Đại dịch COVID-19

Bộ GTVT đề nghị cho nhân viên hàng không sử dụng giấy đi đường cũ

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cơ quan này vừa có văn bản đề nghị Hà Nội cho nhân viên hàng không tiếp tục được sử dụng mẫu giấy đi đường đã cấp trước ngày 4/9.
Sputnik
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ký văn bản đề nghị UBND, Công an thành phố Hà Nội gia hạn thời gian áp dụng việc phải dùng giấy đi đường do công an cấp đối với cán bộ, nhân viên hàng không làm việc trên địa bàn sân bay Nội Bài.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ việc kiểm soát tạm thời với cán bộ, nhân viên ngành hàng không hoạt động tại sân bay Nội Bài thực hiện trên cơ sở giấy đi đường của cá nhân từng đơn vị theo mẫu đã thực hiện trong giai đoạn trước ngày 4/9 và thẻ kiểm soát an ninh hàng không. Cùng với đó, Bộ GTVT đề nghị bố trí một đầu mối để thực hiện cấp giấy đi đường theo mẫu mới và ưu tiên triển khai sớm cho cán bộ, nhân viên toàn bộ các đơn vị ngành hàng không hoạt động tại địa bàn sân bay Nội Bài.
Đại dịch COVID-19
Hà Nội chia 3 vùng chống dịch, người dân mua hàng hóa thế nào?
Theo Bộ GTVT, sân bay Nội Bài có trên 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, 55 hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài và 5 cơ quan quản lý nhà nước với trên 10.000 nhân viên thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động trong một dây chuyền hàng không đồng bộ.
Trong trường hợp các cơ quan, đơn vị thành phố triển khai kiểm soát như kế hoạch nhưng chưa có phương án cấp giấy cụ thể thì phần lớn nhân viên không thể đến sân bay làm việc. Nhiều bộ phận tại sân bay, nhiều hãng hàng không không có đủ nhân viên cần thiết để duy trì hoạt động.
“Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì an ninh, an toàn hàng không và hoạt động của các chuyến bay, cũng như tiến độ của dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng tại Nội Bài”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Trước đó, thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, từ 7 giờ ngày 4/9, các đầu cầu Thăng Long, Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì là các cửa ngõ chính để kết nối sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm thành phố đã bố trí các điểm chốt trực kiểm soát dịch.
Cùng ngày, nhiều đơn vị ngành hàng không đã liên hệ với các đơn vị công an địa phương để cấp giấy đi đường có mã nhận diện theo quy định mới. Tuy nhiên, các đơn vị đều chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về khả năng cấp giấy đi đường theo phương thức mới cho nhân viên đi làm.
Từ 6 giờ 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9, Hà Nội sẽ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại 3 vùng. Trong đó, vùng 1 (vùng nội đô) tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và một số biện pháp ở mức cao hơn.
Một trường hợp F1 tại ngõ 328 Nguyễn Trãi được đưa đi cách ly.

Sau ngày 6/9, giấy đi đường ở TP.HCM có còn sử dụng được không?

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM vào chiều 5/9, đại diện Công an thành phố cho biết sẽ không cấp phát mẫu giấy đi đường mới sau ngày 6/9. Thời hạn của giấy đi đường hiện nay sẽ phụ thuộc vào thời gian giãn cách của thành phố.
Thời gian tới, sau khi một số địa bàn đã khống chế được dịch bệnh, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể được mở cửa lại, lực lượng công an đã tính tới một số giải pháp kiểm soát người ra đường.
“Các tiêu chí an toàn đã được đưa ra bàn luận như vấn đề tiêm vắc xin, vấn đề xét nghiệm, việc tuân thủ 5K, sản xuất, lưu thông có điều kiện”, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM nói.
Hiện nay, Công an thành phố cùng các sở, ngành, quận, huyện đang cập nhật các dữ liệu liên quan đến vấn đề tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, các trường hợp F0; các trường hợp được cấp giấy đi đường và dữ liệu về an sinh xã hội. Sau khi hệ thống quét mã QR tự động hoàn thiện, lực lượng công an sẽ nhận diện được người lưu thông đúng hay sai quy định mà không cần dùng đến giấy đi đường.
Đại dịch COVID-19
Bộ Y tế khuyến khích người dân TP.HCM tự thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại nhà
Để đạt được mục tiêu trên, Công an TP.HCM kêu gọi các cơ quan, đơn vị quan tâm, phối hợp cập nhật thông tin về người tiêm vắc xin, người bệnh, người khỏi bệnh vào dữ liệu của lực lượng công an. Ngoài ra, người dân cần tiêm vắc-xin Covid-19 sớm nhất có thể để góp phần giúp các hoạt động sớm mở cửa trở lại.
Từ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9, TP.HCM tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thành phố tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển...); người dân “ai ở đâu ở đó”; tổ công tác đặc biệt tại từng địa phương “đi chợ hộ” cho tất cả người dân.
 
Thảo luận