Sputnik sẽ giới thiệu với các bạn những nội dung cơ bản đó trong tổng quan truyền thống «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Cần xem lại chiến lược chống dịch
Hôm thứ Năm, Chính phủ Việt Nam tuyên bố đất nước đang đối mặt với tình trạng căng thẳng do gia tăng số các ca nhiễm coronavirus và thực tế thiếu vaccine, - Reuters phản ánh và dẫn lời ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết rằng đã ký kết các thỏa thuận và cam kết để có hàng trăm triệu liều vaccine khác nhau, nhưng tiến độ chuyển giao vẫn chậm chạp. Số ca nhiễm mới trong một ngày bình thường bây giờ vượt quá con số ghi nhận trong suốt cả năm ngoái. Theo dữ liệu của Đại học J. Hopkins, tính đến ngày 13 tháng 8, tại Việt Nam có 246.568 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 4.813 ca tử vong. Tổng cộng đã tiêm được 12.098.821 liều vaccine, 1.092.700 người được chích ngừa đầy đủ, đạt tỷ lệ 1,13% cư dân cả nước.
Tờ Brookings đăng tải bài viết phân tích chi tiết về tình hình Việt Nam hiện nay. Tác giả cố gắng tìm giải đáp cho câu hỏi - tại sao chiến lược chống đại dịch từng mang lại thành công vang dội cho Việt Nam năm 2020 nhưng hiện nay lại không khả dụng. Một trong những nguyên nhân là biến chủng «Delta» bộc lộ kiểu lây lan truyền nhiễm hoàn toàn khác so với những chủng virus trước đó. Nguyên nhân khác là bởi khi tỷ lệ lây nhiễm thấp, chính quyền có phần chủ quan không lưu tâm đến việc mua sắm đại trà các vaccine của nước ngoài, mà dường như có ý định chờ đợi phát triển vaccine nội địa của riêng nước mình. Phản xạ yếu kém đối với chủng «Delta» đang ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của Việt Nam và niềm tin của cư dân vào chế độ trong nước, đồng thời cũng tạo ra không ít vấn đề hóc búa cho ban lãnh đạo mới, - tờ báo nhận xét.
Nhưng cũng có dự báo lạc quan cho rằng vấn đề thiếu vaccine sẽ sớm được giải quyết với việc bắt đầu sản xuất vaccine của Việt Nam, cũng như chế xuất các loại vaccine ngoại theo cấp phép chuyển giao công nghệ của Nga và Hoa Kỳ. Trong chừng mực các biến chủng mới của coronavirus tiếp tục xuất hiện, chiến lược ứng phó chống dịch COVID-19 cũng cần được liên tục xem lại và điều chỉnh cho phù hợp, - bài báo kết luận.
Nhật báo Hungary Today cho biết tin Hungary quyết định tặng cho Việt Nam 100.000 liều vaccine AstraZeneca và 100.000 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên.
Tờ The Star đăng bài viết về sự chú ý đặc biệt của Chính phủ Việt Nam tập trung vào việc sản xuất loại vaccine nội địa hiệu quả và an toàn, dự kiến bắt đầu ngay trong tháng tới.
Tờ báo uy tín The Diplomat công bố bài viết kể về thái độ miễn cưỡng nhận vaccine Trung Quốc đã khiến những người trẻ Việt Nam hoà dịu hơn với vaccine AstraZeneca của Anh mà họ từng có ngờ vực.
Tạp chí SR Magazine thông báo về cổ phần của công ty Lee's Sandwiches, sở hữu chuỗi cửa hàng Bánh Mì lớn nhất thế giới, từ ngày 8 đến 15 tháng 8 thực hiện chiến dịch quyên góp vì «Sài Gòn yêu dấu của chúng ta», toàn bộ số tiền thu được chuyển cho Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam.
Nền kinh tế đang gặp nguy
Nikkei Asia Review viết về nguy cơ đe dọa là dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy thoát ra khỏi nền kinh tế Việt Nam nếu sự bùng phát đại dịch ở TP Hồ Chí Minh và khu vực sản xuất phía Nam không được kiểm soát.
The Loadstar thể hiện sự lo ngại về tình trạng ùn tắc container tại cảng Cát Lái ở TP Hồ Chí Minh, còn Fresh Plaza bất an vì lệnh đóng cửa hàng loạt khu chợ ở TP Hồ Chí Minh, hệ quả là 4 triệu tấn rau quả tích tụ tại các tỉnh phía nam.
Tờ Financial Times thông báo rằng mức tăng vọt kỷ lục về số ca lây nhiễm COVID-19 đã buộc các nhà máy ở miền Nam Việt Nam phải đóng cửa, ảnh hưởng đến một trong những trung tâm sản xuất hàng may mặc và giày dép bận rộn nhộn nhịp nhất thế giới, đồng thời khiến chủ các thương hiệu toàn cầu cũng phải lao tâm khổ tứ tìm kiếm những nhà cung cấp bổ sung. Cả các ngành khác cũng bị thiệt hại, kể cả ngành điện tử.
Việt Nam vững tin vào tương lai
Không ít ấn phẩm cung cấp những thông tin truyền cảm hứng lạc quan cho bạn đọc. The Star cho biết một kế hoạch đầy kỳ vọng là đến năm 2030 biến Việt Nam thành trung tâm ứng nghiệm đổi mới và trí tuệ nhân tạo trong ASEAN và trên thế giới.
Nikkei Asia Review có bài dài kể về một cơ sở khởi nghiệp mới - công ty Loship, với định hướng chuyên cung cấp thực phẩm và hàng hóa dân dụng tại TP Hồ Chí Minh, hiện đã thu hút được 2 triệu khách hàng và đang vững vàng cạnh tranh với hơn chục đối thủ gạo cội.
Còn tờ Bloomberg cho thông tin về mục tiêu của chính quyền là đưa nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 20% GDP Việt Nam và đang có những điều kiện tiên quyết cho triển vọng này.
Báo Hotelier Middle East đăng bài giới thiệu khách sạn mới Marriott South Bình Dương dành cho các du khách doanh nhân, còn tờ Hospitality cho chỉ dẫn về khách sạn Karma Sông Hoài sang trọng toạ lạc ở trung tâm đô thị cổ Hội An cảnh đẹp như tranh.
Nói về Việt Nam - chỉ toàn điều tốt lành
Báo chí Nga làm hài lòng độc giả với nhiều thông tin thú vị và đáng khích lệ về Việt Nam. Tờ Bolshaya Azia có bài viết công phu thuật lại phát biểu của Thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, nơi ông Phạm Minh Chính kêu gọi tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải.
Trên tờ Portnews đăng tin tại Việt Nam đã khai trương Văn phòng đại diện của NOVATEK, công ty LNG lớn nhất của Nga và thông báo rằng công ty có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á.
Những tờ báo khác của Nga báo tin vui trước sự kiện vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sắp được phóng lên quỹ đạo.
3dnews thông báo rằng chính quyền Việt Nam đã cấm nhập khẩu vào lãnh thổ đất nước tất cả các điện thoại «cục gạch» 2G và 3G, để rồi trong giai đoạn 2021-2025 sẽ phân phối 2,1 triệu chiếc điện thoại thông minh cho các gia đình có thu nhập thấp.
Còn tờ Voennoe Obozrenie kể chuyện những bàn tay thợ cơ khí khéo léo của bộ đội Việt Nam đã biến đổi chiếc BTR-152 cũ của Liên Xô để dùng nó tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.