Giới doanh nghiệp Mỹ và các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã nối lại các cuộc tiếp xúc để tổ chức một cuộc gặp “bàn tròn” mới về các vấn đề tài chính. Cuộc Họp Bàn tròn Tài chính (The China-U.S. Financial Roundtable (CUFR) có thể diễn ra vào mùa thu, một năm sau cuộc họp lần trước vào tháng 10 năm ngoái, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin. Theo các nguồn tin này, đồng chủ tịch tại cuộc họp bàn tròn với Trung Quốc là John Thornton, Chủ tịch điều hành của công ty Barrick Gold và Cựu Chủ tịch và Đồng Giám đốc điều hành công ty Goldman Sachs.
Xét theo các bình luận, Wall Street Group, một nhóm có ảnh hưởng, đã đề xuất sáng kiến nối lại các mối liên hệ giữa giới tài chính của hai nước trong khuôn khổ cơ chế CUFR được tạo ra vào năm 2018. Hoạt động của CUFR từng bị Nhà Trắng chỉ trích gay gắt vì bị cho là gây sức ép lên Tổng thống Trump để ông chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc đã mở rộng “cánh cửa” vào thị trường nội địa cho các tổ chức tài chính nước ngoài, không chỉ để thu hút các khoản đầu tư mới. Bắc Kinh hy vọng rằng, bằng cách này họ sẽ cải thiện hình ảnh và sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực đầu tư và ngân hàng. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia từ Viện nghiên cứu chiến lược Nga (RISI) Mikhail Belyaev lưu ý rằng, Trung Quốc đã mở rộng khả năng của các chuyên gia nước ngoài kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc, đồng thời khẳng định sự sẵn sàng phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kế toán. Các biện pháp này làm tăng mối quan tâm của giới tài chính Hoa Kỳ đến sự hợp tác với Trung Quốc:
“Trung Quốc có sự tự tưởng vào khả năng của mình lớn đến mức họ có thể mở rộng cánh cửa cho dòng vốn nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược nhạy cảm. Điều này giúp nâng cao uy tín quốc tế của thị trường tài chính Trung Quốc. Thị trường tài chính nội địa không còn được xem như một khu vực khép kín chỉ hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc, mà là một phần của thị trường tài chính quốc tế. Ví dụ, Trung Quốc cho phép các kiểm toán viên quốc tế xác nhận tính đúng đắn của hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và công nghiệp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, điều này nâng cao vị thế toàn cầu và uy tín của Trung Quốc. Và tinh thần cởi mở giúp các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ, hoạt động dễ dàng hơn trên thị trường Trung Quốc, làm tăng sự quan tâm đến sự hiện diện trên thị trường này”.
Sự quan tâm của các đối tác Mỹ đến việc tổ chức một cuộc họp bàn tròn tài chính mới với Trung Quốc có thể được giải thích bởi ý muốn của họ mở rộng sự hiện diện trên thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc. Cuộc cải cách quỹ lương hưu của Trung Quốc cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các tổ chức tài chính nước ngoài. Cuộc cải cách cho phép chuyển giao số tiền tiết kiệm được tích lũy trong quỹ lương hưu thành các khoản đầu tư dài hạn. Chính trên nền tảng này sự hợp tác với các công ty nước ngoài có thể giúp Trung Quốc xây dựng một thị trường chứng khoán trưởng thành hơn.