Liệu Việt Nam có cho phép nhập khẩu máy bay Boeing 737 MAX?

Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cho phép nhập khẩu máy bay Boeing 737 MAX (B737 MAX - dòng máy bay phản lực thân hẹp của Boeing).
Sputnik
Cục Hàng không nhấn mạnh, nhiều cơ quan hàng không thế giới đã gỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với máy bay Boeing B737 MAX, trong đó gồm cả cấp phép bay đi, bay đến, cả bay quá cảnh cho các máy bay Boeing 737 MAX.

Kiến nghị cho nhập khẩu máy bay Boeing 737 MAX vào Việt Nam

Việt Nam có thể sẽ cho phép máy bay Boeing 737 MAX được phép hoạt động bay đi/đến lãnh thổ cũng như sẽ xem xét khả năng nhập khẩu dòng máy bay phản lực thân hẹp một lối đi được phát triển bởi hãng Boeing Commercial Airplanes.
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing mở văn phòng ở Việt Nam
Ngày 20/9, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép Cục thực hiện các thủ tục để cho phép máy bay Boeing 737 MAX được phép hoạt động bay đi/đến lãnh thổ Việt Nam.
Không những thế, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nhị đồng thời triển khai quy trình cấp công nhận Giấy chứng nhận cho loại máy bay này có thể nhập khẩu vào Việt Nam thời gian tới.
Thông tin về việc Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép dòng máy bay Boeing 737 MAX đi, đến Việt Nam cũng như nhập khẩu vào trong nước gây chú ý. Cơ quan chức năng liên quan của đất nước khẳng định, căn cứ vào kết quả đánh giá của các cơ quan hàng không trên thế giới và chỉ số an toàn của loại máy bay Boeing 737 MAX sau khi được cấp phép khai thác trở lại nên đưa ra đề xuất như trên.
Theo tin từ Cục trưởng Đinh Việt Thắng, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp tục làm việc với đại diện Nhà sản xuất máy bay Boeing để cập nhật về tình hình hoạt động của máy bay Boeing 737 MAX (B737 MAX) trên thế giới và có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nội dung này.
Theo thông tin cập nhật từ nhà sản xuất máy bay Boeing, hiện nay 178 trong tổng số 195 nhà chức trách hàng không trên thế giới đã dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với máy bay Boeing 737 MAX, trong đó gồm có cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tiêu chuẩn, cấp phép bay đi/đến và bay quá cảnh cho các máy bay Boeing 737 MAX.
Bên cạnh hai cơ quan hàng không lớn nhất trên thế giới là Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu (EASA) , các cơ quan hàng không của Brazil, Nhật Bản, Australiaa cũng đã cho phép Boeing 737 MAX hoạt động trở lại.
Nhà chức trách hàng không Trung Quốc và Indonesia dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm Boeing 737 MAX ngay trong tháng 9 này.

Máy bay Boeing 737 MAX an toàn đến đâu?

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi được Cục Hàng không Liên bang Mỹ và Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu cho phép hoạt động trở lại, hiện nay đã có hơn 360 máy bay Boeing 737 MAX của 35 hãng hàng không thế giới đã khai thác trở lại.
Việt Nam đồng ý cho phép Boeing 737 Max bay quá cảnh qua lãnh thổ
Tính đến ngày 15/9, sau khi được phép quay lại hoạt động, Boeing 737 MAX đã thực hiện được hơn 150.000 chuyến bay với tổng số hơn 370.000 giờ bay an toàn.
“Chỉ số tin cậy khởi hành (chậm chuyến trên 15 phút vì lý do kỹ thuật) trung bình đạt trên 99,35%”, Cục Hàng không nhấn mạnh.
Theo đó, căn cứ vào kết quả đánh giá của các nhà chức trách hàng không trên thế giới và chỉ số an toàn của loại tàu bay Boeing 737 MAX sau khi được cấp phép khai thác trở lại, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép Cục thực hiện các thủ tục cần thiết để cho phép máy bay Boeing 737 MAX được phép hoạt động bay đi/đến lãnh thổ Việt Nam.
“Triển khai quy trình cấp công nhận Giấy chứng nhận cho loại máy bay Boeing 737 MAX có thể nhập khẩu vào Việt Nam”, Cục Hàng không nêu rõ.
Như Sputnik đã thông tin, đầu tháng 3/2021 Cục Hàng không Việt Nam cũng đã kiến nghị Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho phép máy bay Boeing 737 MAX được phép hoạt động bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.
Kiến nghị của cơ quan hàng không Việt Nam được đưa ra trên cơ sở công tác khắc phục của Boeing, đánh giá của các nhà chức trách hàng không lớn trên thế giới (FAA, EASA, TCCA, ANAC...) và các chỉ số hoạt động của máy bay Boeing 737 MAX.
Boeing.
Sau đó, đến thángg 4/2021, Bộ GTVT đã có văn bản thống nhất với kiến nghị của Cục về việc cho phép máy bay Boeing B737 MAX được phép hoạt động bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam. Văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký.
Tuy nhiên, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin từ các nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, Australia, Trung Quốc phê chuẩn và cho phép khai thác.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không phải đánh giá, nếu dòng máy bay này thỏa mãn các quy định của Việt Nam mới tiến hành cho phép bay đi đến và thực hiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Vietjet chưa khai thác máy bay Boeing 737

Như đã biết Boeing 737 MAX là phiên bản thế hệ thứ tư của dòng 737 Next Generation series của hãng Boeing, với thay đổi chính là sử dụng động cơ CFM International LEAP-1B lớn hơn và hiệu quả hơn cùng với một số điều chỉnh ở phần mềm điều khiển máy bay.
Kiến nghị cho phép Boeing 737 Max bay quá cảnh Việt Nam
Tuy nhiên, sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng của máy bay 737 MAX 8 vào ngày 29 tháng 10 năm 2018 và 10 tháng 3 năm 2019 khiến toàn bộ 346 người thiệt mạng.
Kể từ năm 2019, Boeing đã phải đối mặt với một số cuộc điều tra về thiết kế của máy bay Boeing 737 MAX liên quan đến hai vụ rơi máy bay của Lion Air (Indonesia) và của Ethiopian Airlines. Các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đã cấm hàng loạt 737 MAX cho đến khi xác định được nguyên nhân hai vụ tai nạn và khắc phục được tất cả các vấn đề liên quan.
Các điều tra sơ bộ cả hai vụ thảm họa hàng không kinh hoàng cho thấy lỗi hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) được thiết kế đặc biệt cho dòng 737 MAX, có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn.
Các cơ quan hàng không hàng đầu thế giới FAA, EASA, TCCA, ANAC…cũng yêu cầu khi máy bay Boeing B737 MAX khai thác trở lại, nhà sản xuất máy bay Boeing phải cập nhật hàng tuần các chi số độ tin cậy và an toàn liên quan đến tất cả các máy bay Boeing B737 MAX đang hoạt động trên thế giới hiện nay.
Việt Nam là một trong các quốc gia cấm sử dụng hoặc cấm máy bay Boeing 737 MAX bay vào không phận của mình gồm Liên minh châu Âu, Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Mông Cổ, Malaysia. Các máy bay Boeing 737 MAX, dòng máy bay đắt hàng nhất của Boeing, đã bị cấm bay trên toàn thế giới sau các tai nạn thảm khốc kể trên.
Riêng tại Việt Nam, Cục Hàng không đã quyết định tạm thời không cấp phép bay mới và đình chỉ hiệu lực phép bay đã cấp đối với các chuyến bay sử dụng loại máy bay Boeing 737 MAX trong vùng trời Việt Nam từ 10 giờ sáng 13/3/2019.
Đến tháng 4 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cơ bản thống nhất với kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam về việc cho phép tàu bay Boeing B737 Max được phép hoạt động bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.
Trước “thời kỳ đen tối của Boeing”, hãng hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký hợp đồng đặt mua 200 máy bay Boeing 737 MAX mới với hai đơn hàng năm 2016 và 2019.
Đặc biệt, hãng Vietjet của Việt Nam cũng là hãng hàng không có đơn hàng mua Boeing B737 MAX lớn nhất tại châu Á.
Tuy nhiên, đến nay, phía Vietjet chưa nhận cũng như chưa khai thác máy bay Boeing 737 MAX nào trong hợp đồng nói trên.

Khả năng Boeing 737 MAX trở lại Việt Nam

Như chúng tôi đã thông tin, trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam được ghi nhận là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Boeing: Hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á
Điển hình như năm 2019, với lượng khách thông qua Cảng hàng không đạt tới 116 triệu lượt khách, thị trường hàng không Việt Nam trở thành một thị trường sôi động và được dự báo sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Đặc biệt, tỷ trọng vận tải hành khách qua đường hàng không tăng gấp hơn 2 lần từ mức 0,5% trong năm 2009 lên mức 1,2% trong năm 2019.
Đối với vận tải hành khách đường bộ, đây là hình thức vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất, trên 93% trong năm 2019, tăng đều trong vòng 10 năm qua với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lịch sử hàng không Việt Nam bị gián đọa năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, nhất là khi đóng cửa biên giới, lệnh hạn chế đi lại được thực hiện, ngành du lịch và vận tải hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam chỉ chuyên chở khoảng 36,3 triệu lượt hành hành khách, trong đó khoảng 7,23 triệu lượt khách quốc tế. So với năm 2019, con số này giảm tới 54,1%. Nếu tính riêng khách quốc tế, con số này giảm tới 82,7%, khách nội địa giảm 22,3%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vận tải hàng không theo đó cũng chịu những tổn thất rất lớn.
Cục Hàng không Việt Nam: Cấm bay dòng Boeing 737 MAX là cần thiết
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đánh giá Covid-19 được cho là cú sốc lớn nhất đối với vận tải hàng không kể từ Thế chiến thứ 2. Dịch bệnh gây ra mức suy giảm kỷ lục về lượng hành khách luân chuyển toàn cầu (66%), ước tính thiệt hại gần 118,5 tỷ USD trong năm 2020 và trên 38,7 tỷ USD trong năm 2021.
Nhiều báo cáo, nghiên cứu lưu ý, thị trường hàng không Việt Nam có thể phát triển theo hình chữ V trong nửa cuối năm 2021 hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tiêm chủng vaccine, mở cửa lại biên giới, khôi phục đường bay nội địa/quốc tế, mở cửa du lịch và cách xử lý khó khăn của các doanh nghiệp hàng không.
Theo các chuyên gia hàng không, cùng với với việc Bộ GTVT đồng ý với kiến nghị của Cục Hàng không về việc cho phép máy bay Boeing 737 MAX bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, cơ hội để dòng máy bay nay trở lại bầu trời Việt Nam là rất lớn, tiềm năng để các hãng hàng không trong nước nhập B737 MAX về là hoàn toàn khả thi. Điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục và phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay
Thảo luận