Biển Đông

Mỹ sẽ giúp Việt Nam tăng sức mạnh phòng thủ ở Biển Đông

Hoa Kỳ sẽ giúp Quân đội, đặc biệt là Hải quân và lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam tăng năng lực phòng thủ ở Biển Đông và các khu vực tranh chấp.
Sputnik

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự và âm mưu bành trướng, Mỹ cam kết giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng quân sự.

Theo Đô đốc Karl L. Schultz, tư lệnh Tuần duyên Mỹ, Hà Nội là đối tác đặc biệt quan trọng của Washington ở khu vực ASEAN, châu Á – Thái Bình Dương. Cùng với việc Hoa Kỳ chuyển giao các tàu tuần tra cho Cảnh sát Biển Việt Nam, Mỹ cam kết giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải.

Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và ông chủ Lầu Năm Góc Lloyd Austin (tướng bốn sao của Quân đội Mỹ), hai bên tiếp tục nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự quốc phòng, Washington coi trọng vị thế của Hà Nội trong chiến lược tự do và mở rộng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mỹ cam kết giúp Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải

Đô đốc Karl L. Schultz, tư lệnh Tuần duyên Mỹ, đã có cuộc họp báo ngắn với truyền thông châu Á sáng 29/7.

Đô đốc Karl L. Schultz khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trong cả chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do cởi mở, đồng thời hy vọng các tàu tuần tra được Mỹ chuyển giao (cho Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam) sẽ góp phần thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong khu vực cũng như nâng cao năng lực hàng hải cho Hà Nội.

Mỹ chuẩn bị chuyển giao tàu tuần tra cho Việt Nam?
Trả lời câu hỏi về hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam, đô đốc Schultz cho biết Việt Nam đang tăng cường xây dựng năng lực của Cảnh sát Biển và Mỹ cam kết giúp củng cố quá trình này.

Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ chỉ ra việc Mỹ đã chuyển giao các tàu tuần duyên loại biên cho Việt Nam, cử sĩ quan tuần duyên giữ vai trò như liên lạc viên, tăng cường mối liên hệ về hợp tác quân sự quốc phòng song phương.

Theo Đô đốc Karl L. Schultz, các quan chức Việt Nam mà ông từng tiếp xúc đều khẳng định sẽ vận hành các tàu tuần tra với mục đích hòa bình, chống lại những hành vi xâm phạm an ninh, chủ quyền quốc gia, đi ngược lợi ích quốc tế và khu vực.

“Tôi tin đó là một điều tốt, Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực”, Đô đốc Schultz khẳng định.

Thông tin về khả năng tuần duyên Mỹ tham gia các chiến dịch “đảm bảo tự do hàng hải” trên Biển Đông, Đô đốc Schultz cho biết các tàu của lực lượng tuần duyên Mỹ được cử đến Tây Thái Bình Dương sẽ do Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ quản lý.

“Lực lượng Tuần duyên Mỹ đóng vai trò hỗ trợ nguồn lực và nhân lực, việc triển khai như thế nào sẽ do Hải quân quyết định. Nhưng nếu bạn hỏi tôi khả năng tuần duyên tham gia các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải hay không, tôi tin điều này là hoàn toàn có thể”, Đô đốc Schultz khẳng định khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ.

Tàu tuần tra lớp Hamilton Mỹ bàn giao cho Việt Nam về nước

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, lực lượng Tuần duyên Mỹ đã chuyển giao các tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam và Philippines, xem đây là một phần trong các nỗ lực tăng cường năng lực hàng hải cho các nước Đông Nam Á.

Hồi đầu tháng 7 này, tàu tuần duyên USCGC John Midgett (WHEC 726) – tức tàu Cảnh sát Biển 8021 (CSB 8021) được Tuần duyên Mỹ chuyển giao cho Việt Nam đã về nước.

Mỹ sẽ giúp Việt Nam tăng sức mạnh phòng thủ ở Biển Đông

Sau khi Tuần duyên Mỹ loại biên, con tàu đã được hoán cải sơn mới và biên chế cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, số hiệu 8021.

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng xác nhận con tàu John Midgett đã về đến Việt Nam vào đầu tháng 7.

“Chính phủ Mỹ đã tặng con tàu này (USCGC John Midgett - WHEC 726) nhằm minh chứng cho sự hợp tác an ninh hàng hải chặt chẽ giữa hai nước và giúp đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh trên Facebook về việc tàu thứ hai lớp Hamilton hôm 23/7.

Tàu USCGC John Midgett có thông số cơ bản như chiều dài 115 m, rộng 13 m, có lượng giãn nước 3.050 tấn, được trang bị hai động cơ diesel và hai động cơ turbine khí, cho phép đạt tốc độ tối đa 54 km/h. Tàu có thể làm nhiệm vụ 45 ngày liên tục trên biển với tầm hoạt động 20.000 km.

Việt Nam muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ
Trong quá trình hoạt động, USCGC John Midgett trải qua đợt nâng cấp toàn diện hồi năm 1991, được nâng cấp vũ khí, bộ cảm biến, bổ sung nhà chứa trực thăng, đại tu động cơ và cải thiện không gian sinh hoạt của thủy thủ đoàn. Tàu có sức chứa lớn, có thể mang theo 24 sĩ quan và 160 thủy thủ.

Đáng chú ý, phần lớn radar và vũ khí của tàu đã được tháo bỏ trước khi chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam, tàu chỉ được giữ lại pháo Otobreda cỡ 76 mm trước mũi.

“Hành trình từ Seattle với chặng dừng tại Hawaii và Guam đánh đấu hải trình dài nhất mà tàu quân sự Việt Nam từng thực hiện. Chúc mừng các thủy thủ Cảnh sát biển Việt Nam đã lập dấu mốc lịch sử”, Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh.

Như chúng tôi đã thông tin, đây là tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai được Mỹ chuyển cho Việt Nam theo các thỏa thuận về hợp tác an ninh quốc phòng quân sự giữa Hà Nội và Washington.

Tuần duyên Mỹ năm 2017 bàn giao tàu tuần tra tải trọng cao USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).

Trước khi bàn giao USCGC Morgenthau, Mỹ đã huấn luyện cho các sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam tại Hawaii để sử dụng con tàu. Tàu USCGC Morgenthau sau đó được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam và đổi tên thành CSB 8020.

Mỹ - Việt nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng

Như chính quyền Washington nhiều lần tuyên bố về quyết tâm đảm bảo khu vực châu Á- Thái Bình Dương tự do cởi mở, nhất là tránh các động thái gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ gần đây tăng cường hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là về an ninh hàng hải.

Với mong muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra trên biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh hàng hải, Mỹ đã cung cấp nhiều phương tiện, tàu bè cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Ngoài các tàu tuần tra lớp Hamilton, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam các xuồng tuần tra Metal Shark, củng cố nền tảng hợp tác sâu sắc giữa hai nước trong thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu nạn trên biển trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).

Trong cuộc gặp sáng nay giữa Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và lãnh đạo Lầu Năm Góc Lloyd Austin, hai bên thống nhất tiếp tục thực hiện các nội dung trong Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký năm 2015.

Mỹ sẽ giúp Việt Nam tăng sức mạnh phòng thủ ở Biển Đông

Trong đó, việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, hợp tác quân y phòng chống Covid-19, đào tạo, cũng như tìm hiểu khả năng, nhu cầu mỗi bên trong hợp tác về công nghiệp quốc phòng sẽ được ưu tiên.

Phía Hoa Kỳ nhất trí tập trung thúc đẩy Dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai đúng tiến độ, thúc đẩy các dự án nhân đạo khác tại Việt Nam, cũng như hợp tác quân y phòng chống Covid-19 và các gói hỗ trợ về thực thi pháp luật trên biển cho Việt Nam.

Việt Nam - Hoa Kỳ, nội dung Bản ghi nhớ về Quốc phòng, dự án tẩy độc dioxin và ASEAN
Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, người đứng đầu hai Bộ Quốc phòng cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự và tự do hàng không, hàng hải tại các vùng biển và đại dương theo quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Điểm quan trọng nhất trong cuộc gặp giữa lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng Việt – Mỹ chính là tái khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội Việt – Mỹ.

Việt Nam và Hoa Kỳ cũng nỗ lực triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã ký giữa hai Bộ Quốc phòng và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần vào khuôn khổ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Cần nhấn mạnh, đây là chuyến thăm Việt Nam và Đông Nam Á đầu tiên của một trong số các nhân vật hàng đầu trong nội các của chính quyền Tổng thống Biden – tướng Austin.

Chuyến thăm khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam và ASEAN trong chính sách đối ngoại, an ninh quốc phòng của chính quyền Tổng thống Biden – Harris trong bối cảnh biến động chính trị khu vực ngày càng phức tạp với khí thế đang lên của Trung Quốc.

Đến nay, theo giới quan sát, Mỹ luôn coi Việt Nam là ‘đối tác chiến lược’ đặc biệt về an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thừa nhận vị thế quan trọng của Việt Nam trong toàn bộ chính sách về một khu vực tự do cởi mở mà Washington luôn theo đuổi.

Thảo luận