Hướng dẫn viên đổi nghề, làm tư vấn bảo hiểm, shipper
Nhiều năm lăn lộn với nghề hướng dẫn viên du lịch, nhưng chị Linh Chi chưa bao giờ khốn đốn như lúc này. Ở các đợt bùng phát dích năm 2020, Công ty của chị còn có khoảng thời gian ngắn sau đó để đưa ra các chính sách phục hồi, kích cầu du lịch, nhưng đợt dịch thứ 4 này kéo dài đã khiến công ty chị lao đao, điêu đứng, chưa biết phải vực dậy thế nào.
“Năm ngoái, dịch bùng phát vào tháng 3, 4, nhưng sau các biện pháp cách ly xã hội tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh có nguy cơ cao, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Người dân bắt đầu đi du lịch trở lại vào tháng 5, 6 trùng với thời gian các công ty, đoàn thể cho nhân viên đi nghỉ hè nên Công ty tôi khá bận rộn với việc sắp xếp tour, lên giá cả sao cho phù hợp với túi tiền khách hàng”, chị Chi chia sẻ với Sputnik.
Tuy nhiên, các đợt dịch tiếp theo rất nhanh đã bùng phát trở lại gây không ít khó khăn cho các công ty lữ hành, đại lý du lịch như của công ty của chị Chi.
“Công ty tôi cũng không quá đông nhân viên, chủ yếu tập trung vào thị trường du lịch trong nước nên có thể cầm cự được nhờ các gói tour mội địa. Còn các công ty lữ hành lớn trong ngành du lịch nói thẳng ra là rất khó khăn. Các tour du lịch quốc tế thì chết hẳn hơn 1 năm nay rồi vì có mở đường bay cũng chỉ ưu tiên cho đối tượng chuyên gia, người lao động, du học sinh và chỉ đến được một số nước nhất định. Riêng du lịch quốc tế thì thảm lắm”, chị Chi bộc bạch.
Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch nói:
“Do dịch Covid-19 nên không còn du lịch quốc tế nên 90% số hướng dẫn viên phân khúc thị trường này “thất nghiệp”. Bên cạnh đó, du lịch nội địa thời gian qua liên tục bị ảnh hưởng do dịch lan trong cộng đồng đúng thời kỳ cao điểm. Do đó, Hội đã gửi bản đề xuất gồm nhiều giải pháp để Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) trình Chính phủ hỗ trợ giúp đỡ các hướng dẫn viên. Trong đó kêu gọi các đơn vị, cơ quan khác có nhu cầu sử dụng lao động thì cân nhắc đến việc tạm thời sử dụng một phần các hướng dẫn viên làm thời vụ, để họ có thu nhập trang trải cuộc sống”.
Chị Linh Chi làm hướng dẫn viên ở Nha Trang, miền Trung Việt Nam
© Ảnh : Linh Chi
“Các giải pháp hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch hoặc kiến nghị về Hộ chiếu vaccine chỉ là những biện pháp cứu cánh nhỏ, cũng chưa biết sẽ thế nào. Hầu hết bạn bè, đồng nghiệp trong ngành du lịch của tôi đều mất việc, người chuyển sang môi giới bất động sản, tư vấn bảo hiểm nhân thọ, telesale… cũng có người chuyển sang làm bảo vệ, shipper, xe ô hoặc về quê nương tựa vào gia đình. Những công ty có thể cầm cự được chỉ còn rất ít”.
Không chỉ riêng ngành du lịch mới cám cảnh như vậy trong dịch bệnh, các nhóm ngành lưu trú, ăn uống, vui chơi, nghệ thuật đều bị ảnh hưởng nặng nề. 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động, trong đó doanh nghiệp du lịch và lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất.
“Đợt dịch thứ 4 này, Giám đốc Công ty lần đầu tiên phải chia sẻ với anh chị em nhân viên về những khó khăn không thể vượt qua được. Nên tôi đành xin nghỉ việc. Anh Giám đốc có nói, và mọi người cũng hiểu là khả năng phục hồi sau đại dịch cũng rất khó, vì người dân đã phải bỏ tiền tiết kiệm, du lịch, vui chơi để chi tiêu cho gia đình trong lúc mất việc làm. Đó là điều đáng buồn cho ngành du lịch”.
Nhiều dự án xây dựng bị chậm tiến độ
Không chỉ riêng ngành du lịch là bết bát, hiện nay lao động trong lĩnh vực xây dựng cũng rất khó khăn. Ngày 24/7, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản hoả tốc yêu cầu dừng hoạt động tất cả các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn thành phố trong vòng 15 ngày, kể từ 24/7. Không chỉ thế, Chỉ thị của thành phố cũng hạn chế gắt gao việc di chuyển ra vào thành phố.
Anh Nguyễn Tuấn, nhân viên phòng Dự án của Công Ty Cổ Phần Năng Lượng Điện Dầu Khí (PETROLEC) nhận định ngành xây dựng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
“Dịch bệnh không là nỗi lo của riêng ai. Những công nhân xây dựng gặp rất nhiều khó khăn trong khi các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội. Việc đi lại khó khăn do phải có Giấy Xét nghiệm Covid-19, chủ thầu, công trình phải đảm bảo các quy định 5K về phòng chống dịch. Mà cần phải hiểu rằng có những công đoạn buộc công nhân phải đứng gần nhau thì mới thực hiện, thi công được nên đảm bảo giãn cách là không khả thi. Dự án chậm tiến độ kéo theo nhiều hệ luỵ, chi phí xây dựng bị thanh toán chậm, trong khi nhà thầu vẫn phải trả lương nhân viên, duy trì trụ sở, tiền thuê sân bãi để vật liệu. Chưa kể nhiều vật liệu phải nhập bằng container từ nước ngoài về, mà dịch thì hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, do đó nhiều dự án phải bỏ dở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động”, anh Tuấn nói với Sputnik.
Anh Tuấn cho biết gần 50% dự án của Công ty anh bị chậm tiến độ, còn lại vẫn hoạt động nhưng phải đảm bảo các quy định an toàn theo quy định của Chính phủ.
Theo báo cáo hồi tháng 5 của Bộ Lao động - Thương binh, Xã hội, trong 3 khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nặng nề nhất là dịch vụ – 20,4%, tiếp đó là công nghiệp và xây dựng – 16,5%, và cuối cùng là nông, lâm nghiệp và thuỷ sản với 7.5%.
“Ngành nghề của chúng tôi đòi hỏi đến 80% phải được thực hiện trực tiếp tại công trường, nên việc triển khai chính sách làm tại nhà là không khả thi, ngoại trừ bộ phận hành chính và quản lý giai đoạn trước thi công. Hiện nay, ngành xây dựng chưa bị ảnh hưởng nhiều như hàng không, du lịch, F&B… nhưng nếu dịch bệnh kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xây dựng”.
Với tiến độ tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vaccine như ở Việt Nam hiện nay, cùng với số ca nhiễm mới ngày một tăng, nhiều người lao động như chị Chi và anh Tuấn sẽ còn đau đầu về “miếng cơm manh áo”, về tương lai của họ.