Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chính phủ và các địa phương đặt quyết tâm kiểm soát dịch ngay trong tháng 9 nhằm sớm phục hồi kinh tế.
Bộ Y tế lý giải vì sao Việt Nam chưa tiêm vaccine cho học sinh.
Tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam: Số ca mắc mới hôm nay
Bản tin tối của Bộ Y tế thông báo thêm 12.481 ca dương tính mới ở 39 tỉnh, thành phố, nâng tổng số ca nhiễm của Việt Nam từ đầu dịch đến nay lên thành 536.788 người.
Ngày hôm nay, Việt Nam cũng có thêm 9.730 bệnh nhân bình phục và 331 ca tử vong.
Như vậy, 24h qua, số ca nhiễm mới của Việt Nam giảm đi 624 trường hợp. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn căng thẳng tại TP.HCM với số ca tăng thêm 896 người. Bình Dương giảm 1.346 bệnh nhân, Đồng Nai giảm 372 ca bệnh. Trong khi đó, hai tỉnh Long An và Tiền Giang đều tăng thêm mỗi địa phương 101 người mắc nCoV.
Người đàn ông sống trong khu vực bị phong tỏa nhận thức ăn qua chướng ngại vật ở TP.Hồ Chí Minh
© REUTERS / Stringer
Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4/12.481 ca nhiễm mới là trường hợp nhập cảnh, còn lại, 12.477 người là lây nhiễm trong nước.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, trong số 12.477 ca mới phát hiện ngày 6/9, riêng TP.HCM chiếm đến 7.122 ca. Tiếp đó là Bình Dương 2.194.
Các tỉnh có dưới 1.000 ca nhiễm hôm nay gồm Đồng Nai 871, Long An 857, Tiền Giang 234, Kiên Giang 201, Tây Ninh 134.
Những địa phương phát hiện dưới 100 ca dương tính với coronavirus ngày 6/9 gồm có Khánh Hòa 97, Đồng Tháp 95, An Giang 87, Đăk Lăk 79, Cần Thơ 70, Đà Nẵng 63, Bình Thuận 48, Hà Nội 42, Phú Yên 34, Quảng Ngãi 31, Bình Phước 28, Bà Rịa - Vũng Tàu 22, Quảng Bình 21, Trà Vinh 20, Thừa Thiên Huế 14. Hai tỉnh Gia Lai và Sóc Trăng mỗi nơi có 13 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Nghệ An 12, Thanh Hóa 11, Cà Mau 10. Ba tỉnh Bình Định, Vĩnh Long và Bạc Liêu mỗi nơi phát hiện thêm 9 người dương tính với nCoV, Bắc Ninh 7, Lâm Đồng và Bến Tre mỗi tỉnh thêm 4 ca bệnh. Ở Ninh Thuận và Đăk Nông mỗi nơi thêm 3 ca, Sơn La và Quảng Nam mỗi nơi 2 ca nhiễm, trong khi Kon Tum và Bắc Giang mỗi địa phương chỉ ghi nhận 1 ca dương tính mới.
Các tỉnh có tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất Việt Nam hiện nay gồm TP.HCM (258.536), Bình Dương (134.627), Đồng Nai (29.420), Long An (25.942), Tiền Giang (10.805). Riêng thủ đô Hà Nội đã có 3.817 ca bệnh.
Với số ca nhiễm 536.788, Việt Nam đang đứng vị trí số 51/222 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận nhiều ca mắc SARS-CoV-2 nhất. Trong khi đó, xét về tỷ lệ nhiễm trung bình trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 159 thế giới với tỷ lệ 5.457 ca mắc/1 triệu dân. Đáng chú ý, tỷ lệ này hiện vẫn đang tăng lên do tỷ lệ tiêm chủng và bao phủ vaccine còn thấp.
Tiêm vaccine đợt 5, mũi 2 cho cán bộ, viên chức các sở, ban, ngành tỉnh An Giang.
© Ảnh : Thanh Sang – TTXVN
Về tình hình điều trị, Bộ Y tế cho hay, nay thêm 9.730 ca xuất viện, nâng tổng số ca khỏi lên thành 301.457 người.
Trong số 221.942 bệnh nhân đang được điều trị, có 6.407 ca nặng, trong đó, số bệnh nhân cần thở máy xâm lấn là 909 trường hợp, số ca nguy kịch cần can thiệp ECMO là 32.
Về tỷ lệ tử vong, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tử vong do Covid-19 của Việt Nam hiện vẫn cao hơn mức trung bình của thế giới. Con số tương quan hiện tại là 2,5 (tỷ lệ tử vong của Việt Nam) vs 2,1 mức trung bình trên toàn cầu.
Việt Nam hôm nay ghi nhận thêm 311 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi vì Covid-19 của đất nước lên thành 13.385 người.
Về tình hình xét nghiệm, Bộ Y tế cho biết, 24h qua có thêm 494.756 xét nghiệm cho 1.169.631 lượt người, nâng tổng số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 17.695.842 mẫu cho 40.159.783 lượt người. Đó là sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế Việt Nam.
Liên quan đến tình hình tiêm chủng, hôm qua có thêm 567.105 liều vaccine được tiêm, nâng tổng số liều đã tiêm lên thành 22.012.123 liều. Trong số này, mới chỉ có 3.338.783 liều mũi 2, mũi 1 là 18.673.340 liều (tức mới chỉ có gần 3,5%) dân số Việt Nam được tiêm chủng đủ 2 liều vaccine Covid-19.
Việt Nam chưa tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh
Bộ Y tế Việt Nam cho biết, hiện chưa tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng là học sinh.
Lý do được Bộ Y tế đưa ra là do nguồn vaccine cung ứng cho Việt Nam còn hạn chế, nên ưu tiêm tiêm cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
“Khi nào có thêm vaccine sẽ tiêm cho học sinh”, Bộ Y tế cho biết.
Thông tin này được Bộ Y tế trình bày trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ sau khi Thủ tướng đề nghị hai Bộ Y tế và Giáo dục & Đào tạo phối hợp triển khai tiêm vaccine cho học sinh để đảm bảo nhập học năm học mới an toàn.
Bộ Y tế báo cáo với Chính phủ rằng “đã cố gắng” tiếp cận các nguồn vaccine Covid-19.
“Tuy nhiên hiện nay số lượng cung ứng cho Việt Nam chỉ đáp ứng một phần nhu cầu phòng chống dịch theo Nghị quyết số 21. Bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương, đơn vị tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên”, Bộ Y tế lưu ý.
Bộ cam kết với Chính phủ rằng, dự kiến khi thêm nguồn cung ứng, vaccine phân bổ về các địa phương, đề nghị UBND các tỉnh thành phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có người dưới 18 tuổi, bao gồm cả học sinh.
Việt Nam quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19 trong tháng 9
Phát biểu kết luận Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 hôm nay (như Sputnik Việt Nam đã cập nhin tin tức trước đó), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến quyết tâm sớm kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 để từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh ở các vùng “đã an toàn”.
Thừa nhận tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng qua của Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát tốt dịch bệnh, đây là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế.
Báo cáo tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không bao gồm thông qua nguồn COVAX vốn đã có cam kết với Chính phủ Việt Nam nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể thời gian giao).
“Vaccine sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm”, ông Long thông tin.
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới.
“Theo đó, tiến độ tiêm phải đạt một triệu mũi/ngày mới hoàn thành kế hoạch”, Bộ trưởng Long lưu ý.
Bộ Y tế yêu cầu, trước hết, 5 địa phương gồm TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Đồng Nai phải hoàn thành mũi 1 trước 15/9.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong lúc vaccine khan hiếm, chưa tiêm bao phủ được thì các biện pháp phòng ngừa vẫn là cơ bản, trong đó có các biện pháp giãn cách xã hội.
“Chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn”, Thủ tướng lưu ý.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng phải xây dựng kịch bản phục hồi tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới với nỗ lực tiêm bao phủ thêm vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái "bình thường mới".
Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.
“Phải tăng cường tuyên truyền, vận động, kêu gọi để nhân dân chia sẻ, thông cảm, hưởng ứng, tích cực tham gia. Còn chống dịch là quan trọng, cần thiết, đột phá, phải tích cực, mạnh mẽ, quyết liệt”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, nhất là ngoại giao vaccine, đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Thủ tướng Việt Nam cũng chỉ đạo thí điểm hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm với dự kiến đón khoảng 2 – 3 triệu lượt người.
Thủ tướng cho rằng, cần tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập vấn đề kiểm soát đi lại với người dân ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và cho biết, các bộ, ngành đã xây dựng nhiều app (ứng dụng trên smartphones).
“Do đó, các địa phương cần nghiên cứu, chủ động chuẩn bị trước để khi cần, có thể áp dụng triển khai ngay, tránh lúng túng, bị động”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp.
© Ảnh : Nguyễn Điệp - TTXVN
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thế giới có khả năng sản xuất 1,5 tỷ liều vaccine mỗi tháng vào cuối năm 2021 và 2,2 tỷ liều mỗi tháng trong năm 2022. Với tín hiệu tích cực về vaccine, các nước có thể đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho năm 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xu hướng của thế giới hậu Covid-19 là nền kinh tế xanh và kinh tế số, trong đó, kinh tế số được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Từ nay đến 15/9, các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch tổng thể chung khi mở cửa nền kinh tế.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong lúc khó khăn này, phải biến nguy thành cơ, cơ hội để đánh giá quản trị quốc gia, cơ hội đánh giá cán bộ, cơ hội chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
“Càng trong lúc này càng phải đoàn kết, thống nhất, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể để thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động tối đa các nguồn lực, nguồn lực bên trọng là cơ bản, quyết định, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu rõ.