Liệu vaccine do Việt Nam sản xuất có được tiêm thử nghiệm cho số lượng lớn dân?

Cập nhật số ca mắc Covid-19, số bệnh nhân tử vong hôm nay ở Việt Nam: Theo Bộ Y tế, cả ngày có thêm 8.429 ca dương tính mới, nâng tổng số ca nhiễm nCoV của cả nước lên thành 170.190, thêm 3.866 người khỏi bệnh và 190 bệnh nhân không qua khỏi.
Sputnik
Bộ Y tế cho biết, ngoại trừ Pfizer, không được tiêm các vaccine loại khác (Moderna, Sinopharm, Sputnik V, Nanocovax…) cho người tiêm mũi 1 là AstraZeneca.
Bộ Y tế lên tiếng về việc một số tỉnh xin tiêm thử nghiệm vaccine “made in Vietnam” Nanocovax của Nanogen cho số lượng lớn người dân và công nhân, người lao động.
Sở Y tế TP.HCM thu hồi văn bản chỉ định mua hai thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là Medrol 16mg của Pfizer và Xarelto 20mg của Bayer.
Phát hiện F0 mắc Covid-19, Hà Nội phong tỏa, cách ly y tế chợ đầu mối Long Biên từ 13h ngày 3/8 đến khi có thông báo mới.

Cập nhật tin tức Covid-19 ở Việt Nam hôm nay 3/8

Theo thông tin từ Bộ Y tế, chiều tối 3/8, có thêm 4.851 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày lên thành 8.429 người.
Như vậy, hiện nay, Việt Nam đã vượt mốc 170 ngàn ca nhiễm coronavirus (170.190), số ca bình phục là 50.831, số ca tử vong là 2.071 trường hợp.
Đại dịch COVID-19
Thêm 3.578 ca Covid-19, tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Quốc phòng 'chi viện' gấp
Về số 4.851 ca nhiễm mới công bố chiều tối 3/8, Bộ Y tế cho biết, có 37 ca nhập cảnh, 4.814 ca được ghi nhận lây nhiễm trong nước.
Trong đó, TP.HCM có 2.173 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới, kế tiếp là Bình Dương 1.087, Long An 320, Đồng Nai 217, Khánh Hòa 189, Tây Ninh  122, Đồng Tháp 110, Hà Nội 97, Cần Thơ 89, Bà Rịa – Vũng Tàu 81, Phú Yên 40, Gia Lai 39, Bến Tre 36, Trà Vinh 33, Quảng Ngãi 23, Đắk Lắk 18, Hậu Giang 16, Kiên Giang 13, Nghệ An 7, Bình Phước 5, Kon Tum 4, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bạc Liêu mỗi nơi 3 người mắc mới.
Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Giang mỗi địa phương thêm hai ca nhiễm tối nay. Các tỉnh chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính là Hưng Yên, Điện Biên, Cà Mau, Hải Dương.
Về tổng số ca ngày 3/8, Bộ Y tế nhấn mạnh, trong số 8.429 ca mắc mới, có 52 trường hợp là nguồn bệnh xâm nhập, còn lại (8.377 ca) ghi nhận trong nước.
Đại dịch COVID-19
Không ai tử vong sau tiêm Nanocovax, Vingroup tặng thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir
TP.HCM có 4.171 ca mắc nCoV mới, Bình Dương 1.606, Long An 566, Đồng Nai 364, Tây Ninh 298, Khánh Hòa 189, Đồng Tháp 141, Cần Thơ 120, Hà Nội 98, Bà Rịa – Vũng Tàu 81, Vĩnh Long 72, Bình Thuận 72, Đà Nẵng 66, Phú Yên 60, Gia Lai 39, Sóc Trăng 33, Bến Tre 36, Trà Vinh 33, Đắk Lắk 29, Ninh Thuận 29, An Giang 26, Quảng Ngãi 23, Bình Định 18, Đắk Nông 16, Kiên Giang 16, Hậu Giang 16, Nghệ An 12, Quảng Nam 12, Thừa Thiên – Huế 9, Lào Cai 8, Hà Tĩnh 7, Ninh Bình 7, Bạc Liêu 6, Bình Phước 5, Quảng Trị và Kon Tum mỗi nơi 4, Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Bình mỗi nơi ba người. Điện Biên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Cà Mau mỗi nơi 1.
Số ca nhiễm mới ghi nhận từ đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay là 166.296 người, trong đó có 48.057 bệnh nhân đã khỏi.
Về tình hình điều trị, hôm nay thêm 3.866 bệnh nhân được công bố xuất viện, số bệnh nhân đang điều trị ICU là 463, số ca nặng cần chạy ECMO là 20 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế bổ sung thêm 190 ca tử vong (1882-2071) tại 10 tỉnh, thành phố từ 25/7-3/8.
Về tình hình xét nghiệm, Bộ Y tế thông tin cho biết, trong 24h qua đã có thêm 135.186 xét nghiệm được thực hiện cho 448.129 lượt người. Đồng thời, số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 6.451.122 mẫu cho 18.303.458 lượt người.
Lấy mấu xét nghiệm cho người dân Đắk Lắk về từ vùng dịch.
Về tình hình tiêm chủng, theo Hệ thống tiêm chủng quốc gia, Việt Nam đã tiêm được 6.959.197 liều, trong đó, mũi một đã tiêm được 6.246.333 liều, mũi hai là 712.864.

Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối Long Biên

Liên quan đến tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội, chính quyền địa phương vừa quyết định phong tỏa chợ đầu mối Long Biên với khoảng 1.200 hộ kinh doanh từ 13h ngày 3/8 do phát hiện ca F0 trong số các tiểu thương.
Chợ đầu mối Long Biên là chợ lớn nhất Hà Nội với hơn 1.200 hộ kinh doanh. Trước chợ Long Biên, quận Hoàng Mai hôm 27/7 đã quyết định phong tỏa, ngừng hoạt động đối với chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) sau khi người phụ nữ bán trứng nhiễm coronavirus.
Đại dịch COVID-19
Vì sao có những người miễn nhiễm với COVID-19?
Theo đó, UBND phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội đã ra quyết định số 1079 về việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế đối với chợ đầu mối Long Biên.
Trong quyết định vừa ban hành, phường Phúc Xá quyết định phong tỏa chợ Long Biên từ 13h chiều nay (3/8) đến khi có thông báo mới.
Đây là bước cần thiết khi tại chợ Long Biên phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 (nam bệnh nhân T làm trong khu vực kinh doanh hải sản chợ Long Biên).
Đây là F0 được CDC Hà Nội công bố ngày 2/8 (hôm qua). Phường Phúc Xá sau đó đã tiến hành khử khuẩn, điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan.
Cũng theo thông tin từ UBND phường Phúc Xá, vào ngày 1/8, quận tiến hành phong tỏa khu vực kinh doanh hải sản do liên quan đến F0 mắc nCoV. Tại thời điểm này, quận cũng tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm cho 260 trường hợp liên quan, tất cả đều cho kết quả âm tính lần 1.

Bộ Y tế lưu ý về tiêm các loại vaccine Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam, những người đã tiêm mũi một vaccine của Sinopharm, Pfizer, Moderna thì mũi thứ hai cũng tiêm cùng loại vaccine đó.
Tức, trừ Pfizer, không được tiêm vaccine loại khác cho người đã tiêm AstraZeneca.
Đại dịch COVID-19
Thêm 3.201 ca nhiễm Covid-19, Bộ Y tế ban hành quy định mới nhất về cách xác định F0, F1
Cụ thể, trong công văn mới nhất gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng như các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế giải thích cụ thể về vấn đề này.
Theo Bộ, từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vaccine đến từ các nhà sản xuất như AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V... với công nghệ bào chế khác nhau.
Qua nhiều nghiên cứu, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca với mũi 2 là vaccine Pfizer cho đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc này có thể gây tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Đáng chú ý, trong văn bản mới nhất này, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó. Điều này được Bộ lý giải là để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO…
Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế Việt Nam, trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần.
Các y bác sỹ Quận 3 tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi tại điểm tiêm trường tiểu học Trần Quốc Thảo.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng yêu cầu “không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác (Sinopharm, Sputnik V, Nanocovax…) để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.
“Những người đã tiêm vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất”, Bộ Y tế lưu ý.
Cơ quan y tế quốc gia của Việt Nam nhấn mạnh, dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng hướng dẫn tiêm chủng đối với từng loại vaccine, tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin và hướng dẫn triển khai tiêm chủng khi cần thiết. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện.

Nhiều tỉnh xin tiêm thử nghiệm Nanocovax, Bộ Y tế nói gì?

Hôm nay, đại diện Bộ Y tế đã thông tin về việc một số địa phương xin tham gia thử nghiệm tiêm vaccine do Việt Nam sản xuất là Nanocovax.
Như Sputnik đã thông tin trước đó, ở thời điểm này, Nanocovax là ứng viên vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng pha 3a và 3b trên 13.000 tình nguyện viên.
Đại dịch COVID-19
TP.HCM lập kỷ lục về số người tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong một ngày
Trong đó đã có hơn 4.000 tình nguyện viên được tiêm đủ 2 mũi tại Học viện Quân Y, tỉnh Hưng Yên và tại huyện Bến Lức tỉnh Long An, hoàn toàn không có ca tử vong nào, kết quả ban đầu rất khả quan.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế rất ủng hộ các tỉnh tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax để mở rộng phạm vi nghiên cứu nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của vaccine.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thuấn, việc đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng cần phải đúng quy trình nghiên cứu, trước tiên thông qua Hội đồng đạo đức, sau đó sẽ tổ chức đánh giá theo đúng các tiêu chí trong đề cương.
“Trong quá trình thử nghiệm phải đảm bảo thu thập, quản lý dữ liệu một cách khoa học, tin cậy và chính xác”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, nhằm quản lý được số mẫu thử nghiệm lớn, rất cần sự phối hợp của Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
“Bộ Y tế tuyệt đối không ủng hộ việc mua bán, mượn danh thử nghiệm lâm sàng để tiêm vaccine cho người dân khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép”, ông Thuấn nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi làm việc với Tổ Công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng Covid-19 hôm 2/8, Công ty Nanogen kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức xem xét triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c 500.000-1 triệu người, hướng đến cấp phép khẩn cấp cho vaccine “made in Vietnam” này.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn tái khẳng định, Bộ Y tế luôn rất ủng hộ và tạo điều kiện nhất cho các doanh nghiệp trong nước tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19.
Việt Nam ghi nhận thêm 4.564 ca mắc Covid-19, 3.250 bệnh nhân được xuất viện
Đối với vaccine Nanocovax, trước mắt Bộ Y tế đã yêu cầu nhà sản xuất hoàn thiện bộ dữ liệu hiện có, gửi Bộ Y tế trước ngày 15/8 để Bộ gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét, đánh giá. Nếu kết quả đánh giá tốt, Bộ sẽ báo cáo các cấp theo thẩm quyền để xem xét quyết định cấp phép khẩn cấp.
Những ngày qua, đại diện lãnh đạo các tỉnh Bình Dương và Khánh Hòa xin tiêm thử nghiệm vaccine do Việt Nam sản xuất là Nanocovax.
Ở Bình Dương, chính quyền muốn tiêm thử vaccine Nanocovax cho 200.000 công nhân, người lao động, chiếm khoảng 16%/1,2 triệu lao động tại các xí nghiệp, nhà máy của tỉnh.
Bình Dương cho rằng, tình hình dịch tại tỉnh đang diễn biến phức tạp, số ca mắc đã vượt 18.000 ca và những ngày tới sẽ tiếp tục tăng, do đó, nhu cầu vaccine là rất cần.
Tương tự, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Bộ Y tế sớm cho phép tiêm thí điểm vaccine Nanocovax trên địa bàn.
Lãnh đạo Khánh Hòa nhấn mạnh muốn “góp phần đưa Nanocovax sớm đến tay người dân” và đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Sở Y tế TP.HCM thu hồi văn bản mua 2 loại thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã phải thu hồi một văn bản được ban hành trước đó về việc chỉ định cụ thể 2 tên thuốc điều trị Covid-19, kèm với nhà sản xuất và nhà phân phối để phục vụ điều trị Covid-19.
Đại dịch COVID-19
Việt Nam sẽ không để xảy ra khủng hoảng vì Covid-19
Ngày 3/8, Sở Y tế TP.HCM ban hành văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện trực thuộc, bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 về việc mua thuốc để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Sở Y tế cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia điều trị Covid-19 đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn sử dụng 2 thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống để trị bệnh nhân hiệu quả, cứu được kịp thời nhiều người. Cụ thể:
Thuốc Medrol (hoạt chất Methylprednisolone) 16 mg của Công ty Pfizer (thuốc kháng viêm) sáng uống 1 viên.
Thuốc Xarelto (hoạt chất Rivaroxaban) 20 mg của Công ty Bayer (thuốc kháng đông) sáng uống 1 viên.
Thuốc này chống chỉ định cho bệnh nhân có rối loạn đông máu và viêm loét dạ dày nặng.
Do vậy, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị mua gấp các thuốc trên để kịp thời điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nơi cung ứng 2 thuốc trên là Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 (Công ty Phytopharma).
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị liên hệ Phòng Nghiệp vụ Dược để được hướng dẫn kịp thời.
Về lý do thu hồi văn bản, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết cơ quan này đã thu hồi văn bản để sửa chữa, vì "không nên ghi cụ thể tên thuốc như vậy".
Đại dịch COVID-19
Thêm 4.987 ca mắc Covid-19, TP.HCM ban hành hướng dẫn cho F0 tại nhà
Chiều cùng ngày 3/8, Sở Y tế TP.HCM đã ra công văn số 5279 thay thế công văn số 5216 trước đó.
Văn bản nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số bệnh viện có nhu cầu sử dụng thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đó là hoạt chất Methyl prednisolon (kháng viêm) và Rivaroxaban (kháng đông). Do đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị căn cứ tình hình thực tế của đơn vị và phác đồ điều trị của Bộ Y tế, Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện nghiên cứu xem xét phê duyệt và xây dựng phác đồ điều trị có sử dụng các thuốc nói trên tại đơn vị.
Sở Y tế nhấn mạnh, việc sử dụng các thuốc trên phải tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Việc mua sắm thuốc dùng trong điều trị người bệnh Covid-19 tuân theo các quy định hiện hành.
Sở cũng nghiêm cấm các nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM bán các thuốc trên nếu người mua không có đơn thuốc hợp lệ từ bác sĩ.
Cơ quan quản lý sẽ xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý các thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Thảo luận