Chiều 22/8, Ban Chỉ đạo quốc già phòng, chống Covid-19 cho biết Việt Nam đã ghi nhận 11.214 ca mắc mới, trong đó có 6 trường hợp nhập cảnh và 11.208 bệnh nhân trong nước tại TP.HCM (4.193), Bình Dương (3.795), Đồng Nai (849), Tiền Giang (709), Long An (365), Đà Nẵng (183), Khánh Hòa (160), Đồng Tháp (142), Bà Rịa – Vũng Tàu (107), Cần Thơ (97), Tây Ninh (83), An Giang (69), Nghệ An (68), Vĩnh Long (49), Bình Thuận (47), Đắk Nông (39), Trà Vinh (39), Phú Yên (38), Bình Định (20), Hà Tĩnh (20), Quảng Nam (16), Kiên Giang (15), Sơn La (15), Đắk Lắk (12), Bắc Ninh (11), Hà Nội (11), Gia Lai (10), Cà Mau (10), Hậu Giang (7), Lào Cai (6), Bắc Giang (6), Ninh Thuận (5), Lạng Sơn (5), Quảng Ngãi (3), Quảng Trị (3), Thái Bình (1).
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, cả nước có 348.059 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca mẵ). Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới được phát hiện trong nước là 343.972 người, trong đó có 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về tình hình điều trị, 7.580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 22/8, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh đủ điều kiện được xuất viện lên 147.667 người.
Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo, ngày 21 và 22/8, trên Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 737 ca tử vong tại TP.HCM (599), Bình Dương (62), Đồng Nai (25), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (11), Cần Thơ (4), Long An (4), Hà Nội (2), Bến Tre (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên – Huế (1), Vĩnh Long (1).
TP.HCM: Đối tượng nào được ra đường sau 0 giờ ngày 23/8?
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký ban hành văn bản về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến 6/9/2021 để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị); có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23/8/2021.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8/2021 của UBND TP.HCM, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.
Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại thành phố Thủ Đức và quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định tại Công văn số 2491/UBND-ĐT ngày 26/7/2021 của UBND thành phố.
Các đối tượng được cấp giấy đi đường gồm:
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan ban Đảng, đoàn thể, Tổng Công ty trực thuộc thành phố chịu trách nhiệm câp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý. Bên cạnh đó, Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương trú đóng tại TP.HCM chịu trách nhiệm cấp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý.
UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn cấp giấy cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân thuộc đơn vị, địa bàn quản lý (chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa bàn quản lý). Các cơ quan cấp phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an thành phố để kiểm tra, giám sát.