Quốc hội Việt Nam cho phép ông Phạm Minh Chính ‘quyết định giải pháp cấp bách’

Quyết hội Việt Nam vừa ‘tạo điều kiện’, ‘thêm quyền’ cho Chính phủ, trong đó, cho phép Thủ tướng Phạm Minh Chính có quyền quyết định giải pháp cấp bách chống dịch Covid-19.
Sputnik

Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính được quyết định nhưng cũng phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các giải pháp cấp bách trong công tác phòng chống dịch Covid-19 như yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, hạn chế phương tiện di chuyển…

Quốc hội cho phép Thủ tướng quyền quyết định giải pháp cấp bách

Bên cạnh công tác nhân sự với bộ máy Chính phủ mới được kiện toàn đầy đủ, Quốc hội khóa XV của Việt Nam dành thêm thời gian thảo luận vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay của đất nước – cuộc chiến chống Covid-19.

Ngày 28/7, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất với 469/469 ĐBQH có mặt tán thành (93,99% tổng số đại biểu).

Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong tình hình hiện nay.

Quốc hội Việt Nam cho phép Thủ tướng quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết (có nguy cơ lây nhiễm cao/ tâm dịch – PV). Cùng với đó là tổ chức các lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch.

Quốc hội Việt Nam cho phép ông Phạm Minh Chính ‘quyết định giải pháp cấp bách’

Quốc hội cũng cho phép Thủ tướng được quyết định biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Đáng chú ý, Nghị quyết cũng cho hay, “các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành cũng được giao cho Chính phủ, Thủ tướng linh hoạt áp dụng để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Việt Nam tất thắng và ưu tiên ‘số một’ của Chính phủ ông Phạm Minh Chính hiện nay
Chẳng hạn như việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế hay việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh.

“Thêm quyền cho Chính phủ và Thủ tướng”, nhưng Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế lãng phí trong hoạt động liên quan.

Quốc hội cho phép Chính phủ ưu tiên sử dụng Ngân sách Nhà nước và “huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác” cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Quốc hội cũng cho phép Thủ tướng quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 hay thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước với nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19”, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật, Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện, trong thời gian Quốc hội không họp.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nhấn mạnh, 1.237 tỷ đồng kinh phí chi cho sự nghiệp y tế còn lại năm ngoái (2020) của Bộ Y tế được chuyển nguồn dùng vào việc mua vaccine Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách Nhà nước năm 2021 này.

Tăng phân cấp cho địa phương

Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tăng cường phân cấp cho địa phương nhằm đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch.

Thủ tướng: "Các địa phương không tự đặt ra quy định về hàng hóa thiết yếu"

Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh, trong khi thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch.

“Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022)”, Nghị quyết nhấn mạnh.

Quốc hội cũng nêu rõ, ngoài thực hiện các giải pháp chống Covid-19, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có nhiệm vụ phải đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân.

Chính phủ cần có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, nghiên cứu miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quốc hội Việt Nam cho phép ông Phạm Minh Chính ‘quyết định giải pháp cấp bách’

Cùng với đó, Chính phủ cần thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19, đồng thời, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vaccine” cho đất nước.

Các Bộ, ngành bớt hội họp, hội nghị, đi công tác

Đáng chú ý, trong Nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội yêu cầu cắt giảm đi một nửa kinh phí hội nghị, đi công tác của các Bộ, Ngành.

Theo đó, Quốc hội Việt Nam đánh giá, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, các biến chủng mới như Delta…còn có khả năng tiếp tục xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng ca mắc bệnh, ca tử vong tăng nhanh, nguồn cung vaccine trên thế giới còn hạn chế và khó tiếp cận, thuốc điều trị Covid-19 đặc hiệu hiện chưa có.

Quốc hội hiểu rằng, đây chính là những thách thức, khó khăn đối với nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP kinh tế Việt Nam 6,5-7% 5 năm, có khả thi?

Bối cảnh đặc biệt này đặt ra cho Chính phủ, Thủ tướng nhiệm vụ phải chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với đó, Quốc hội yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, ngành, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.

Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng yêu cầu thu hồi các khoản chi thường xuyên “chưa thực sự cần thiết”, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Đặc biệt, Quốc hội cũng thể hiện sự tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã thực hiện trong thời gian qua với mục đích tối thượng là ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới” nhanh nhất.

Quốc hội ‘chốt’ Bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Cũng trong chiều 28/7, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng, thành viên khác trong Chính phủ.

Theo đó, có 26 thành viên Chính phủ vừa được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo kiện toàn bộ máy Chính phủ khóa mới với 27 thành viên của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong đó, số lượng Phó Thủ tướng là 4 người, có 22 Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Kết quả, có 479/479 đại biểu biểu quyết tán thành đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng.

Có 476/476 đại biểu tán thành Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ.

Quốc hội Việt Nam cho phép ông Phạm Minh Chính ‘quyết định giải pháp cấp bách’

Trước khi tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội nghe Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ cũng như nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ.

Quốc hội sau đó thông qua hai Nghị quyết cho thấy, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 4 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng, Trưởng ngành nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026. Cụ thể, 4 nhân sự được phê chuẩn bổ nhiệm vị trí Phó Thủ tướng là các ông: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính "nhắc nhở" Bộ xây dựng những gì?

Qua đây có thể thấy, cơ cấu lượng thành viên Chính phủ khóa XV bằng khóa XIV, nhưng giảm đi 1 Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực nội chính, đồng thời 1 Phó Thủ tướng nữa không kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (đồng chí Phạm Bình Minh).

Có 2 người là Ủy viên Bộ Chính trị (Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh), một Bí thư Trung ương Đảng (Lê Minh Khái). Hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đã giữ cương vị từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV, nay tiếp tục tái cử.

Các nhân sự được phê chuẩn bổ nhiệm các vị trí Bộ trưởng gồm Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Hồ Đức Phớc-Bộ trưởng Bộ Tài Chính, ông Nguyễn Hồng Diên-Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đào Ngọc Dung -Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Quốc hội Việt Nam cho phép ông Phạm Minh Chính ‘quyết định giải pháp cấp bách’

Cần nhắc lại rằng, trong số các thành viên Chính phủ Việt Nam hiện tại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là tư lệnh ngành trẻ nhất (45 tuổi).

Bốn nhân sự được phê chuẩn bổ nhiệm Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ gồm ông Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ông Đoàn Hồng Phong - Tổng thanh tra Chính phủ.

Thảo luận