Quan sát trong phạm vi rộng
Các vệ tinh hiện có trong hệ thống cảnh báo tấn công bằng tên lửa (EWS) không phù hợp để theo dõi các mục tiêu siêu thanh. Trước hết phải nói rằng, các quả vệ tinh này bay quá cao trên quỹ đạo địa tĩnh. Thứ hai, các cảm biến hồng ngoại của chúng được thiết kế để phát hiện các dấu hiệu nhiệt của mục tiêu đạn đạo dễ nhìn thấy hơn. Trên thực tế, các vệ tinh này bị mù khi gặp tên lửa hành trình siêu thanh và đầu đạn bay lượn.
Các chuyên gia Mỹ tin chắc rằng, các vệ tinh mới ở quỹ đạo thấp có thể giải quyết được vấn đề, chúng sẽ phát hiện mục tiêu tốc độ cao ngay ở giai đoạn rời khỏi bệ phóng và sẽ theo dõi nó. Một năm trước, Lầu Năm Góc đã chi 350 triệu USD để phát triển tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo - vào năm 2023, tám quả tên lửa thử nghiệm sẽ được phóng lên vũ trụ.
Nhóm quỹ đạo đầy hứa hẹn được đặt tên là Space Echelon hoạt động ở chế độ hồng ngoại liên tục. Các vệ tinh sẽ sử dụng các cảm biến hồng ngoại quan sát trong phạm vi rộng để phát hiện tín hiệu từ tên lửa hành trình trong điều kiện gây nhiễu có tổ chức và nhiễu xung quanh. Mỗi vệ tinh sẽ kiểm soát một khu vực địa hình nhất định và khi nhìn thấy mục tiêu siêu thanh, sẽ lập tức báo động.
Đánh trực diện
Hệ thống cảnh báo sớm sẽ hoạt động cùng với Cảm biến Không gian Theo dõi Tên lửa đạn đạo Hypersonic (HBTSS), hệ thống này bắt đầu được phát triển vào tháng 1 năm 2021. Các thiết bị trên quỹ đạo sẽ bắt đầu hoạt động ngay sau khi phát hiện tên lửa siêu thanh, sẽ theo dõi nó. Nhiệm vụ của các cảm biến là cung cấp thông tin để phóng tên lửa đánh chặn vào khu vực mục tiêu. Nguyên mẫu HBTSS dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2023.
Kế hoạch dài hạn của Lầu Năm Góc là tạo ra một chòm sao quỹ đạo mạnh mẽ bao gồm hàng trăm vệ tinh trong không gian gần. Washington dự kiến sẽ tạo “cái ô” cho toàn bộ Trái đất bằng hệ thống phòng thủ tên lửa không gian, về lý thuyết, hệ thống này sẽ có khả năng theo dõi mọi vụ phóng tên lửa siêu thanh trên hành tinh. Tuy nhiên, việc xác định chính xác mục tiêu và theo dõi nó chỉ là một nửa công việc. Việc chính là đánh chặn, nhưng, ở đây vẫn có những vấn đề.
Theo các chuyên gia Mỹ, để đánh chặn quả tên lửa siêu thanh đang bay với tốc độ Mach 5, tên lửa đánh chặn phải tăng tốc lên ít nhất Mach 8. Hoặc tấn công trực diện. Hiện nay, cả hai nhiệm vụ này đều không thể thực hiện được trong thực tế. Thứ nhất, không có loại tên lửa đánh chặn nào bay với tốc độ cao như vậy. Thứ hai, không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình siêu thanh cơ động trong khí quyển theo cách không thể đoán trước. Để đánh trực diện vào quả tên lửa, phải biết chính xác nó sẽ hiện diện ở nơi nào vào thời điểm nhất định. Nếu không, cách tự vệ duy nhất là xây dựng một "hàng rào" chống tên lửa dọc theo chu vi biên giới. Nhưng, ngay cả ngân sách quốc phòng của Mỹ cũng không thể chi trả được những khoản tiền lớn như vậy.
Tên lửa đánh chặn đầy hứa hẹn
Hoa Kỳ đang được bảo vệ khỏi cuộc tấn công tên lửa bằng hàng chục tên lửa đánh chặn GBMD đặt trong hầm phóng ở Alaska và California. Chúng được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo ở pha giữa của giai đoạn bay khi tên lửa lao xuống. Ba radar PAVE PAWS cố định bố trí ở các hướng chiến lược quan trọng nhất cung cấp chỉ định mục tiêu cho các tên lửa đánh chặn để chúng tiêu diệt tên lửa và đầu đạn khi va chạm. Tuy nhiên, đối với các mục tiêu siêu thanh, khả năng của GBMD rõ ràng là không đủ.
Phóng tên lửa SM-3 Block IIA
© Ảnh : Public domain/U.S. NAVY
Các yếu tố phòng thủ tên lửa khu vực của Mỹ được triển khai ở các khu vực khác nhau trên thế giới cũng không thể đối phó với tên lửa hành trình tốc độ cao. Đây là tàu khu trục Arleigh Burke và tàu tuần dương Ticonderoga với hệ thống thông tin chỉ huy chiến đấu Aegis và hệ thống phòng thủ tên lửa sử dụng tên lửa Standard, khu phức hợp ven biển Aegis Ashore, cũng như các hệ thống THAAD tầm ngắn trên mặt đất ở Hàn Quốc và Guam. Một năm rưỡi trước, Cơ quan ABM đã yêu cầu 273 triệu USD để hiện đại hóa THAAD. Họ đã hứa rằng, các hệ thống được nâng cấp sẽ có khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu thanh, nhưng, chưa có thông tin về dự án này trong các nguồn mở.
Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên, Tướng Glen Van Herck, Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Bắc của Mỹ, đã thừa nhận: “Quá trình tạo ra các phương tiện bảo vệ trước vũ khí siêu thanh không theo kịp tốc độ phát triển khả năng tấn công của các loại vũ khí siêu thanh. Các tên lửa siêu thanh có khả năng cơ động quỹ đạo trong suốt hành trình bay đang là một thách thức lớn đối với các hệ thống cảnh báo sớm lỗi thời. Bảo vệ hiệu quả trước tên lửa siêu thanh phải bao gồm nhận thức về hành động của đối phương, cũng như theo dõi tất cả các giai đoạn bay từ khi rời bệ phóng đến khi tấn công. Các dự án trong lĩnh vực này phải được phát triển với tốc độ nhanh hơn”.
Rất có thể tên lửa đánh chặn đầu tiên có khả năng tiêu diệt các mục tiêu siêu thanh sẽ là loại tên lửa đánh chặn đầy hứa hẹn được phát triển tại Hoa Kỳ theo chương trình Đánh chặn Thế hệ Tiếp theo (NGI) kể từ tháng 4 năm ngoái. Dự án này trị giá gần 5 tỷ USD phải được thực hiện trong 5 năm.
Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của hệ thống tên lửa chiến lược Avangard trong quá trình lắp đặt trong một silo ở vùng Orenburg
© Sputnik / Ministry of Defence of the Russian Federation
/ Hình dáng của tên lửa đầy hứa hẹn và các đặc tính kỹ chiến thuật của nó chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa mới phải có khả năng đánh chặn các tên lửa hiện đại nhất, bao gồm cả các tên lửa siêu thanh, cả trong bầu khí quyển và trong không gian gần. Rất có thể, tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo (Next Generation Interceptor - NGI) đang được thiết kế chủ yếu để đánh chặn tên lửa siêu thanh của tổ hợp Nga Avangard.