Việt Nam đã có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine
Sáng 28/7, Bộ Y tế cho hay tính từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7, Việt Nam có 2.858 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, 403 ca trong số này được phát hiện tại cộng đồng và 17 tỉnh, thành có bệnh nhân Covid-19 mới.
Những bệnh nhân này được phát hiện tại TP.HCM (2.115), Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa - Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1). 403 ca trong số này được phát hiện tại cộng đồng.
Hà Nội có số ca mắc được công bố trong sáng nay khá cao (69 người), tăng 46 trường hợp so với tổng số được công bố trong hôm qua (23). Theo thống kêu của Sở Y tế Hà Nội, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có hơn 600 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Đặc biệt, ổ dịch liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội đang được đánh giá phức tạp.
Như vậy, hiện, Việt Nam có 117.121 ca mắc, trong đó, 2.206 bệnh nhân nhập cảnh và 114.915 trường hợp trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345. Trong số này, 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.
Chiều 27/7, tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết Việt Nam có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan vaccine Covid-19 với Nga, Mỹ, Nhật Bản đã được ký kết.
Vabiotech cùng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19.
Công nghệ vaccine được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System), tức sản xuất vaccine tái tổ hợp. Các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vaccine và công nghệ. Việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.
Thủ tướng: 'Có thể áp dụng biện pháp cao hơn so với Chỉ thị 16'
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến ngày 23/7 triển khai thực hiện Điện của Thường trực Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng đánh giá TP.HCM và nhiều tỉnh, thành đã thực hiện Chỉ thị 16 và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng biện pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn theo nguyên tắc:
“Tình hình mới phải có cách tiếp cận mới và giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”.
Đặc biệt, có thể áp dụng các biện pháp với mức yêu cầu cao hơn (theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan) so với Chỉ thị 16 nhằm hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa người với người để nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thủ tướng quán triệt bên cạnh vận động người dân nâng cao ý thức, cần xử phạt nghiêm những cá nhân, tập thể không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các quy định đặt ra.
Tuy nhiên, một số nơi làm chưa nghiêm, thiếu sự kiểm tra, giám sát; một bộ phận người dân chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc việc giãn cách xã hội, nhất là yêu cầu giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường, vẫn còn tình trạng tập trung đông người hay có hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu:
“Các địa phương không tự đặt ra quy định, thủ tục như quy định về loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không thiết yếu trái với quy định chung, nhất là của pháp luật”.
Với các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt, phải quán triệt phương châm “rõ, nghiêm, chắc, hiệu quả”.
Bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn một cách quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả. Thủ tướng lưu ý:
“Trong thời gian này tập trung ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch, nhất là những nơi có ổ dịch, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng người dân”.