Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Ấn Độ Vương Nghị và Subramaniyam Jaishankar giữ các quan điểm tương tự về tình hình ở biên giới. Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng vấn đề đang phát triển theo hướng giảm leo thang. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết sau cuộc họp cấp bộ trưởng, Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề biên giới trên ranh giới kiểm soát trên thực tế. Họ gặp nhau vào ngày 16 tháng 9 trong khuôn khổ tham gia sự kiện hội nghị thượng đỉnh SCO ở Dushanbe.
Cuộc gặp trước đó diễn ra vào ngày 14 tháng 7. Tần suất tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao cấp cao phản ánh mong muốn của hai bên trong việc tránh đối đầu trên biên giới càng sớm càng tốt. Đường lối như vậy, thể theo tất cả, rõ ràng đang dần dần mang lại kết quả. Đặc biệt, lần này, các bộ trưởng nhất trí rằng đàm phán giữa quân đội và các nhà ngoại giao về các vấn đề biên giới chưa được giải quyết cần được tiếp tục càng sớm càng tốt. Vương Nghị cho rằng: các liên hệ trước đây rất nghiêm túc và hiệu quả. Ngoại trưởng Trung Quốc hy vọng hai bên cùng có những động thái hưởng ứng để cuối cùng đạt được sự ổn định tình hình và chuyển dần từ các biện pháp khẩn cấp sang kiểm soát bình thường. Về phần mình, phía Ấn Độ sẵn sàng giải quyết sớm các vấn đề còn lại ở Đông Ladakh, đồng thời kêu gọi tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận và nghị định thư song phương.
Trong cuộc hội đàm, Vương Nghị lưu ý rằng Trung Quốc và Ấn Độ, với tư cách là hai nền kinh tế lớn, không nên tạo ra các mối đe dọa lẫn nhau, mà nên coi nhau là cơ hội để phát triển. Bộ trưởng kêu gọi đưa quan hệ song phương và hợp tác thiết thực vào quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định.
"Lý thuyết về sự đụng độ của các nền văn minh"
Trong các báo cáo chính thức về cuộc họp của các ngoại trưởng, cả hai bên đều nói rằng Ấn Độ không bao giờ ủng hộ ý tưởng về sự đụng độ của các nền văn minh. Jaishankar đã nói điều này tại cuộc hội đàm. Ông kêu gọi Ấn Độ và Trung Quốc thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Và đối với điều này, theo Bộ trưởng Ấn Độ, việc cần thiết là Trung Quốc không xem xét quan hệ song phương trên quan điểm quan hệ với các nước thứ ba.
Alexei Kupriyanov, nhà nghiên cứu cấp cao tại IMEMO RAN (Viện Nghiên cứu quốc gia về kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế E.M. Primakov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga), chuyên gia tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai, giải thích ý nghĩa quan điểm của Ấn Độ trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Theo ý kiến của ông, ở Ấn Độ, trước hết, họ muốn Trung Quốc không xem xét các mối quan hệ song phương trong bối cảnh cạnh tranh với Hoa Kỳ: “Ấn Độ muốn Trung Quốc không tự động ràng buộc Ấn Độ với tư cách là một đồng minh của Mỹ, để họ coi Ấn Độ không phải là một chư hầu của Mỹ, để họ hiểu rằng Ấn Độ là một nước độc lập. Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc có ý nghĩa riêng, logic riêng của chúng, vì vậy không nên cố gắng nhìn chúng qua lăng kính của sự kình địch Trung - Mỹ, mà cố gắng tìm kiếm đường lối xích lại gần với nó".
Trong các báo cáo chính thức về hội đàm, cả hai bên đều trích dẫn một tuyên bố khác của Bộ trưởng Ấn Độ.
Ông nói rằng: "sự đoàn kết của châu Á sẽ phụ thuộc vào tấm gương của mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc".
"Đây cũng là một vấn đề rất nhạy cảm đối với Ấn Độ", - chuyên gia Alexei Kupriyanov nhận xét.
"Ở Ấn Độ phổ biến một quan niệm sai lầm rằng: Trung Quốc được cho là đang phấn đấu cho một định dạng không phù hợp với nó chút nào - “thế giới đa cực, châu Á đơn cực ”. Ấn Độ ủng hộ một thế giới đa cực, nhưng họ cũng ủng hộ một châu Á đa cực. Ấn Độ muốn Trung Quốc công nhận yêu sách của họ, quyền ảnh hưởng của họ ở khu vực Ấn Độ Dương. Theo quan điểm của Ấn Độ, điều cực kỳ quan trọng là Trung Quốc phải đồng ý với công thức của Ấn Độ về một châu Á đa cực, trong đó quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc là then chốt để thiết lập hòa bình, trật tự và bình ổn ở châu Á, để tất cả các dự án của Trung Quốc làm việc, bao gồm cả "Vành đai và con đường"".
Rõ ràng, hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên các nền tảng đa phương như SCO và BRICS chính là tạo ra cơ hội và điều kiện để vượt qua những quan ngại như vậy của phía Ấn Độ. Ngoài ra còn có các cơ chế tương tác song phương đang hoạt động tốt, nhu cầu sử dụng các cơ chế này nhằm tăng cường các biện pháp xây dựng củng cố lòng tin sẽ tăng lên theo mức độ tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán biên giới.