Theo thống kê, chỉ có 1/5 số lượng người sử dụng xe buýt, hệ thống giao thông công cộng hiện có duy nhất tại Hà Nội. Trong khi đó, có khoảng 6,7 triệu ô tô và xe máy hoạt động khắp thủ đô.
Tắc đường - “thủ phạm” tàn phá sức khỏe
Hà Nội, thủ đô nước CHXHCN Việt Nam, là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, giao thông là nguyên nhân gây ra tới 70% ô nhiễm không khí. Phát biểu tại Hội thảo mới đây, TS. Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng, cho biết:
"Chất lượng không khí của Hà Nội luôn ở mức báo động. Ngưỡng ô nhiễm luôn vượt quá ngưỡng mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra. Việc nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2,5 sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách can thiệp, giảm thiểu nguy cơ gây ra bởi ô nhiễm không khí".
Cũng theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (2019) tại các trạm đo chất lượng không khí ở trục giao thông lớn Hà Nội cho thấy các chỉ số về bụi mịn, NO, NO2... cao hơn 20% so với trạm đo tại các khu dân cư. Ví dụ, tại nút giao thông Phạm Văn Đồng có nồng độ bụi mịn PM2.5 là 55.15µg/m3, cao hơn 2 lần so với quy định 25µg/m3 tại QCVN 05:2013/BTNMT.
Đây là những lo ngại mà thành phố Hà Nội đã cố gắng giải quyết kể từ năm 2010. Đó là khi Hà Nội khởi động xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đô thị (metro) để cung cấp nhiều lựa chọn thay thế phương tiện giao thông. Việc xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị đáp ứng nhu cầu của thành phố Hà Nội, nơi có hơn 10 triệu dân. Điều này sẽ giúp bảo vệ môi trường thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính.
Khi nghịch lý là thuận lợi cho giao thông Hà Nội
Trong những nỗ lực tìm lời giải cho bài toán giãn dân Phố Cổ, Hà Nội đã ban hành quy hoạch phân khu đô thị ở 4 quận nội đô. Một bài toán mà hơn 20 năm vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, kéo theo đó là câu hỏi về giao thông “xanh” cho khu vực này. Chia sẻ với Sputnik, chuyên gia Yann Maublanc, Công ty tư vấn Espelia (Pháp), phân tích:
“Đối với Phố Cổ tại Hà Nội với diện tích giới hạn thì việc sử dụng phương tiện hiện đại đáp ứng được điều kiện lưu lượng người di chuyển cao là rất khó. Một giải pháp là xây dựng hệ thống phương tiện đó ở xung quanh khu vực Phố Cổ. Ngoài ra, trong Phố Cổ có thể sử dụng phương tiện nhẹ nhàng hơn như đi bộ hay xe đạp, xe đạp điện...để giảm thiểu ùn tắc”.
Ông Yann Maublanc - Chuyên gia từ Công ty tư vấn Espelia, Pháp phát biểu tại Toạ đàm
© Sputnik / Lena Chu
Theo chuyên gia Yann Maublanc chỉ ra rằng, số lượng người tham gia giao thông lưu thông qua một quãng đường cố định trong một khoảng thời gian cố định rất là cao so với các thành phố khác trên thế giới. Đây chính là điểm mạnh của giao thông Việt Nam khi đa số mọi người sử dụng xe máy, không cần đầu tư quá nhiều vào hệ thống đường giao thông công cộng.
“Về giải pháp ngắn hạn, chúng ta khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường như xe đạp điện, áp dụng thuế cao hơn dành cho phương tiện gây ô nhiễm nhiều hơn, hoặc nhà nước hỗ trợ thuế cho phương tiện xả thải ít hơn. Về trung hạn, nên tập trung xử lý tuyến xe buýt, làm thế nào để xe buýt nâng cao tốc độ, có đường riêng. Về dài hạn, nên nghĩ đến việc thành lập hệ thống metro, tàu điện, xe buýt điện”. - Ông Yann Maublanc nhấn mạnh.
Giải pháp “xanh” bền vững cho đô thị
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội nằm trong quy hoạch giao thông tổng thể của Thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng phê duyệt theo quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016). Đây cũng là dự án mang tính biểu tượng của hợp tác Pháp - Việt Nam trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững.
Tuyến Metro số 3 có chiều dài 12,5km, bao gồm 12 nhà ga đường ray đôi theo tiêu chuẩn châu Âu, gồm 8 ga đi trên cao (Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy) và 4 ga ngầm (Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, ga Hà Nội) trải dài từ điểm đầu Nhổn đến trung tâm thành phố trên phố Trần Hưng Đạo. Tuyến đường này sẽ cho phép tiết kiệm 20.000 tấn tương đương CO2 khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm và góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Trả lời Sputnik khi được hỏi về đánh giá tiềm năng giảm thải ô nhiễm không khí khi dự án Metro số 3 đi vào vận hành, chuyên gia Yann Maublanc, Công ty tư vấn Espelia (Pháp) cho biết:
“Metro sẽ giảm thiểu ô nhiễm tại Hà Nội. Tuy nhiên, một tuyến metro thì không đủ mà chúng ta cần có một hệ thống metro để giải quyết được tận gốc vấn đề. Thực ra, metro thường được xây dựng tại các thành phố lớn hay còn gọi là megapolis, nơi tập trung đông dân cư. Để xây dựng một tuyến metro cần rất nhiều nguồn lực, chính vì vậy những thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM xây dựng metro là điều thích hợp. Một số thành phố nhỏ hơn như Đà Nẵng hay Hải Phòng thì việc có nên xây dựng metro hay không thì cần phải có nghiên cứu cụ thể. Quan trọng hơn cả, tôi nghĩ có những hình thức giao thông có chi phí rẻ hơn như tàu điện trên mặt đất”.
Xe bus điện Vinbus lăn bánh
© Sputnik / Taras Ivanov
Theo chuyên gia Yann Maublanc cho biết, xe bus điện cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ông Yann Maublanc chia sẻ đánh giá với Sputnik:
“Kinh nghiệm từ Pháp cho thấy, thành phố Paris hai năm trước đã kêu gọi đấu thầu sử dụng xe buýt điện. Trong vòng 10 năm tới, toàn bộ xe buýt điện sẽ được thay thế và vận hành tại vùng Ile-de-France (Paris). Xe buýt điện khi mua đầu vào giá khá cao, nhưng bù lại chi phí sử dụng lại rất rẻ. Đây chắc chắn là phương tiện cải thiện rất nhiều cho môi trường”.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng “xanh” tại Hà Nội nói riêng sẽ là hướng đi đúng đắn cho việc quy hoạch thành phố. Lúc đó, người dân Hà Nội sẽ được thụ hưởng những lợi ích to lớn mà hệ thống metro, xe buýt điện mang lại.