TP.HCM xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến trong 20 ngày
Tính từ 18h30 ngày 8/8 đến 6h ngày 9/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.155 ca nhiễm mới gồm 15 ca nhập cảnh và 5.140 ca trong nước (789 ca cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố có thêm ca nhiễm là TP.HCM (2.349), Bình Dương (1.725), Long An (287), Đồng Nai (183), Bà Rịa - Vũng Tàu (177), Tây Ninh (157), Vĩnh Long (57), An Giang (37), Phú Yên (31), Cần Thơ (27), Kiên Giang (19), Đồng Tháp (18), Thừa Thiên Huế (17), Hậu Giang (15), Gia Lai (14), Đắk Nông (14), Hải Dương (5), Hà Nội (4), Lào Cai (1), Sơn La (1), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1).
Như vậy, tính đến sáng ngày 09/8, Việt Nam có 215.560 ca nhiễm gồm 2.360 ca nhập cảnh và 213.200 ca trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 211.630 ca, trong đó có 68.723 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hai tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Về tình hình điều trị, tổng số ca khỏi bệnh: 71.497 người. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 501 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Trong ngày 8/8, 514.503 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 9.405.819 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.460.013 liều, tiêm mũi 2 là 945.806 liều.
Hiện dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp với số lượng lớn ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong vòng 20 ngày, thành phố đã xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến và chỉ sau 7 ngày, 4 trung tâm hồi sức Covid-19 được hình thành.
Mục tiêu hàng đầu của thành phố hiện nay là giảm tối đa số ca F0 chuyển nặng, tử vong. Do đó, việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực..., sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân trên địa bàn.
Sau TP.HCM, tình hình dịch ở Bình Dương phức tạp không kém
Vào tối 8/8, Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho biết có 4.994 ca mắc COVID-19, nâng tổng số mắc trong ngày lên 9.690 ca. Riêng Bình Dương đã 3.210 ca.
Tuy nhiên cũng trong tối 8/8, Việt Nam có 4.860 bệnh nhân khỏi Covid-19. Đây là con số xuất viện cao nhất tại nước ta từ khi dịch bùng phát cho đến nay. Hiện tổng số người được chữa khỏi và xuất viện tại Việt Nam là 71.497.
Bộ Y tế quy định sau khi được công bố khỏi bệnh, những người này sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe và báo ngay với cơ quan y tế khi có biểu hiện bất thường.
Từ 28/7, số bệnh nhân được xuất viện tại nước ta luôn ở mức từ 3.500 đến hơn 4.500 người mỗi ngày. Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu tốt cho hệ thống điều trị Covid-19 tại Việt Nam.
Tính đến 19h ngày 8/8, Việt Nam có tổng cộng 208.060 ca ghi nhận trong nước và 2.345 trường hợp nhập cảnh. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 206.490 người, trong đó, 68.723 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về tình hình điều trị, 501 F0 đang được hồi sức tích cực, 20 ca nguy kịch cần can thiệp ECMO.
Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương, cho biết các chuyên gia điều trị đã thống nhất sử dụng sớm thuốc chống đông và kháng viêm steroid cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng.
Việc sử dụng các loại thuốc này đã có trong phác đồ của Bộ Y tế. TP.HCM là địa phương nên áp dụng nhất vì số ca nhiễm lớn và đang đúng giai đoạn bệnh chuyển nặng nhiều. Phó giáo sư Hiếu khuyến cáo:
“Phác đồ Bộ Y tế đã có hướng dẫn rõ, các bệnh viện, nhất là tuyến dưới cần cập nhật hướng dẫn và thông tin mới, dùng thuốc theo chỉ định. Tuy nhiên, hướng dẫn điều trị cụ thể cần liên hệ bác sĩ với liều lượng theo cân nặng và loại trừ các chống chỉ định của thuốc. Người chưa mắc bệnh không nên mua dự phòng vì thuốc này sẵn có trên thị trường với nhiều tên gọi khác nhau và không biết được tác dụng phụ của thuốc”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết chúng ta cần phân loại nguy cơ ngay từ đầu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện phù hợp. Các cơ sở cần tránh tình trạng bệnh nhân nguy cơ rất cao, nguy kịch ở tầng thấp, trong khi người bệnh ít có nguy cơ diễn biến nặng được chuyển lên tầng cao.