Dự án Cát Linh – Hà Đông 10 lần lỗi hẹn, phía Việt Nam hay Trung Quốc chịu trách nhiệm?

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông 10 lần lỗi hẹn, đội vốn gần 10.000 tỷ đồng, chưa biết ngày chạy thật. Trách nhiệm thuộc về ai, Tổng thầu EPC Trung Quốc hay chủ đầu tư – Bộ GTVT của Việt Nam?
Sputnik
Văn bản số 352 của Bộ GTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã chốt thời gian “về đích” cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tăng 7,8 triệu USD phí tư vấn giám sát

Những ngày qua, báo chí trong nước đưa tin rộng rãi về việc tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông kéo dài, làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát khoảng 7,835 triệu USD nhưng bên cho vay lại không đồng ý dùng vốn dư để chi trả, còn vốn đối ứng lại rất ít.
Có thể nói, chưa dự án nào gây chú ý dư luận như Cát Linh – Hà Đông, qua bốn đời Bộ trưởng GTVT, sau cả chục lần đội vốn, không biết bao nhiêu lần rời tiến độ, vẫn chưa biết “lối ra”, ngày chạy thật.
Cụ thể, trong văn bản trả lời Bộ Tài chính mới đây về việc sửa đổi khoản 1.7 điều 1 Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, chủ đầu tư dự án này - Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cho biết do hợp đồng EPC của dự án này không hoàn thành đúng tiến độ đã làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát. Do đó, sẽ cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.
Theo văn bản trả lời Bộ Tài chính của Bộ GTVT, nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít, trong khi hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD.
Giao thông Hà Nội: Khi nghịch lý là thế mạnh
Do đó, từ cuối tháng 4/2021, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sửa đổi khoản 1.7 điều 1 hiệp định vay bổ sung. Bộ GTVT cũng đồng thời xem xét, chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của hiệp định vay bổ sung.
Tuy nhiên, đến ngày 20/8/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư) báo cáo Bộ GTVT là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo 2 nội dung đề nghị của Bộ GTVT nói trên đã được ngân hàng này trả lời tại thư ngày 16/3/2021 trước đó.
Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của hiệp định vay. Bên cạnh đó, Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay. Như vậy, đề nghị của phía Việt Nam bị đối tác Trung Quốc từ chối.
Theo một chuyên gia trong ngành, đối với tình huống này, thông thường sẽ sử dụng vốn dư của hiệp định vay vốn nước ngoài hoặc vốn dự phòng, vốn đối ứng để chi trả phần chi phí tăng thêm.
Nhưng với các hiệp định vay vốn nước ngoài (như ở dự án Cát Linh – Hà Đông) dù chỉ điều chỉnh 1 điều khoản cũng thực hiện theo quy trình như ký một hiệp định mới, nên thời gian làm thủ tục rất lâu.
Do đó, trường hợp không còn vốn đối ứng thường sẽ sử dụng vốn ngân sách để trả phần chi phí tăng thêm.

Dự án Cát Linh – Hà Đông tiếp tục chờ nghiệm thu

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, dự án Cát Linh – Hà Đông đã có một số lần chạy tàu thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức với nhiều lý do.
Đến nay, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (gọi tắt là Hội đồng Kiểm tra nhà nước) chưa chấp thuận nghiệm thu và cho phép dự án đi vào hoạt động.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông
Theo Bộ GTVT, hiện tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị.
Như đã thông tin, từ đầu tháng 4/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) và Công ty Đường sắt Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường.
Bộ GTVT cũng làm việc, phối hợp với UBND TP. Hà Nội trong việc tiếp nhận dự án và hoàn thiện các giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (ACT - Pháp).
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, qua mấy đời Bộ trưởng GTVT, sắp “chạy thật”
Mặc dù vậy, theo quy trình của công tác cấp chứng chỉ an toàn hệ thống châu Âu, ACT phải báo cáo với Ủy ban ISA (Ủy ban Các tư vấn đánh giá an toàn độc lập mà ACT là thành viên) xem xét ra quyết định cuối cùng.
Trên cơ sở đó, ngày 5/5, phía tư vấn ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống số EC_9082_0022_rev 02 do CERTIFER SA cấp (thay thế chứng nhận đã cấp ngày 29/4/2021).
Ngay sau khi dự án có chứng nhận này, Bộ GTVT đã khẩn trương bổ sung vào báo cáo “nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng”, gửi Hội đồng Kiểm tra nhà nước để xem xét, đánh giá cuối cùng trước khi ra thông báo về kết quả nghiệm thu, cho phép khai thác thương mại.
Bộ GTVT khẳng định, thông báo của Hội đồng Kiểm tra nhà nước là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc tiến hành hoàn tất thủ tục bàn giao dự án để đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Ai chịu trách nhiệm khi Cát Linh – Hà Đông lỗi hẹn, đội vốn?

Trước việc dự án Cát Linh – Hà Đông liên tục đội vốn, chậm tiến độ, chưa thể về đích, Bộ GTVT cho rằng nguyên nhân chính là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư.
Ở đây chính là khâu tư vấn lập dự án, tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu.
Quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án dài, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về thể chế, biến động về giá nguyên nhiên vật liệu, chính sách tiền lương và tỷ giá ngoại tệ... làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổng mức đầu tư dự án.
“Để xảy ra việc này, trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu Trung Quốc. Về trách nhiệm liên quan, Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án”, Bộ GTVT cho hay.

Động thái mới về dự án Cát Linh – Hà Đông từ Bộ GTVT

Ngày 14/9, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải đã ký văn bản văn bản số 352/TB-BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, tại văn bản này, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là “một trong những dự án trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2021”.
Bộ GTVT xin nhân dân “thông cảm”, tàu Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa chạy vào 1/5
Theo đó, Bộ GTVT nêu rõ tại văn bản số 352 rằng, đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án có mốc thời gian hoàn thành trong năm 2021, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tập trung chỉ đạo xử lý tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.
Từ đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để có chỉ đạo, xử lý.
Các dự án trọng điểm, cấp bách này bao gồm dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông; dự án nâng cấp, cải tạo đường lăn, sân đỗ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách khác...
Trong văn bản truyền đạt kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đối với các dự án vay vốn ODA, đặc biệt là 2 dự án giao thông kết nối phía Bắc và Tây Nguyên, hiện nay các dự án này đều chậm tiến độ.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có các giải pháp quyết liệt xử lý vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ nghiệm thu thanh toán để quyết tâm giải ngân hết số vốn được giao theo đúng tiến độ yêu cầu.
Về phần các dự án PPP, nhóm 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), 3 dự án này đã được Bộ Giao thông Vận tải ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, nhưng còn một số vướng mắc về tài chính do nhà đầu tư chưa ký kết được hợp đồng tín dụng với ngân hàng.
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Đối tác công tư, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp lý.
“Khẩn trương xây dựng các kịch bản có thể xảy ra để chủ động tham mưu cho Bộ chỉ đạo, xử lý và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời”, văn bản 352 lưu ý.
Riêng đối với nhóm dự án đang khai thác, vụ Đối tác công tư phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, xử lý các vướng mắc liên quan đến thủ tục thu phí của các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Đối với nhóm các dự án chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới, Vụ Đối tác công tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng tiến độ yêu cầu.
“Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ban quản lý dự án đã có nhiều cố gắng thi công, giải ngân vốn đầu tư công, không để dự án nào phải dừng, hoãn thi công”, Bộ GTVT lưu ý.

Dự án Cát Linh- Hà Đông: 10 lần lỡ hẹn, đội vốn gần 10.000 tỷ

Như Sputnik đã thông tin, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga trên lộ trình: Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông - trung tâm Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu depo tại Ba La (Hà Đông).
Hé lộ thời gian dự kiến vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Tuyến Cát Linh – Hà Đông theo thông báo của Bộ GTVT và đơn vị khai thác trước đó cho biết, sẽ có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn 4 toa), tuần suất hoạt động 4-6 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ.
Dự án Cát Linh – Hà Đông, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD), tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).
Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc là Tổng thầu EPC. Tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ ngày 10/10/2011, ngay từ thời cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng đã luôn chỉ đạo khẩn trương thi công, hoàn thành dự án, thậm chí sẵn sàng “trảm tướng” nếu không đáp ứng tiến độ, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan, từ đó đến nay, qua mấy đời Bộ trưởng GTVT, dự án 10 lần lỡ hẹn, đội vốn gần 10.000 tỷ đồng và chưa có “lối ra” cụ thể.
Lần lỡ hẹn gần đây nhất, Bộ GTVT đã hứa đưa vào khai thác vào ngày 1/5/2021 nhưng cũng không thành.
Có thể khẳng định, sau nhiều lần trễ tiến độ, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vẫn không ấn định thời gian về đích, do đó, việc hạ quyết tâm đưa dự án này vào sử dụng trong năm 2021 được cho là nỗ lực lớn từ phía lãnh đạo Bộ GTVT.
Thảo luận