Ngày 27/7, hàng loạt cơ quan ngôn luận lớn của Nhà nước Lào, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đồng loạt đăng tải các bài viết ca ngợi quan hệ tốt đẹp Việt – Lào, đồng thời nhắc lại những hy sinh lớn lao của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong công cuộc cách mạng, xây dựng đất nước của dân tộc Lào.
Lào không quên “máu xương” của quân tình nguyện Việt Nam
Theo đó, tờ Nhân dân Lào (Pasaxon), cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào-NDCM (chính đảng duy nhất ở Lào theo Hiến pháp) đăng tải bài biết mang tựa đề “Việt Nam – Lào cùng sánh bước bên nhau trên con đường phát triển – (ລາວ-ຫວຽດນາມ ກ້າວໄປພ້ອມກັນໃນເສັ້ນທາງພັດທະນາ bằng tiếng Lào).
Bài viết nhắc lại thực tế lịch sử rằng, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, uống chung dòng nước Mekong, tựa lưng cùng dãy Trường Sơn uy nghi, hùng vĩ.
“Quan hệ láng giềng – anh em Việt Nam được tạo dựng và phát triển suốt theo chiều dài lịch sử, trải qua sự chứng nghiệm của chiến tranh tàn khốc cũng như suốt quá trình phát triển, xây dựng đất nước”, tờ Nhân dân Lào nhấn mạnh.
Cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cũng nêu rõ, tình hữu nghị tuyệt vời, tình đoàn kết đặc biệt, sự thấu hiểu, chia sẻ và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng hơn, thiết thực hơn.
“Đây chính là động lực cho hai nước Việt – Lào cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, tiến về phía trước trên con đường xây dựng và phát triển của dân tộc mỗi nước”, tờ Pasaxon nhấn mạnh.
Các lãnh tụ vĩ đại kính yêu của cả hai nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane là những người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, đã tổng kết quan hệ hợp tác hai nước bằng những ngôn từ không gì có thể lay chuyển được.
“Việt – Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” (Chủ tịch Hồ Chí Minh) - “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông (Chủ tịch Kaysone Phomvihane).
Tình đồng chí, tình bạn, tình hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa lào và Việt Nam được khẳng định trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Theo tờ báo Nhân dân Lào, chính cuộc cách mạng và nhân dân hai nước cùng nhau bảo vệ Tổ quốc bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương, ngày nay đã phát triển vượt bậc, trở thành tình anh em son sắt thủy chung, trong sáng và “hiếm có trên thế giới”, đồng thời là tài sản quý báu của hai dân tộc.
“Trong chiến tranh, Quân đội và nhân dân Lào - Việt Nam luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, với tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” chống kẻ thù chung. Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam là biểu tượng cho ý chí và quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý”, tờ Pasaxon nhấn mạnh.
Bài viết cũng nêu rõ, việc phát huy sức mạnh vĩ đại, tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn, Quân đội và nhân dân hai nước đã cùng nhau giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
“Rất nhiều quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trên mảnh đất Lào để đem lại cuộc sống bình yên, tự do cho nhân dân hai nước Lào – Việt Nam”, cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khẳng định.
Việt Nam vẫn luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho Lào
Pasaxon cũng nhắc lại rằng, khi hòa bình được lặp lại, dưới sự dẫn dắt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị, tình toàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào – Việt Nam ngày càng được thắt chặt.
Ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đến 18/7/1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, đây không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng, mà còn là cơ sở pháp lý cho quá trình tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục, khoa học và công nghệ, đặc biệt quan hệ hợp tác toàn diện, giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt ngày càng đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả hơn.
Trong 59 năm qua, quan hệ chính trị cũng như quan hệ ngoại giao giữa Lào và Việt Nam không ngừng được cải thiện. Hợp tác kinh tế là một trụ cột quan trọng của quan hệ Lào - Việt Nam, bởi hai nước có cùng chung kỳ vọng và mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, nâng cao đời sống của nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về đầu tư và là đối tác thương mại lớn của Lào, trong đó có nhiều dự án được phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Theo đó, hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các hiệp định biên giới đã ký, bảo vệ và giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm ở khu vực biên giới, phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, thúc đẩy ký kết các hiệp định quốc phòng và an ninh liên quan.
Về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ tiếp tục đạt kết quả tích cực. Sự hợp tác, trao đổi bài học kinh nghiệm giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương ngày càng trở nên quan trọng, thực chất hơn về chất lượng và hiệu quả.
Cùng với đó, hai nước cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân Lào và Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập theo pháp luật của mỗi nước.
Về hợp tác đa phương, kể từ khi gia nhập ASEAN, Lào và Việt Nam không ngừng phối hợp, trao đổi thông tin trước khi triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN về một số vấn đề thảo luận trong khuôn khổ ASEAN và các vấn đề song phương cũng như ở tầm đa phương.
Báo chí Lào khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hàng năm luôn cung cấp cho CHDCND Lào những thông tin có giá trị, kịp thời, hiệu quả, hỗ trợ công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai ở Lào, đặc biệt là ứng phó với sự cố bùng phát đại dịch Covid-19.
Vừa qua, Việt Nam là nước đầu tiên cử chuyên gia y tế và trang thiết bị y tế sang Lào. Đây là minh chứng rõ nhất cho sự hỗ trợ tuyệt vời của Hà Nội với cam kết “luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho Lào anh em”.
Nhận thức được tính chất đặc biệt của quan hệ hợp tác Lào - Việt đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước, lãnh đạo cấp cao hai nước luôn trực tiếp, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, viễn thông, khai thác khoáng sản, năng lượng, công nghiệp, cùng với đó là giải quyết và khắc phục những khó khăn tồn tại, để hợp tác song phương đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, phù hợp với vị thế của hai nước.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Thongloun Sisoulit sau khi tái đắc cử vị trí lãnh đạo đát nước, được bầu làm Tổng Thư ký, Chủ tịch nước CHDCND Lào.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; tiếp Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Lào bày tỏ coi trọng và tiếp tục tăng cường hợp tác, về mọi mặt, tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh, tình đoàn kết, tin cậy giữa hai dân tộc, tăng cường hợp tác, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, tăng cường hợp tác trong trên tất cả các phương diện nhằm sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Đồng thời, chuyến thăm chính thức Việt Nam của đồng chí Thongloun Sisoulit một lần nữa khẳng định mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Lào - Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của mỗi nước, cả trong cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng và phát triển, đưa cả Lào và Việt Nam tiến lên trên cùng một con đường phát triển, theo báo Nhân dân Lào.
Liên minh chiến đấu Việt – Lào: Biểu tượng vĩ đại
Ngày 26/7, tờ Pathetla (Đất nước Lào) của Thông tấn xã Lào (KPL), có bài viết “Liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam là biểu tượng quan hệ hữu nghị vĩ đại”.
Bài báo nhấn mạnh, với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975).
“Việt Nam không chỉ giúp Quân đội và nhân dân Lào xây dựng cơ sở chính trị, củng cố lực lượng vũ trang, mà chuyên gia, quân tình nguyện của Việt Nam còn góp phần giúp Lào phát triển phong trào chiến tranh nhân dân đáp ứng nhu cầu kháng chiến, huấn luyện lực lượng vũ trang, tăng cường công tác chính trị xây dựng Đảng”, Thông tấn xã Lào nêu rõ.
“Thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả trên các mặt trận Lào, nhiều cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã chịu đựng vô vàn khó khăn, gian khổ, anh dũng hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, lập nhiều chiến công hiển hách trên mặt trận Lào”, KPL khẳng định.
Báo chí Lào cũng nhắc lại rằng, trong giai đoạn khó khăn, chuyên gia Việt Nam và quân tình nguyện đã nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng hy sinh, thực hiện “ba cùng với dân, kiên trì bám trụ, xây dựng cơ sở cách mạng”.
Với sự giúp đỡ tích cực của các đoàn Quân tình nguyện và sự nỗ lực to lớn của Quân đội, nhân dân Lào, vào thời điểm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ sở cách mạng và căn cứ kháng chiến, vùng giải phóng của Lào được mở rộng, trong đó có nhiều khu căn cứ kháng chiến Lào đã nối liền nhau, mở thông với các vùng căn cứ ở Tây Bắc, các vùng hậu phương của Liên khu 4, 5 (của Việt Nam).
Tiếp đó, suốt từ những năm 1945-1975, quân đội Việt Nam cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào đã kề vai chiến đấu, từng bước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đặc biệt, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam đã cùng quân và dân nước bạn chiến đấu bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược- Đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn.
Ngoài ra, phía Việt Nam còn giúp xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp với các hướng chiến trường khác, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Đến năm 1951, đoàn quân tình nguyện 80 đã cùng với một số đơn vị quân đội Lào Itxala tổ chức liên tục các trận phục kích địch, đồng thời phối hợp với các đơn vị quân chủ lực Việt Nam sang mở những chiến dịch lớn, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn bình định của địch, âm mưu chia rẽ tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam vốn không gì phân tách được.
“Đảng, Nhà nước Lào đã ghi nhận những công lao to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, bằng việc trao tặng nhiều phần thường cao quý như huân, huy chương cho các tập thể, cá nhân là quân tình nguyên và chuyên gia Việt Nam”, hãng thông tấn Lào nhấn mạnh.
Một tin rất vui khác, theo Thương vụ Việt Nam tại Lào, trong 6 tháng đầu năm nay, bất kể ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt – Lào tiếp tục tăng 36,5% so với cùng kỳ, đạt trên 671 triệu USD.
Các mặt hàng chủ lực Việt Nam xuất sang Lào là phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt gần 5 triệu USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (đạt gần 5 triệu USD), xăng dầu (đạt hơn 1,5 triệu USD), hàng dệt may (kim ngạch đạt trên 1 triệu USD)…
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Lào gồm gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 7,3 triệu USD, quặng và khoáng sản đạt gần 5,8 triệu USD, cao su đạt hơn 12,3 triệu USD.