Vì sao Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng Apple khó rời bỏ Trung Quốc?

Apple thông báo tuyển dụng nhân sự, việc làm tại Việt Nam. Có thể nói, Apple dành những ưu tiên nhất định cho thị trường Việt Nam, nhưng trong thời gian ngắn, theo nhiều chuyên gia, rất khó để “Táo khuyết” rời Trung Quốc.
Sputnik

Đã xuất hiện nhiều đồn đoán về kế hoạch mở rộng sản xuất hay những toan tính duy trì chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới Apple.

Apple tiếp tục tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam

Những ngày qua, trên trang chủ (website) của Apple đã đăng tải nhiều thông tin tuyển dụng loạt vị trí nhân sự, làm việc tại Việt Nam, trong đó, tập trung vào nhân sự kỹ thuật là chủ yếu.

Thông tin tuyển dụng nhân sự, việc làm của Apple tại Việt Nam thu hút sự chú ý rất lớn từ truyền thông và dư luận.

Apple mang tin vui cho người dùng iPhone tại Việt Nam

Theo trang đăng tuyển nhân sự việc làm của Apple, hãng này đăng tải tuyển dụng 24 vị trí công việc, chủ yếu là các vị trí quản lý chất lượng cơ khí, kỹ sư phát triển máy ảnh, trưởng nhóm thiết kế module camera, quản lý chương trình kỹ thuật, quản lý cung ứng…

Nhân sự được tuyển dụng vào làm việc cho Apple cũng sẽ chỉ tập trung ở hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nhìn vào các vị trí việc làm Apple đang tìm kiếm nằm ở Việt Nam có thể thấy, “Táo khuyết” đang muốn hút nhân lực cấp cao ở 4 mảng chính gồm sản xuất phần cứng, vận hành hệ thống, quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng và phát triển kinh doanh.

Đồng thời, dựa trên danh sách vị trí việc làm đăng tuyển mới tại Việt Nam của Apple, nhiều chuyên gia đánh giá, điều này phản ánh sự thay đổi sản xuất, với nhu cầu nhiều nhất cho nhân viên trong lĩnh vực hoạt động và chuỗi cung ứng của “Táo khuyết”.

Theo các thông tin mô tả về từng vị trí nhân sự trên trang website tuyển dụng, các ứng viên của Apple sẽ tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất, làm việc với các đối tác để đảm bảo chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí của Apple với hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe.

Ngoài ra, Apple yêu cầu các nhân sự ứng tuyển phải có trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến vị trí việc làm đang được tuyển dụng.

Bên cạnh đó, người ứng tuyển ở Việt Nam cũng phải có trình độ tiếng Anh tốt và sẵn sàng làm việc tại nhà máy sản xuất ở nước ngoài như Thâm Quyến, Thượng Hải của Trung Quốc. Đây là thông tin hết sức đáng chú ý.

Đây không phải lần đầu tiên Apple tuyển dụng nhân sự ở thị trường Việt Nam.

Trước đó, hồi giữa năm 2020 (tháng 5/2020), Apple gây bất ngờ khi đã tuyên bố sẽ chuyển sản xuất AirPods Pro từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Vì sao Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng Apple khó rời bỏ Trung Quốc?

Đồng thời, ngay trong khoảng thời gian đó, gã khổng lồ công nghệ này cũng nhanh chóng lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho các vị trí việc làm còn trống tại công ty nhằm nắm bắt và vận hành hoạt động kinh doanh sản xuất của Apple ở thị trường Việt Nam.

Khi ấy, Apple tập trung vào tuyển dụng nhân sự ở các khâu phát triển sản phẩm bao gồm kỹ sư kiểm nghiệm camera, kỹ sư cơ khí màn hình, quản lý chất lượng màn hình, kỹ sư phần mềm cùng nhiều nhân sự cho các quy trình đóng gói, kiểm thử cuối cùng trước khi rời xưởng (F.A.T.P).

Vào thời điểm đó, Apple tuyển dụng 9 nhân sự tổ chức hoạt động và chuỗi cung ứng, hai nhân sự phụ trách hoạt động chức năng của công ty, một nhân sự phần cứng và một nhân sự phát triển kinh doanh và bán hàng.

Apple có thực sự bỏ Trung Quốc để đến Việt Nam?

Tuyển nhân sự, Apple đang toan tính những gì ở Việt Nam? Thực tế, với một tập đoàn công nghệ lớn như Apple, tất cả các khâu tổ chức kinh doanh, sản xuất, tuyển dụng, vận hành đều rất phức tạp và mang tính bảo mật cao.

Vì sao Apple chọn Việt Nam thay vì ‘trung thành’ với Trung Quốc?

Xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng, việc tăng tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam có thể mở ra định hướng mở rộng sản xuất của hãng (hoặc rời dây chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam) trong thời gian tới.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, việc đăng tin tuyển dụng nhân sự rầm rộ, với nhiều vị trí việc làm quan trọng liệu có phải là tín hiệu chuẩn bị cho việc Apple sắp chuyển sản xuất iPhone sang Việt Nam hay không. Tuy nhiên, nhìn vào các vị trí tuyển dụng hiện tại, điều này ít có khả năng xảy ra.

Cần đánh giá thực tế, các vị trí nhân sự được tuyển dụng của Apple ở thời điểm này được kỳ vọng sẽ đảm nhiệm việc phối hợp, giám sát các đối tác cung ứng linh kiện và sản xuất sản phẩm Apple tại Việt Nam và Trung Quốc để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến khó khăn trong việc ra mắt sản phẩm của hãng trong tương lai, chứ không phải đẩy nhanh quá trình mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Tháng 6/2021, truyền thông đưa tin, đối tác hàng đầu của Apple là Foxconn (Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, trước khi xảy ra đợt mưa lũ “ngàn năm có một” tháng 7 vừa qua), đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự quy mô lớn, đồng thời, tăng mức lương trung bình lên cao, trên mức 5.000 nhân dân tệ (khoảng 18 triệu VNĐ). Ngoài ra, đối với những người cam kết làm việc trên 90 ngày và đã làm trên 55 ngày có thể sẽ tăng lên trên 6.000 nhân dân tệ (hơn 21,5 triệu VNĐ). Đáng chú ý, danh sách thưởng được công bố hàng tháng và phát thưởng ngay trong vòng một tuần.

Vì sao Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng Apple khó rời bỏ Trung Quốc?

Các chuyên gia cho rằng, động thái tuyển dụng quy mô lớn, thu hút nhân công bằng chính sách lương ưu đãi này của Foxconn ở Trung Quốc là để chuẩn bị nhân lực tốt nhất phục vụ cho việc sản xuất iPhone số lượng lớn của Apple.

Ngoài Foxconn Trịnh Châu tuyển dụng rần rần người làm trong nhà máy sản xuất iPhone, Pegatron Thượng Hải (đơn vị OEM lớn của Apple) cũng tuyển dụng công nhân quy mô lớn lên tới hàng ngàn nhân sự mỗi ngay, tăng lượng công nhân làm kíp đêm, mức lương trung bình, theo IT Times tiết lộ, lên đến trên 10.000 nhân dân tệ (35,7 triệu VNĐ).

Việt Nam khiến Trung Quốc lo lắng vì quyết định của Apple và Samsung

Mặc dù trước đó Apple rục rịch chuyển đi nhiều nhà máy và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ nhằm tránh sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng ở thị trường tỷ dân và né được các hệ lụy không mong muốn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên, dù các đối tác của Apple đã tốn hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở và kế hoạch mở rộng sản xuất ở những nơi khác ngoài Trun Quốc, đến nay, cuối cùng, Apple vẫn phải quay về Trung Quốc làm iPhone.

Nguyên nhân chính đến từ việc dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát mạnh trở lại ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, các nhà máy ở Ấn Độ, Việt Nam đã phải dừng hoạt động do dịch bệnh, khiến tiến độ sản xuất, ra mắt iPhone của Apple bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chỉ có sản xuất bị ngưng trệ, thách thức lớn khác đáng chú ý là các nhà máy sản xuất iPhone khác của Apple ngoài Trung Quốc cũng đòi hỏi chi phí vận chuyển vật liệu điện tử tăng vọt. Chi phí hậu cần từ nhà máy nguyên liệu ở Trung Quốc sang Ấn Độ cùng với việc các nhà máy bị giảm sản lượng nghiêm trọng do dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến Apple tiếp tục quay lại trung Quốc.

Cùng với đó, khả năng liên kết chuỗi giá trị mạnh mẽ của Trung Quốc cũng khiến Apple và đối tác “chần chừ” rời đi. Theo các chuyên gia, những thị trường mới như Việt Nam hay Ấn Độ, dù có lợi thế lao động rẻ, ổn định nhưng còn nhiều yếu tố chưa đáp ứng được chuỗi cung ứng của Apple, điển hình như thực tế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, chuỗi cung ứng toàn ngành chưa mạnh, chưa phong phú, chất lượng nhân công chưa cao…

Apple đang toan tính gì ở Việt Nam khi tuyển nhân sự nhiều vị trí?

Riêng đối với Việt Nam, Apple từng nhiều lần đăng thông tin tuyển dụng các vị trí kỹ sư, quản lý bán hàng và nhiều vị trí khác, đồng thời, cứ mỗi lần tuyển dụng như vậy đều rộ lên các thông tin cho rằng Apple có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Foxconn sẽ chuyển một phần sản xuất linh kiện từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple

Từ năm 2016, Apple lần đầu tiên tìm kiếm một vị trí lãnh đạo cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, “Táo khuyết” cũng từng đặt hàng một đơn vị chuyên “săn đầu người” và tuyển dụng nhân lực hàng đầu Việt Nam cho vị trí Giám đốc phân phối tại Việt Nam.

Đến cuối năm 2018, trên trang chủ của Apple cũng có một số thông tin tuyển dụng kỹ sư phần mềm, phần cứng tại Việt Nam, chủ yếu làm việc ở Hà Nội và TP.HCM. Sang 2019, 2020, Apple cũng liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng nhiều vị trí lãnh đạo kinh doanh, bán hàng tại Việt Nam.

Cần chú ý rằng, Apple từng đăng tin tuyển dụng vị trí quản lý vùng (khu vực Việt Nam) để làm việc tại TP.HCM với yêu cầu hơn 12 năm kinh nghiệm làm quản lý vùng hoặc vị trí tương tự tại các hãng công nghệ. Ngoài ra, các vị trí tuyển dụng hiện tại ở thị trường Việt Nam đều yêu cầu ứng viên phải có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan, có trình độ tiếng Anh và sẵn sàng tham gia làm việc tại các nhà máy ở Thâm Quyến, Thượng Hải của Trung Quốc.

Thực tế, cho đến nay, theo nhiều chuyên gia, việc mở rộng kinh doanh của Apple “là có” nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy hãng sẽ chuyển hẳn sản xuất sang Việt Nam như một cứ điểm sản xuất mới vững chắc hay thậm chí là mở một cửa hàng Apple Store tại thị trường Việt Nam như ở Singapore, Thái Lan trong khu vực.

Nhiều chuyên gia cùng với các đại lý lớn trong nước thời gian gần đây đều khẳng định Apple đang dành nhiều sự ưu tiên hơn cho thị trường Việt Nam, chẳng hạn như việc phối hợp cung ứng nguồn hàng, dành thời gian để họp với đại lý để tìm các phương án kinh doanh, cung ứng sản phẩm nhanh nhất đến với khách hàng.

Apple không chọn Việt Nam cũng là một cảnh báo: Đừng quá lạc quan về FDI

Đối với việc tuyển dụng nhân sự lần này, nhiều người cho rằng, các vị trí tuyển dụng của Apple là để mở rộng hợp tác với các đối tác sản xuất của hãng ở Việt Nam.

Giới công nghệ cũng cho rằng, ưu tiên của Apple liên quan đến vấn đề sản xuất khi mà các dây chuyển sản xuất sản phẩm của Apple chuyển về Việt Nam ngày một nhiều.

Đồng thời, các nhân sự được tuyển dụng nhiều khả năng sẽ đảm nhiệm việc phối hợp, giám sát các đối tác cung ứng linh kiện và sản xuất sản phẩm Apple tại Việt Nam và Trung Quốc để tránh tình trạng đứt gãy cung ứng, dẫn đến khó khăn trong việc ra mắt sản phẩm của Apple, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay từ các yếu tố dịch bệnh đến xung đột thương mại.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp mang tính bảo mật cao như Apple, mọi thứ mới chỉ dừng lại ở mức “phỏng đoán”.

Nhân sự Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của Apple?

Trao đổi về vấn đề Apple có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quang Trung từng đánh giá, điều này chứng minh cho sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn.

Vì sao đối tác của Apple, Microsoft - Pegatron chọn Việt Nam?

Ông Trung cũng nhấn mạnh, việc tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu của Apple nói riêng và các doanh nghiệp đòi hỏi chất lượng nguồn lao động cao là một vấn đề đặt ra hết sức cấp bách đối với Việt Nam ở thời điểm này.

Điều chuyên gia trăn trở là làm sao đáp ứng đủ nhân lực cho nhà đầu tư để phục vụ phát triển sản xuất là vấn đề đặt ra cấp thiết không chỉ ở cấp Trung ương mà địa phương.

Ông Lê Quang Trung thẳng thắn, thực tế, Apple tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực như phần mềm, điện tử. Ở Việt Nam, cũng có nhiều doanh nghiệp yêu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực này. Các trung tâm dịch vụ việc làm trong thời gian vừa qua từng bước đáp ứng yêu cầu lao động kỹ thuật có trình độ.

Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, thị trường lao động Việt Nam có những lao động đáp ứng được ngay, song cũng có những lao động có kiến thức cơ bản và cần đào tạo chuyên sâu.

“Cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan cung ứng lao động chung tay đào tạo chuyên sâu để người lao động đáp ứng nhu cầu của từng vị trí công việc. Việc phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp và người lao động rất quan trọng và cần thường xuyên hơn”, ông Lê Quang Trung khuyến nghị.

Trước đó, năm 2020, Navigos Search (nền tảng cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao) đánh giá, Việt Nam có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới.

Những lợi thế này đến từ vị trí địa lý thuận lợi, ổn định về chính trị và xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài của Chính phủ, tác động từ những Hiệp định Thương mại tự do và đặc biệt là cấu trúc nguồn cung lao động vàng, chi phí lao động cạnh tranh.

Navigos Search nhận thấy trong báo cáo về nhân lực ngành Công nghệ (ITC) tại Việt Nam rằng, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đánh giá khá cao các tố chất nhân lực Việt Nam như sự chăm chỉ, trình độ chuyên môn, hiệu suất công việc, khả năng sáng tạo, tinh thần chính trực…

Đối tác của Apple chọn Việt Nam
Giám đốc điều hành Navigos Search Nguyễn Phương Mai nhận định khi đó rằng, thế mạnh của nhân sự cấp trung người Việt là khả năng học hỏi nhanh, chăm chỉ và thích ứng nhanh với sự thay đổi. Nếu so sánh với nhân lực tại các nước phát triển trong khu vực, thì nhân lực Việt Nam cần cải thiện thêm về tư duy toàn cầu và khả năng ngoại ngữ.

“Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi nguồn vốn FDI đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, chúng tôi cũng quan sát thấy có sự chuyển đổi trong tư duy và phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn của nguồn lao động Việt Nam”, bà Mai nói.

Theo chuyên gia, nguồn nhân lực Việt Nam có những thế mạnh sẵn có cùng với sự khuyến khích từ các chính sách phát triển của Chính phủ thì hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các gã khổng lồ, tập đoàn lớn trên thế giới.

Hiện nay, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, một số sản phẩm của Apple như MacBook, tai nghe không dây AirPods cũng đã được sản xuất tại Việt Nam.

Vì sao Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng Apple khó rời bỏ Trung Quốc?

Trước đó, cũng từng xuất hiện thông tin cho rằng chiếc AirPods 3 sắp ra mắt của Apple đang được sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm có thể sẽ ra mắt trong tháng 9 này, cùng với dòng sản phẩm iPhone 13 mới nhất, điều này chứng tỏ rằng, năng lực của lao động Việt Nam không hề kém, nhưng để chuẩn bị tốt nhất cho các làn sóng chuyển dịch dây chuyền sản xuất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của những “đại bàng lớn” như Apple hay đối tác của họ, thì cần một chiến lược tổng thể hơn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng hiệu suất lao động và tạo được các chuỗi giá trị mạnh mẽ để Việt Nam thực sự trở thành điểm đến an toàn và triển vọng cho bất kỳ gã khổng lồ công nghệ thế giới nào.

Thảo luận