Grab dừng mọi dịch vụ ở Hà Nội, Bộ Công Thương đề xuất xử lý 'tồn đọng hàng hoá'

HÀ NỘI (Sputnik) - Từ 22h hôm nay (27/7), Grab dừng thêm dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ tại Hà Nội. Trong khi đó, Bộ Công Thương gửi đề xuất lên Thủ tướng về gỡ khó việc lưu thông hàng hoá thiết yếu, mà mỗi địa phương lại có cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Sputnik

Thay bằng shipper hãng xe công nghệ bằng shipper thương mại điện tử

Sau khi dừng các dịch vụ vận chuyển (GrabBike, GrabCar, GrabTaxi) và dịch vụ giao nhận thức ăn (GrabFood) tại Hà Nội từ 6h ngày 24/7, Grab sẽ tiếp tục tạm tắt dịch vụ GrabExpress và GrabMart từ 22h tối nay (27/07).

Doanh nghiệp này cho biết việc làm này có thể gây ra một số bất tiện cho người dùng và đối tác ở thời điểm hiện tại nhưng vẫn sẵn sàng ưu tiên chống dịch Covid-19 trên hết, đại diện Grab cho hay:

"Tuy nhiên, với tinh thần tuân thủ và nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi hy vọng nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của người dùng và đối tác tại Hà Nội".
Grab dừng mọi dịch vụ ở Hà Nội, Bộ Công Thương đề xuất xử lý 'tồn đọng hàng hoá'

Ngoài Grab, ứng dụng Be, Gojek cũng đang dừng cung cấp tất cả dịch vụ tại thủ đô.

Về phía Sở Giao thông Vận tải cho biết, tính đến chiều 27/7, gần 700 tài xế vận chuyển hàng hoá bằng xe 2 bánh đã được xác nhận hoạt động theo đề xuất của Sở Công Thương. Trong đó, doanh nghiệp có số shipper được xem xét cấp thẻ vận chuyển nhiều nhất là Công ty TNHH Bán lẻ BRG với 182 người; ít nhất là Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, 1 người.

Nghĩa là thay vì sử dụng các shipper là tài xế của các hãng công nghệ như Grab, Be, Gojek, các cơ quan quản lý đã cấp phép cho 6.000 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hoá cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định:

"Các doanh nghiệp thương mại điện tử được phép hoạt động thì được cấp phép".

Đây là sự phối hợp giữa Công Thương và Sở Giao thông Vận tải để thống nhất về đối tượng thuộc vận chuyển hàng hóa. Cụ thể đó là những nhân viên shipper của hệ thống siêu thị, hệ thống logistics của sàn thương mại điện tử để tham gia vận chuyển trên địa bàn.

Bùng nổ mua sắm trực tuyến trên Tiki, Shopee, Lazada khi TP. HCM giãn cách xã hội

Phía GHN Express cũng cho biết toàn bộ tài xế của hãng đăng ký đã được thông qua, còn ứng dụng Ahamove cũng đã gửi danh sách và đang chờ kết quả. Sàn thương mại điện tử Shopee thông tin vẫn đang làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng để có phương án hoạt động theo hướng đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, đồng thời đáp ứng được nhu cầu giao nhận hàng thiết yếu. Đại diện Shopee nói:

"Việc kiểm tra, kiểm soát tài xế giao hàng nhằm tuân thủ các quy định phòng chống dịch là hết sức cần thiết. Trong giai đoạn này, chúng tôi cũng đang đề xuất hướng đến việc kiểm tra nhân viên giao hàng thông qua mã QR hoặc thẻ điện tử định danh nhân viên giao hàng".

Bộ Công Thương đề xuất cho hàng hoá lưu thông bình thường

Đây là đề xuất được cơ quan này gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 27/7 về gỡ khó lưu thông hàng hoá thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Bộ Công Thương, Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng trên thực tế triển khai, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau. Chính vì thế, đã xảy ra tình trạng một số hàng hoá là nguyên liệu đầu vào sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống người dân nhưng không được lưu thông tại một địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Để xử lý vấn đề cũng như thống nhất về cách hiểu và áp dụng giữa các địa phương, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông tất cả hàng hoá như trong điều kiện bình thường nếu bảo đảm phòng, chống Covid-19, trừ những hàng hoá cấm kinh doanh hoặc hàng hoá hạn chế kinh doanh theo quy định.

Thủ tướng: "Các địa phương không tự đặt ra quy định về hàng hóa thiết yếu"

Nghĩa là, thay vì quy định danh mục hàng hoá thiết yếu, Chính phủ nên ban hành danh mục hàng hoá cấm lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, chỉ được vận chuyển những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh khi được Thủ tướng cho phép.

Bởi trên thực tế, danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh thực tế đã được Bộ Công Thương ban hành từ năm 2014, hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh có điều kiện.

Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố rà soát, tham mưu Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cho phép lưu thông hàng hoá khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong đó tập trung làm rõ danh mục hàng thực phẩm có mặt hàng đồ uống, sữa vừa qua bị nhiều địa phương theo cách hiểu khác nhau nên xe chở sữa, đồ uống cũng bị yêu cầu quay đầu do không phải hàng hoá thiết yếu.

Văn phòng Chính phủ cũng vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính triển khai thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, Thủ tướng cũng đề cập đến việc một số tỉnh, thành đã gây ra việc xảy ra ách tắc cục bộ trong vận tải, lưu thông hàng hóa trong khi thực hiện Chỉ thị 16.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện để các tỉnh, thành phố ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Thảo luận