Chuyến thăm Hà Nội đầu tiên của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris mới kết thúc, thì cuối tuần này, giới lãnh đạo Việt Nam đã đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Quốc phòng mới của Nhật Bản Kishi Nobuo.
Mặc dù chuyến thăm của Bộ trưởng Nhật Bản đã được lên kế hoạch sớm hơn, nhưng bị hoãn lại do đại dịch COVID-19, sự trùng hợp của hai chuyến thăm mang ý nghĩa sâu sắc.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris phát biểu tại buổi họp báo chiều 26/8/2021
© Ảnh : Bùi Lâm Khánh - TTXVN
"Các chuyến thăm của đại diện cấp cao Trung Quốc và Nhật Bản là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng chiến lược mà các quốc gia hàng đầu khu vực coi Việt Nam là một trong những trọng điểm trong cục diện địa chiến lược hiện đại của các nước ASEAN. Hà Nội đã thể hiện một nỗ lực khá thành công, mặc dù khó khăn, nhằm cân bằng giữa các cường quốc quan trọng nhất trong khu vực", Anna Kireeva - phó giáo sư Khoa Đông phương học trường MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Biển Đông – hòn đá trở ngại
Mặc dù Vương Nghị đã nói nhiều về tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước xã hội chủ nghĩa, nhưng vấn đề Biển Đông vẫn không thể bỏ qua. Vương Nghị nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng hai nước không nên phóng đại các tranh chấp của mình, trong khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc nên sử dụng đối thoại để giải quyết bất kỳ khác biệt nào dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đảm bảo an toàn, tự do hàng hải và hàng không. Kishi Nobuo cũng nói về Biển Đông. Phát biểu tại Bộ Quốc phòng Việt Nam, ông đề cập đến luật mới của Trung Quốc cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nước này sử dụng vũ khí, và tuyên bố Nhật Bản không bao giờ có thể đồng ý với luật này, vốn có vấn đề về mặt tuân thủ luật pháp quốc tế.
Việt Nam chờ đợi vũ khí từ Nhật Bản
Thái độ của Việt Nam và Nhật Bản đối với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông được cụ thể hóa bằng mong muốn tăng cường hợp tác quân sự giữa hai bên. Trong chuyến thăm của Kishi Nobuo, một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đã được ký kết về việc cung cấp vũ khí và công nghệ quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam Phan Văn Giang cũng nhất trí đẩy nhanh việc thảo luận về loại vũ khí nào trong lĩnh vực trang bị cho tàu chiến có thể trở thành đối tượng xuất khẩu sắp tới. Thỏa thuận này có tầm quan trọng lớn đối với Nhật Bản, vì sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vào năm 2014, các thiết bị quân sự Nhật không thể ồ ạt sang các nước khác do giá quá cao. Việt Nam và Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua các cuộc tập trận chung và các biện pháp khác.
Hợp tác quân sự giữa hai nước có một lịch sử rất phong phú, dù ngắn ngủi.
"Sau sự cố giàn khoan Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, chính phủ Nhật Bản đã bàn giao 6 tàu chiến đã qua sử dụng cho Hà Nội để bổ sung cho lực lượng Cảnh sát biển, - bà Anna Kireeva nhắc lại, - Tháng Tư năm 2016, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSS) tiến hành một cuộc tập trận chung với hải quân Việt Nam tại cảng Cam Ranh. Vào tháng 9 năm 2018, tàu ngầm hải quân Nhật đã đến thăm cảng Cam Ranh lần đầu tiên, và sau đó tàu này cũng lần đầu tham gia tập trận tại vùng biển Đông. Tháng Sáu năm 2019, hai nước đã tổ chức tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển Đông Nam Việt Nam và vào tháng 10, ký kết bản ghi nhớ trong đó hai bên nhất trí tổ chức tham vấn thường xuyên ở cấp thứ trưởng và viếng thăm các cảng. Vào tháng 7 năm 2020, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA đồng ý cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản vay ưu đãi trị giá 347 triệu đô la để mua sáu tàu tuần tra mới của Nhật Bản, sẽ được đóng từ năm 2020 đến năm 2025. Các tàu mới sẽ có thể giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải".
Việt Nam là "nền tảng" cho Nhật Bản
Kishi Nobuo là em trai Thủ tướng Nhật Bản khóa trước Abe Shinzo. Khi tái đắc cử chức vụ, Thủ tướng Abe bắt đầu chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên tại Việt Nam, qua đó cho thấy vai trò trung tâm của quốc gia này trong khu vực. Sau khi Thủ tướng Abe từ chức, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vẫn tiếp tục chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Ông cũng chọn Việt Nam là quốc gia nước ngoài đầu tiên đẻ đến thăm vào tháng 10 năm 2020, nơi mà ông mô tả là "nền tảng trong việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Sau đó, hai bên nhất trí Nhật Bản có thể xuất khẩu máy bay tuần tra, radar và các loại thiết bị cùng công nghệ quân sự khác sang Việt Nam. Nhật Bản cũng mong muốn Việt Nam là thành viên tham gia “Bộ Tứ” mở rộng (Đối thoại An ninh Bốn bên), vốn được mệnh danh là "NATO châu Á". Nhưng Việt Nam cho đến nay vẫn kiên quyết tuân thủ nguyên tắc "bốn không", trong đó tuyệt đối không gia nhập bất kỳ liên minh và khối quân sự nào. Tuy nhiên, việc tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản là một tín hiệu rất rõ ràng để Trung Quốc sửa đổi chính sách ở Biển Đông, chuyên gia Nga tin tưởng, và Bắc Kinh cần nghe thấy tín hiệu này.