Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 25/7, các đại biểu cho ý kiến về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, bảo đảm sản xuất kinh doanh.
Sputnik

Ngày 25/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025. Quốc hội cũng thảo luận nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19

Tại sao kinh tế Việt Nam không thể chỉ mãi lo “phòng thủ”?

Trong phiên thảo luận sáng cùng ngày, phát biểu ý kiến, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ trong những tháng qua, dù tình hình khó khăn do dịch phức tạp nhưng vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng 6 tháng đạt khá 5,64%, cao so với trong khu vực; an sinh xã hội được bảo đảm.

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, các đại biểu cho biết kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025) sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chiến lược lâu dài sống chung với dịch bệnh và có kịch bản cụ thể cho hoạt động của cơ quan Nhà nước; ban hành chính sách phù hợp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp để không đứt gãy chuỗi sản xuất. 

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần bảo đảm nguồn lực lâu dài, huy động nguồn đóng góp của doanh nghiệp, xã hội. Các cơ quan Nhà nước phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để phục vụ nguồn lực phòng, chống dịch. Hoàn thiện hệ thống pháp luật để phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vì một số văn bản, quy định trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã lạc hậu, rất cần thay đổi để phù hợp với thời điểm hiện tại. 

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho hay, từ cuối tháng 4 đến nay, người dân và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 nên việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là yếu tố quan trọng và là mục tiêu lớn trong thời gian tới.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình với việc trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ thống nhất cao với việc Quốc hội cho phép Chính phủ có những quyết định chưa có trong Luật để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19
“Tôi đồng tình với việc Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ “ra trận” để phòng, chống dịch Covid-19. Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tôi tin tưởng cuộc chiến chống dịch sẽ thành công”, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nói.
Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh, trong bối cảnh đặc biệt, nội dung đề xuất Chính phủ trình là đúng đắn. Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng, cần phải làm rõ 3 vấn đề. Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng đối với các biện pháp phòng chống Covid-19. Thứ hai, cần khống chế khung thời hạn áp dụng nhất định. Thứ ba, xác định cụ thể trách nhiệm, đặc biệt cần có biện pháp để tránh trục lợi chính sách, gây thất thoát cho nhà nước.

“Mọi kế hoạch dù hay, dù hoàn hảo tới đâu thì việc tổ chức thực hiện và yếu tố con người vẫn là điều kiện tiên quyết đảm bảo kế hoạch thành công”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ. 
Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Trước đó, tại phiên họp vào chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đưa vào nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Cụ thể, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch thuộc thẩm quyền của Quốc hội; các biện pháp khác với quy định của luật hoặc chưa có trong luật trong những trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”. 

Cho ra đời "gói hỗ trợ" những người lao động ảnh hưởng do dịch Covid-19

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc hậu kiểm với gói hỗ trợ Covid-19

Đề cập đến vấn đề về các gói hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 đang rất được cử tri và nhân dân quan tâm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ ra sự chưa kịp thời trong việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, với kết quả giải ngân thấp trên tổng mức dự kiến. Đối với gói hỗ trợ thứ hai là 26.000 tỷ đồng, đại biểu đánh giá gói này được xây dựng, triển khai “trên tinh thần hết sức thông thoáng”. 

Bà Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ: “Đổi mới là điều hết sức trân trọng nhưng nếu không thận trọng thì chúng ta sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức” và nêu kiến nghị về việc cân nhắc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói hỗ trợ.

Theo đại biểu, hiện nay, trên thực tế đối với một số lĩnh vực như thuế, hải quan có áp dụng cơ chế hậu kiểm, trong trường hợp kê khai không đúng sẽ truy thu, xuất toán, nhưng đối với gói cứu trợ thì hoàn toàn khác, cần cân nhắc tính hợp lý. 

“Khi kê khai, người dân chỉ biết nộp hồ sơ và việc xác nhận tính đúng đắn là trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan công quyền trong thi hành công vụ. Bên cạnh đó, khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên công nhận tính đúng đắn. Mặt khác, chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh của Chính phủ đưa bàn tay để cùng người dân đi qua khó khăn. Do vậy, việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến.

Tại phiên thảo luận vào sáng 25/7, các ý kiến bày tỏ lo ngại trước những thách thức trong thời gian tới, khi dịch vẫn rất phức tạp và khó khăn đối với doanh nghiệp (DN), với người dân là rất lớn. Đặc biệt, việc triển khai chiến lược vắc-xin của Việt Nam gặp khó khăn, thách thức cho mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. 

Các đại biểu nhấn mạnh việc hỗ trợ DN để họ phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận định, tình trạng nhiều DN rút khỏi thị trường cho thấy khả năng chống đỡ của nhiều DN đang yếu đi. Nhất là lực lượng DN vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu Nhà nước không có gói hỗ trợ đủ mạnh. 

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng cho rằng, quyết liệt chống dịch nhưng không được áp dụng các biện pháp thái quá, cực đoan, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhiều địa phương rất sáng tạo trong chống dịch, nhưng một số địa phương “ngăn sông, cấm chợ”, có tỉnh không cho thông quan hàng hóa.

“Vấn đề hiện nay là chống dịch nhưng không được cực đoan gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng”, bà Nguyễn Thị Thủy cho hay.
Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Cũng theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, dịch hiện đang diễn biến rất phức tạp, do đó, các giải pháp chống dịch phải được triển khai quyết liệt hơn, những hành vi vi phạm cần được xử lý nghiêm. Cùng với đó, phải ghi nhận và chăm lo thỏa đáng cho lực lượng y tế hiện nay vì họ đang phải chịu nhiều vất vả, hy sinh cho công cuộc phòng, chống dịch. Song song đó, cần tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay phòng, chống dịch; triển khai hiệu quả việc hỗ trợ người dân và các DN gặp khó khăn do đại dịch.

Thảo luận