Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc trong khu vực

Truyền thông Ấn Độ đánh giá, Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc trong khu vực, nhất là về kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ.
Sputnik
Cũng theo nhật báo về kinh tế hàng đầu của Ấn Độ - Economic Times, xu hướng chuyển dịch dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc mang lợi cơ hội tuyệt vời cho các nước đang phát triển và hội nhập sâu như Việt Nam.
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh tế, diễn biến thị trường 7 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao.

Báo Ấn Độ: Việt Nam nổi lên như một cường quốc kinh tế trong khu vực

Báo chí Ấn Độ dành những lời khen ngợi đặc biệt cho Việt Nam – quốc gia đang nổi lên như một cường quốc trong khu vực – hay như cách mà người ta thường so sánh hình tượng, Hà Nội đang vươn mình hướng đến trở thành “con hổ mới ở châu Á” về tăng trưởng kinh tế.
Tờ Economic Times cũng đồng thời khẳng định, Ấn Độ và Việt Nam là những đối tác thương mại toàn cầu do các sáng kiến chính sách và tốc độ gia tăng trong thương mại, đầu tư.
Trước đó, các chuyên gia của thời báo kinh tế Ấn Độ hàng đầu này cũng nhận định rằng, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội tuyệt vời khi chuỗi cung ứng chuyển dịch toàn cầu được đẩy mạnh ra khỏi lãnh địa Trung Quốc.
Hôm 30/7, tờ báo tiếng Anh hàng đầu ở Ấn Độ - Economic Times vừa có bài viết ca ngợi Việt Nam và Ấn Độ đang nổi lên như những cường quốc kinh tế trong khu vực, đồng thời là hai trong số các quốc gia có thể tạo ra sự đột phá lớn trong cú sốc mang tên Covid-19.
Tờ Economic Times dẫn phát biểu của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ông Pranay Verma phát biểu tại hội thảo trực tuyến do Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (PHDCCI) tổ chức về Cơ hội đầu tư và thương mại toàn cầu cho ngành công nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam đã đưa ra nhận định trên.
Theo Đại sứ Pranay Verma, Việt Nam và Ấn Độ đang nổi lên như những cường quốc kinh tế trong khu vực sẽ tạo ra sự khác biệt trong thời hậu đại dịch Covid-19.
“Việt Nam và Ấn Độ nổi lên như những đối tác thương mại toàn cầu do các sáng kiến chính sách và sự gia tăng trong thương mại và đầu tư hiện nay”, tờ Economic Times nêu rõ.
Tờ báo Ấn Độ trong các bài phân tích trước đó, Economic Times cũng dẫn báo cáo quý 2 của Công ty cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và chuỗi cung ứng QIMA cho thấy, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên là các nguồn cung ứng thay thế bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Theo đó, chính chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 như cú sốc giáng đòn vào tất cả các lĩnh vực đời sống – kinh tế - thương mại – đầu tư – càng đẩy mạnh nhu cầu thoát khỏi thị trường truyền thống Trung Quốc nhằm tránh sự phụ thuộc vào quốc gia này cũng như những hệ lụy không mong muốn.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giao thương quốc tế cũng đòi hỏi có những điều chỉnh nhất định về các “mắt xích” thiết yếu trong chuỗi cung ứng.
Nếu trước đó, các chuỗi cung ứng hướng đến mục tiêu tối thượng là lợi nhuận – chi phí thấp trong quy trình sản xuất, tạo sản phẩm, vận chuyển, bán ra thị trường, thì sau cú sốc Covid-19, chuỗi cung ứng được nhận thức lại với vai trò của tính ổn định, giảm nguy cơ bị gián đoạn.
Thời báo kinh tế của Ấn Độ cho rằng, đối với Trung Quốc, có hai thách thức lớn là khắc phục tình trạng dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19 và đảm bảo rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ không làm tăng tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng này.
Việt Nam thua Ấn Độ trong cuộc đua tìm cứ điểm sản xuất mới của Apple
Ngoài ra, đại dịch do coronavirus gây nên gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp Trung Quốc thời gian qua. Việc đa dạng hóa nguồn cung là một cách để tăng cường khả năng phục hồi, có nghĩa là ít nhất một số dây chuyền sản xuất có thể phải chuyển vĩnh viễn đi nơi khác để tránh “bỏ tất cả trứng vào một rổ”.
Do đó, xu hướng chuyển dịch dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc mang lợi cơ hội cho các nước như Việt Nam và Ấn Độ hay Indonesia.
Tờ báo Ấn Độ đánh giá rất cao những cải cách mà Việt Nam đã làm, với chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cởi mở, đặc biệt cho phép người nước ngoài sở hữu tài sản cũng như cổ phần đa số trong các công ty ở Việt Nam, gây dựng lòng tin ở các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia.
Khảo sát mà QIMA tiến hành về nguồn cung ứng toàn cầu cũng cho thấy kết quả hết sức tích cực về niềm tin của giới đầu tư với Việt Nam cho thấy 43% số người được hỏi ở Mỹ đánh gia Việt Nam “an toàn”, “hấp dẫn”, và nằm trong số ba khu vực địa lý mua hàng hàng đầu vào đầu năm 2021 và khoảng 1/3 số người mua trên toàn cầu.

Tăng hợp tác kinh doanh và thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Nhấn mạnh tầm quan trọng và ca ngợi những nỗ lực lớn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ trong việc thúc đẩy quan hệ kinh doanh và thương mại của Ấn Độ với các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Đại sứ Verma đồng thời cũng nêu ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt ở thời điểm hiện tại.
Theo ông Verma, những thách thức ấy liên quan đến sự gián đoạn trong sản xuất, chuỗi cung ứng, hậu cần và nhiều vấn đề khác đồng thời nảy sinh cùng loạt cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghệ, thực tiễn kinh doanh, quan hệ thương mại, đa dạng hóa đối tác nhờ vào hiệp định song phương đa phương đã ký kết.
Việt Nam và ASEAN kêu gọi Ấn Độ trở lại RCEP: Tăng hợp tác các đối tác lớn
Bên cạnh việc ca ngợi Việt Nam là cường quốc kinh tế đang nổi trong khu vực và đối tác thương mại toàn cầu, Đại sứ Verma cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam cần phải tận dụng sức mạnh kinh tế để gia tăng quan hệ kinh doanh giữa hai quốc gia đồng thời tận dụng chuỗi giá trị toàn cầu của đôi bên để sử dụng mạng lưới thương mại song phương cùng có lợi.
Theo đó, Đại sứ Verma kiến nghị cần phải xem xét thị trường trong nước, đặc biệt là ở Ấn Độ, nơi có thể mang lại cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ điện tử, thanh toán điện tử sẽ giúp tăng trưởng kinh doanh và thúc đẩy sự tham gia các giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), kết nối các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Ngoài ra, hai nước cần có sự cải tiến về cơ cấu trong đó chính phủ và các đối tác kinh doanh cần làm việc đồng bộ và cải thiện kết nối vận tải biển giữa đôi bên bởi đây là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy trao đổi hàng hóa.
Đại sứ Verma cũng nhận định them rằng sự công nhận lẫn nhau của Ấn Độ và Việt Nam về các tiêu chuẩn và chứng nhận sẽ có tác động tích cực đến ngành thương mại và máy móc điện tử song phương.
Đối với vấn đề này, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Đỗ Thanh Hải cho rằng, dòng chảy của các cơ hội kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam bất chấp đại dịch và trao đổi kinh tế và thương mại sẽ phát triển trong thời gian tới.
Theo chuyên gia Đỗ Thanh Hải, có một sự tái cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu và cả hai quốc gia đều có khả năng tận dụng cơ hội.
“Với vị trí chiến lược của cả hai quốc gia và sự thay đổi trong cải cách, hai nước sẽ gia tăng trao đổi thương mại và tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần”, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Đỗ Thanh Hải nhận định.

Xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng cao bất chấp ảnh hưởng của Covid-19

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, dù khu vực kinh tế phía Nam – đầu tàu kinh tế của đất nước bị ảnh hưởng, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao.
Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 của Việt Nam có phần chững lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng nhiều tỉnh thành, địa phương, đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP.HCM.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu của cả nước vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Bất chấp dịch Covid-19 lan rộng, ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng
Theo Bộ Công Thương tổng kết các số liệu liên quan công bố cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 6/2021.
Tuy tháng 7 giảm do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nhiều tỉnh thành phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cùng nhiều biện pháp hạn chế khác, tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số 500 tỷ USD dự kiến sẽ sớm đạt được trong vài tháng tới nếu đà tang trưởng xuất nhập khẩu vẫn được duy trì tích cực.
Các số liệu cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7.2021 ước tính đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,49 tỷ USD, giảm 3,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,51 tỷ USD, tăng 0,2%, mức tăng nhẹ.
Về kết quả 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.
Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, có ba nhóm là hàng công nghiệp chế biến, hàng nông – thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái.
Cấp đông sản phẩm cá tra nguyên con xuất khẩu tại nhà máy chế biến thuỷ sản của Tập đoàn Sao Mai (An Giang)
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước, tăng 29,9% so với năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,31 tỷ USD, tăng 29,8%, khu vực FDI đạt 121,72 tỷ USD, tăng 38,5%.
Đáng chú ý, về cán cân thương mại hàng hóa, tháng 7/2021, Việt Nam nhập siêu khoảng 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam cho thấy, đất nước nhập siêu 2,7 tỷ USD, tức nhập siêu chủ yếu trong tháng 7. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD.
Việt Nam tăng trưởng thần kỳ, GDP tăng hơn 300% nhờ WTO và FTA
Về thị trường xuất khẩu, 7 tháng đầu năm 2021, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tang 37,7% so với cùng kỳ 2020.
Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với 28,8 tỷ USD, tang 24,6%. Sau đó là EU 22,6 tỷ USD, tăng 15,6%.
Thị trường ASEAN đạt 16,2 tỷ USD, tăng 25,8%. Hàn Quốc đạt 11,9 tỷ USD, tăng 10,3%. Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,9%. Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường hầu hết đều tăng.

Nỗ lực xuất siêu, hạn chế nhập siêu

Bộ Công Thương đánh giá, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao.
“Việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam”, theo cơ quan này.
Bên cạnh đó, có một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam tăng ổn định.
Bộ Công Thương cũng lưu ý, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký hiện đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Công Thương cũng cho rằng, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm.
Theo đó, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021. Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh quan điểm “thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu” - tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
“Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu Việt Nam”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Thảo luận