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế trở lại Phú Quốc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày 20/7
Theo số liệu mới nhất mà Bộ Y tế công bố, tính đến tối ngày 20/7, cả nước có thêm 2.640 ca nhiễm nCoV mới (5 người nhập cảnh, 2.635 trường hợp được ghi nhận lây nhiễm trong nước), nâng tổng số ca mắc mới ngày hôm nay lên thành 4.795.
TP.HCM vẫn là địa phương có tình hình dịch bệnh đặc biệt phức tạp với 1.803 ca dương tính trên tổng số 2.640 ca mắc được phát hiện trên cả nước.
Tiếp đó là Bình Dương (422), Đồng Nai (82), Đồng Tháp (60), Long An (46), Hà Nội (40), Đà Nẵng (29), Phú Yên (27), Cần Thơ (23), Ninh Thuận (22), Khánh Hòa (15), Bình Thuận (14), Kiên Giang (12), Nghệ An (8 ), Đắk Lắk (8 ), Bắc Ninh (4), Bình Định (3), Hưng Yên (3), Quảng Nam (2), Bạc Liêu (2), Vĩnh Phúc (2), An Giang (2), Kon Tum (2), Gia Lai (1), Bắc Giang (1), Đắk Nông (1), Lâm Đồng (1).
Tính chung cả ngày 20/7, ngoài 6 ca được tính là nguồn bệnh xâm nhập, Việt Nam có đến 4.789 bệnh nhân dương tính được ghi nhận lây nhiễm trong nước. TP.HCM vẫn tiếp tục có nhiều người mắc Covid-19 nhất với 3.322 bệnh nhân. Sau đó là các địa phương lân cận như Bình Dương (578), Đồng Nai (162), Tiền Giang (133), Đồng Tháp (66), Đà Nẵng (61), Khánh Hoà (53), Hà Nội (46), Long An (46), Cần Thơ (45), Vĩnh Long (43), Phú Yên (39), Bến Tre (34), Bà Rịa - Vũng Tàu (26), Ninh Thuận (22), Kiên Giang (20), Bình Thuận (14), Hậu Giang (10), Đắk Lắk (10), Vĩnh Phúc (9), An Giang (8 ), Nghệ An (8 ), Bình Phước (6), Bạc Liêu (4), Bắc Ninh (4), Lâm Đồng (3), Quảng Nam (3), Bình Định (3), Hưng Yên (3), Quảng Ngãi (2), Kon Tum (2).
Các tỉnh chỉ phát hiện 1 ca nhiễm hôm nay gồm Lạng Sơn, Gia Lai, Bắc Giang, Đắk Nông.
Số ca mắc mới tính từ làn sóng Covid-19 thứ 4 ở Việt Nam hiện là 59.165 người, trong đó có 8.669 bệnh nhân được công bố hồi phục.
Cả nước hôm nay có 396 người được ra viện, số ca điều trị khỏi đến nay của cả nước là 11.443, số bệnh nhân tử vong là 334, 18 bệnh nhân được xếp vào diện nguy kịch, đang chạy ECMO.
Về tiêm chủng, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng được 4.305.501 liều, trong đó, số người được tiêm đầy đủ hai mũi là 309.791.
Số lượng xét nghiệm mà ngành y tế Việt Nam đã thực hiện là 4.661.532 cho hơn 12.486.026 lượt người.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam như thế nào?
Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam hiện ở mức thấp, việc điều trị các bệnh nhân đều trong tầm kiểm soát.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng ở Việt Nam đang tăng lên, dường như trở thành gánh nặng y tế rất lớn cho TP.HCM và một số tỉnh như Đồng Tháp.
Theo đại diện Bộ Y tế Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân nặng phải hỗ trợ ôxy, thở máy chức năng cao, ECMO đang tăng cao, một số địa phương thiếu máy thở.
“Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ tử vong của cả nước là 0,43%, nhưng tại TP.HCM là hơn 0,6%, tại Đồng Tháp còn cao hơn. Chứng tỏ chúng ta cũng đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói và nhấn mạnh cần hết sức lưu ý trong tình trạng bệnh nhân trở nặng, bắt buộc sử dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị.
Trong khi đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho rằng, tất cả các khu vực đều cần chuẩn bị ôxy, kể cả những nơi điều trị bệnh nhân nhẹ, đề phòng bệnh nhân đổi trạng thái từ nhẹ sang nặng.
BS.Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, trong quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân Covid-19 ban đầu không có triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, sau khoảng 7-8 ngày, họ có thể diễn biến nặng, thậm chí tử vong.
“Thực tế này đòi hỏi các bác sĩ tại cơ sở điều trị sẽ phải theo dõi sát các bệnh nhân Covid-19 trong thời điểm ngày thứ 7-8, phát hiện các dấu hiệu diễn biến nặng nếu có”, chuyên gia cho hay.
TS. Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý, khi xuất hiện những triệu chứng nêu trên, bệnh nhân cần nhanh chóng báo với nhân viên y tế để được đánh giá chính xác hơn, có chỉ dẫn, thậm chí nhập viện ngay nếu cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các tỉnh, thành tập trung những biện pháp giảm thiểu tỷ lệ tử vong, hạn chế tối đa các ca tử vong vì coronavirus bằng cách tăng cường hệ thống về nhân lực, thiết bị, vật tư y tế, hệ thống oxy, khí nén cho các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng.
Đầu năm 2022 sẽ có đủ vaccine tiêm cho toàn dân?
Ngày 20/7, đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đã đến thăm, làm việc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương.
Đoàn đã đến kiểm tra Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP Dĩ An), Khu điều trị Covid-19 và Công ty Cổ phần khí đặc biệt Việt Nga (thị xã Tân Uyên). Làm việc với đoàn công tác, ông Meguro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam, báo cáo cho biết, công ty hiện có 380 lao động đang sản xuất "3 tại chỗ".
Phát biểu trong chuyến thị sát, đồng chí Vũ Đức Đam đề nghị Ban Giám đốc Công ty Việt Nga khẩn trương tăng cường công suất sản xuất khí oxy để phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 cho địa phương, đồng thời nhanh chóng phối hợp triển khai việc trang bị oxy cho các khu điều trị, đảm bảo cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh chủ động tính toán chi phí, kịp thời trang bị oxy cho các khu điều trị, kết hợp tìm hướng giải quyết chỗ ở an toàn, đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động tại các công ty tại địa bàn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Bình Dương nỗ lực phối hợp để giải quyết tốt nhu cầu ăn, ở, làm việc của công nhân lao động, không để người lao động thiếu thốn và làm việc trong điều kiện kém an toàn.
Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp toàn bộ dữ liệu về người lao động cho chính quyền địa phương, từ đó tạo thuận lợi cho công tác điều tra dịch tễ khi xuất hiện ca lây nhiễm hay nghi nhiễm.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện Trung ương đang nỗ lực thúc đẩy kết nối với các tổ chức, đơn vị cung ứng vaccine. Dự kiến sẽ tiêm cho toàn bộ người dân và công nhân lao động vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Ngoài ra Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương trang bị khoảng 1.000 bình oxy cho các khu điều trị để kịp thời cứu chữa cho các ca bệnh nặng. Kinh phí thực hiện có thể huy động nguồn xã hội hóa hoặc duyệt chi khẩn cấp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chính quyền địa phương đặc biệt lưu ý công tác chăm lo sức khỏe cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu, tháo gỡ mọi khó khăn cho lực lượng này.
Bộ Giao thông Vận tải đồng ý thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc
Ngày 20/7, Bộ Giao thông Vận tải cho biết cơ quan này cơ bản đồng ý với kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất.
Mặc dù vậy, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần thiết phải có phương án tổng thể, chu đáo để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người dân địa phương, cũng như không để lây lan dịch từ du khách quốc tế ra cộng đồng.
Theo đó, cần có chính sách ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân Phú Quốc. Bên cạnh đó, thực hiện phân luồng, giám sát khách quốc tế từ khi nhập cảnh và trong thời gian lưu trú và du lịch tại địa phương. Ngoài ra, cũng cần có phương án phòng chống lây nhiễm đối với lao động đón khách du lịch quốc tế.
Bộ cũng đề nghị sửa nội dung trong dự thảo là "khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại" thành "khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc chuyến bay quốc tế thường lệ (khi điều kiện cho phép)".
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì việc lựa chọn thị trường du lịch quốc tế từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn thí điểm. Đồng thời, đề nghị trao đổi với Bộ Công an và UBND tỉnh Kiên Giang lên phương án xử lý khách bị từ chối nhập cảnh, thiết lập các địa điểm cách ly cho số khách này trong khi chờ về nước.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu (3 tháng), Phú Quốc thí điểm đón 2.000-3.000 khách mỗi tháng, thông qua chuyến bay thuê bao. Các du khách này chỉ được phục vụ trong phạm vi, địa điểm hạn chế.
Giai đoạn tiếp theo (3 tháng), mở rộng quy mô từ 5.000 đến 10.000 khách mỗi tháng. Lượng khách này tiếp nhận qua các chuyến bay thương mại. Đồng thời, phạm vi, địa điểm phục vụ du khách cũng được mở rộng hơn.
Trong đề xuất của mình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị tiêm chủng cho ít nhất 70% dân cư và người lao động tại thành phố Phú Quốc, trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021.