Theo ông, kinh nghiệm của Nga cho thấy rằng, sự phụ thuộc quá mức vào hệ thống thanh toán bằng USD khiến nước này dễ bị tổn thương do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ông Fang Xinghai đã tuyên bố như vậy khi phát biểu tại diễn đàn của truyền thông Caixin. Ông chỉ ra một tiền lệ khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt theo ngành, cũng như các biện pháp chống lại một số công ty và cá nhân của Nga do việc Nga sáp nhập Crưm vào năm 2014. Ông Fang Xinghai nói rằng, Trung Quốc đang thực hiện phần lớn các giao dịch ở thị trường nước ngoài bằng USD thông qua các hệ thống như SWIFT và CHIPS. Theo Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc, các cấu trúc này được kiểm soát bởi Hoa Kỳ, có nghĩa là các hệ thống này có thể được sử dụng như một công cụ gây áp lực lên các quốc gia khác. Cuối cùng, bất kỳ giao dịch bằng USD cũng đi qua ngân hàng Mỹ, vì thế, về mặt lý thuyết, Hoa Kỳ có thể chặn bất kỳ giao dịch nào được thực hiện bằng đô la. Ông Fan Xinghai kêu gọi Trung Quốc cần phải sớm chuẩn bị, chuẩn bị thực sự, chứ không phải chỉ chuẩn bị tâm lý, và cần phải thực hiện những công việc cụ thể để đa dạng hóa đồng tiền thanh toán vì “ngoại tệ đâu chỉ là USD”.
Các chuyên gia của Trung Quốc và các nước phương Tây đã từ lâu cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ có nguy cơ trở thành "chiến tranh tài chính” sau khi Trump ký luật trừng phạt Trung Quốc vì nước này vi phạm quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Luật này quy định việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức mà theo quan điểm của Hoa Kỳ có liên quan tới các hành động áp bức người Duy Ngô Nhĩ. Phản ứng tiêu cực mạnh mẽ của Hoa Kỳ và một số nước phương Tây khác đối với Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông đã đổ thêm dầu vào lửa. Tất cả những sự kiện này cho thấy rằng Hoa Kỳ có thể lặp lại “kịch bản Nga” trong quan hệ với Trung Quốc. Các chuyên gia nhìn thấy những điểm giống nhau. Mỹ đã bắt đầu trừng phạt Nga vào năm 2013 sau khi thông qua Đạo luật Magnitsky, tiếp sau đó có các lệnh trừng phạt liên quan đến việc sáp nhập Crưm và tình hình ở phía đông nam Ukraina. Sau đó Hoa Kỳ đã lợi dụng vụ đầu độc diễn ra ở Salisbury, “sự can thiệp của Nga” vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hoặc vụ tấn công bởi “tin tặc Nga” để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Bây giờ Hoa Kỳ đưa ra những cáo buộc thiếu bằng chứng và thậm chí là vô lý để chống lại Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, gây áp lực lên Hồng Kông, đưa thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19, v.v.
Mặt khác, nếu không chú ý đến những lời nói gay gắt của Hoa Kỳ về Trung Quốc, thì những hành động cụ thể của Washington cho đến nay có vẻ khá khiêm tốn. Trump vẫn chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ Luật Duy Ngô Nhĩ: ông giải thích rằng, ông không muốn làm hỏng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Việc Mỹ tước quy chế đặc biệt của Hồng Kông cũng không có gì đáng sợ. Phần lớn hàng hóa được vận chuyển từ Hồng Kông là tái xuất từ các quốc gia khác hoặc từ Trung Quốc đại lục. Các hàng hóa này được xuất khẩu theo thủ tục hải quan khác. Cuối cùng, về những cáo buộc dường như Trung Quốc cung cấp thông tin sai về COVID-19, Hoa Kỳ cũng không áp dụng biện pháp đặc biệt nào. Nếu nói về việc Mỹ có thể thắt chặt các quy tắc niêm yết đối với các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch Mỹ, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của điều này không chỉ là ý muốn của Washington gây áp lực lên Trung Quốc. Theo ý kiến của họ, vụ bê bối chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee nâng khống doanh thu lừa đảo ít nhất 200 triệu USD tiền huy động của nhà đầu tư Mỹ có thể đã kích hoạt quá trình này. Sau vụ Luckin Coffee, Hoa Kỳ bắt đầu khẳng định rằng, các quy tắc kiểm toán áp dụng cho các công ty Mỹ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cũng áp dụng cho bất kỳ công ty nào khác, kể cả các công ty Trung Quốc.
Về mặt lý thuyết, Hoa Kỳ có thể đẩy bất kỳ quốc gia nào ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Kinh nghiệm của Iran và Triều Tiên cho thấy rõ điều này. Nhưng, nếu Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt tương tự đối với Trung Quốc, thì một câu hỏi nảy ra: điều này sẽ tác động như thế nào đến chính Hoa Kỳ? Theo WTO, Trung Quốc chiếm 13% lượng hàng hóa xuất khẩu và 11% lượng hàng hóa nhập khẩu trên thế giới - đây là tỷ lệ lớn nhất trong thương mại thế giới. Nếu khối lượng giao dịch lớn như vậy không được thanh toán bằng USD, điều này có thể gây ra những cú sốc trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Đừng quên rằng, Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.100 tỷ USD nợ công của Chính phủ Mỹ, tương đương 5% tổng nợ công của Mỹ. Nếu Trung Quốc đáp trả bằng cách bán hết các trái phiếu Mỹ thì Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với vấn đề tăng mạnh chi phí lãi vay.
Dĩ nhiên, Mỹ có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt riêng biệt, nhưng, Hoa Kỳ sẽ không gây áp lực tài chính quy mô lớn đối với Trung Quốc. Đây là ý kiến của chuyên gia Jia Jinjing, trợ lý giám đốc từ Trung tâm nghiên cứu tài chính Chongyang tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Theo ông, sự tham gia của Trung Quốc vào quỹ đạo tài chính của Hoa Kỳ là rất cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sự phụ thuộc vào đồng USD không phải là một vấn đề. Liên quan đến ý định của Hoa Kỳ theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng và in thêm tiền, thì sự ổn định của giá trị tài sản Mỹ làm nảy sinh nhiều câu hỏi, chuyên gia nói.
“Tình hình hiện tại trên thị trường vốn ngắn hạn của Mỹ tạo ra sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính quốc tế. Giá trị tài sản của Mỹ định giá bằng USD phải được đánh giá lại có hệ thống. Đây không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, mà còn là vấn đề toàn cầu và không ai có thể tránh khỏi. Đồng thời, trong môi trường rộng lớn này còn có vấn đề về dòng tài chính. Trước đây các dòng vốn chủ yếu hướng vào dòng USD, vì thế hiện có những rủi ro lớn trong lĩnh vực này. Các biện pháp trừng phạt tài chính có hệ thống đối với Trung Quốc không thể được áp dụng vì sự rộng lớn của Trung Quộc cũng như vì bất ổn tài chính ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ có thể áp dụng một số biện pháp trừng phạt tài chính nhất định, chẳng hạn như đóng băng tài sản của những cá nhân hoặc công ty”.
Ngay cả đối với Nga, nước không chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại thế giới như Trung Quốc, Mỹ đã nêu cụ thể các mục tiêu trừng phạt. Hoa Kỳ đã ban bố lệnh cấm các ngân hàng Mỹ giao dịch với các chủ nợ của Nga và cung cấp tín dụng cho chính phủ Nga. Trong khi đó, không có hạn chế nào đối với các hoạt động ngoại thương của hầu hết các công ty Nga trong hệ thống thanh toán bằng USD. Theo chuyên gia Jia Jinjing, ngược lại, các tài sản Nga trước đây bị định giá bởi các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo bây giờ được đánh giá công bằng hơn. Có lẽ, đây là bài học chủ yếu có thể rút ra từ kinh nghiệm của Nga, chuyên gia nói.
“Các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt đối với Nga cũng nhằm vào các doanh nghiệp và cá nhân, và không thể áp dụng cho toàn bộ nước Nga. Trước đây, các nước phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã định giá các tài sản của Nga, và họ đã làm giảm giá của chứng khoán. Điều này khiến nhiều tài sản của Nga bị đánh giá thấp, do đó thị trường chứng khoán Nga cực kỳ thụ động. Tôi nghĩ rằng đây là bài học chính. Trung Quốc đang tiến hành cuộc cải cách tài chính quy mô lớn và tình hình trên thị trường chứng khoán gần đây khá ổn định. Thị trường tài chính của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách mở cửa. Điều này làm cho Trung Quốc chủ động hơn về mặt tài chính: giá trị tài sản của Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi các lực lượng bên ngoài”.
Tất nhiên, trong khi Washington phát những tín hiệu mâu thuẫn nhau rất khó để dự đoán chính sách của họ sẽ dẫn đến đâu. Ví dụ, tình huống với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, khi Peter Navarro - cố vấn thương mại của Trump nói thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã kết thúc, và sau vài giờ Trump khẳng định trên Twitter rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn “nguyên vẹn”. Tuy nhiên, theo logic kinh tế đơn giản, Hoa Kỳ khó có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn đối với Trung Quốc.