Đâu là ‘bộ mặt thật’ của ông Nguyễn Đức Chung?

Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Hà Nội, cựu Thiếu tướng Công an, từng là một chính trị gia đáng chú ý trên chính trường Việt Nam. Nhưng ‘mồi phú quý, bả vinh hoa, quyền lực’ lại kéo ông Chung sớm ‘ngã ngựa’, đặc biệt là vũng lầy đại án Nhật Cường.
Sputnik

Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) chỉ rõ, ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy đã ký hợp đồng với công ty Minh Hoa do vợ ông Nguyễn Đức Chung – bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa làm giám đốc để tham gia thầu và trúng thầu.

Quan hệ giữa ông Nguyễn Đức Chung và Bùi Quang Huy không đơn thuần. Cựu Chủ tịch Hà Nội quen Bùi Quang Huy khi còn làm cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội, nhờ vả ông chủ Nhật Cường biếu quà một số cá nhân vào dịp Tết. Việc ông Chung được hưởng lợi gì khi chỉ định thầu cho Nhật Cường, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm rõ.

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, dù ra trước vành móng ngựa, dù không thừa nhận hết tội danh ở các đại án, nhưng ít nhiều vẫn ‘nói đỡ’ và xin xử khoan hồng cho cấp dưới của mình. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại bị xác định ‘không thành khẩn’, ‘trốn trách nhiệm’, ‘đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới’. Đâu là ‘bộ mặt thật’ của ông Nguyễn Đức Chung?

Cựu Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung và vợ dính líu đến Nhật Cường ra sao?

Theo xác minh của cơ quan điều tra, hợp đồng giữa Công ty Nhật Cường với công ty của vợ ông Chung “có dấu hiệu ký khống”.

Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung giúp ông chủ Nhật Cường trúng thầu.

Bị can Bùi Quang Huy (ông chủ Nhật Cường) đã sử dụng chính hợp đồng này làm hồ sơ năng lực dự thầu, trúng thầu.

Bộ Công an kết luận gì về vụ ông Nguyễn Đức Chung giúp Nhật Cường trúng thầu?
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Kết luận điều tra đã được chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP. Hà Nội, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng bị truy tố với ông Chung còn có 4 cựu lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư cùng 2 giám đốc công ty.

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Bộ Công an đã đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Tứ (cựu Chánh văn phòng Thành ủy, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), ông Nguyễn Tiến Học (cựu phó giám đốc sở), bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng thuộc sở) và bà Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội).

Hai bị can còn lại là Võ Việt Hùng (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) và Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh) bị đề nghị truy tố do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Đức Chung làm ảnh hưởng uy tín cơ quan công quyền

Kết luận điều tra của cục C03 xác định, trong quá trình Sở Kế hoạch - đầu tư TP. Hà Nội tổ chức đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016.

Thông qua các mối quan hệ, bị can Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, đã nhờ vả và ông Chung đã chỉ đạo đình chỉ thầu không đúng thẩm quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa đối với gói thầu với động cơ cá nhân, giúp Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu, trúng thầu và hưởng lợi ích.

Kết luận điều tra nêu rõ, khi thực hiện hành vi trên, bị can Nguyễn Đức Chung biết, chấp nhận mọi hậu quả (vật chất và phi vật chất) xảy ra do sai phạm trong đấu thầu gây ra.

Hành vi của ông Chung và các bị cáo đã dẫn đến kết quả, mục đích gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được cập nhật lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) gây thiệt hại về tài sản nhà nước.

“Đồng thời, hành vi của ông Chung xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền và làm cho nhiều cán bộ chủ chốt cấp thành phố có hành vi sai phạm nghiêm trọng bị xử lý hình sự”, theo cáo buộc của cơ quan điều tra.

Ông Nguyễn Đức Chung ‘không thành khẩn’, đùn đẩy trách nhiệm

Đáng chú ý, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Chung thừa nhận gọi điện cho giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư để chỉ đạo đình chỉ thầu. Theo ông Chung, đây chỉ là quyết định cá nhân trong cương vị là Chủ tịch Hà Nội.

Lý do mà ông Chung đưa ra là do Sở Kế hoạch và Đầu tư không làm đúng các quy định và chỉ đạo của thành phố. Chỉ đạo đình chỉ thầu cũng là việc làm theo đúng thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố, các nhà thầu không có khiếu kiện.

‘Giơ cao đánh khẽ’: Vì sao ông Nguyễn Đức Chung chỉ nhận mức án 5 năm tù?
Dù thừa nhận trong hộp thư của mình có mail gửi đến từ Bùi Quang Huy nhưng ông Chung cho biết bản thân ông không kiểm tra mail, không đọc mail của ông chủ Nhật Cường “do không có thời gian”.

Ông Chung cho hay, bản thân có quen Bùi Quang Huy từ năm 2015, 2016, khi còn làm ở Phòng cảnh sát hình sự và có nhờ Huy đến biếu quà cho một số cá nhân vào dịp Tết, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định chỉ đạo đình chỉ thầu là không phải theo đề nghị của Bùi Quang Huy.

Cục C03 kết luận, việc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu của bị can Nguyễn Đức Chung khi trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội là hành vi khởi đầu, là nguyên nhân xuyên suốt, trực tiếp dẫn đến các lãnh đạo, cán bộ thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội phải thực hiện các hành vi sai phạm trong quá trình tổ chức đấu thầu.

Đặc biệt, kết luận điều tra của C03 nêu rõ, trong quá trình điều tra vụ án, bị can Nguyễn Đức Chung khai báo “không thành khẩn, né tránh, không thừa nhận sai phạm của bản thân, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới”.

“Bị can chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. C03 đề nghị các cơ quan truy tố, xét xử xem xét đánh giá hành vi nêu trên của ông Chung để xử lý theo quy định”, C03 nêu rõ.
Vụ án ông Nguyễn Đức Chung và Nhật Cường: Có dấu hiệu ký khống?

Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Đức Chung đã để cho Công ty Minh Hoa do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) làm giám đốc, ký kết hợp đồng với Công ty Nhật Cường.

Hợp đồng trên đã được Liên doanh Nhật Cường - Đông Kinh sử dụng để hợp thức hóa hồ sơ năng lực để dự thầu và trúng gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016.

“Có cơ sở xác định rằng hợp đồng ký giữa công ty vợ ông Chung với Nhật Cường là hợp đồng khống”, kết luận điều tra khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Chung khai nhận rằng, việc công ty của vợ mình và Nhật Cường ký kết hợp đồng kinh tế và dùng chính hợp đồng này làm hồ sơ tham gia thầu, ông cũng chỉ mới biết sau khi vụ án được khởi tố.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa lại cho rằng đây không phải hợp đồng khống, mục đích ký hợp đồng là để mua phần mềm quản lý doanh nghiệp cho công ty, không phải để giúp Bùi Quang Huy hợp thức hồ sơ năng lực.

Vợ cựu Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh không biết việc Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và cho rằng việc ký hợp đồng không liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung.

Vụ Công ty Nhật Cường: Viện Kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm
Theo kết luận, tài liệu thu thập tại Công ty Minh Hoa, Cục Thuế Hà Nội, dữ liệu trích xuất từ hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường cùng lời khai của các bị can là nhân viên của Nhật Cường, cho thấy "hợp đồng ký giữa công ty với Nhật Cường có dấu hiệu là hợp đồng khống".

Qua điều tra, Công ty Minh Hoa có ký hợp đồng với Nhật Cường về việc triển khai phần mềm hoạch định tài nguyên doanh nghiệp ERP. Biên bản thanh lý hợp đồng và giải trình việc ký hợp đồng là có thật.

Hai bên đã nghiệm thu thanh toán bằng tiền mặt nhưng không cung cấp được chứng từ chuyển tiền.

Qua xác minh tại Cục Thuế Hà Nội, báo cáo tài chính các năm 2015, 2016, 2017 của Công ty Minh Hoa không thể hiện tài sản nào trị giá 40,8 tỷ. Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào không có khoản nào thể hiện việc mua phần mềm ERP.

Vì hiện nay bị can Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, chưa thu thập được lời khai nên chưa chứng minh, kết luận được ý thức chủ quan của bà Hoa trong việc ký hợp đồng là để giúp Huy hợp thức hồ sơ năng lực, tham gia đấu thầu.

Do vậy, cơ quan điều tra cho biết, hiện vẫn chưa đủ căn cứ xem xét, xử lý hình sự đối với hành vi của bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa.

Ông Nguyễn Đức Chung: Từ anh hùng lực lượng vũ trang đến trước vành móng ngựa

Ông Nguyễn Đức Chung (sinh 3 tháng 8, 1967 tại xã Yển Khê, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), là nguyên Thiếu tướng Công an Việt Nam, từng là Giám đốc Công an Hà Nội, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Đức Chung vốn được đánh giá “đầy triển vọng” nếu không có cú ‘ngã ngựa’ bất ngờ khi dính đến loạt vụ án hình sự, khởi nguồn từ chính công ty Nhật Cường của Bùi Quang Huy.

Đại án Nhật Cường: 14 bị cáo chia nhau hơn 90 năm tù
Như Sputnik đã thông tin, ông Nguyễn Đức Chung tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, có học vị Tiến sĩ Luật, đã trải qua hàng chục năm công tác tại Công an Hà Nội, trong đó kinh qua nhiều chức vụ từ lãnh đạo Đội Trọng án đến Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Phó giám đốc và Giám đốc Công an.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Chung còn được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang từ khi mới 37 tuổi. Năm 46 tuổi, ông Chung đã được phong hàm Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam.

Từ cuối năm 2015, Hội nghị lần thứ nhất, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Đến 4/12/ 2015, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bầu Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thay ông Nguyễn Thế Thảo.

Sau đó, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 2225/QĐ-TTg phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP Hà Nội (10/12/2015).

Đầu năm 2016, ông Chung trúng cử làm Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XII. Đến giữa năm 2016, HĐND TP Hà Nội khóa 15 họp kỳ thứ nhất bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021, Với hơn 96% phiếu đồng ý, Nguyễn Đức Chung tiếp tục giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội khoá mới.

Ngày 11/8/2020, ông Nguyễn Đức Chung bị Thủ tướng đình chỉ công tác chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để "xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án theo quy định của pháp luật".

Cùng ngày, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Ngày 28/8/2020, ông Chung bị bắt. Cựu Chủ tịch Hà Nội bị xác định dính đến ba vụ án hình sự. Vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước xảy ra tại Hà Nội với các bị can Nguyễn Anh Ngọc, sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Hoàng Trung, sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Phạm Quang Dũng, sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.

Vì sao phải ‘xử kín’ vụ ông Nguyễn Đức Chung?
Vụ án thứ hai là đại án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, Sở KH-ĐT Hà Nội cùng một số đơn vị liên quan.

Vụ án thứ ba là vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại thành phố Hà Nội.

Ông Chung bị Thủ tướng bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 do có hành vi vi phạm pháp luật ngày 29/9/2020.

Ngày 17/12/2020, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Đức Chung.

Trước đó, ngày 11/12, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo quy định tại Điều 337 – Bộ luật Hình sự năm 2015 trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” liên quan đến đại án Nhật Cường, vốn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo dưới sự giám sát và chỉ đạo chặt chẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thảo luận