Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn gửi Thủ tướng về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.
Công văn nêu rõ, thành phố đánh giá rất cao nỗ lực xây dựng hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của TP.HCM, thành phố kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép thành phố áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế.
TP.HCM sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu báo cáo Thủ tướng. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng quan tâm ưu tiên vắc-xin phòng Covid-19 cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ.
Theo hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế) đang dự thảo và chỉnh sửa, có 3 chỉ số bắt buộc đối với các địa phương, gồm: Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.
Bộ Y tế cho biết, các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19. Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: Cấp một là nguy cơ thấp – “bình thường mới”, tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao, tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ. Chỉ số bắt buộc áp dụng nếu không đạt trên 80% người hơn 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin, phải tăng lên một cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc Covid-19).
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu áp các chỉ số quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại thời điểm hiện nay, TP.HCM sẽ thuộc nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Các biện pháp được áp dụng sẽ rất hạn chế và việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”
Trước đó, UBND TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố từ sau ngày 15/9/2021 để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, tham vấn ý kiến chuyên gia, người dân. Trong đó, thành phố dự kiến sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ được bảo vệ của người dân căn cứ hai trụ cột là tốc độ tiêm vắc-xin và an toàn hệ thống y tế theo 3 giai đoạn, địa bàn.
Cụ thể, giai đoạn thí điểm từ ngày 16/9 đến 30/9/2021; giai đoạn 1 dự kiến từ ngày 1/10 đến 31/10/2021; giai đoạn 2 dự kiến từ ngày 1/11 đến 15/1/2022 và giai đoạn 3 dự kiến sau ngày 15/1/2022. Theo kế hoạch này, lộ trình mở cửa nền kinh tế của TP.HCM phụ thuộc nhiều vào mức độ và khuyến nghị của ngành y tế về diễn biến dịch để có những điều chỉnh nới lỏng hoặc thắt chặt hơn. Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, đảm bảo các vấn đề xã hội cho người dân.
Đến nay, trong đợt dịch thứ 4, TP.HCM đã ghi nhận 366.539 ca nhiễm Covid-19 (gần 50% tổng ca nhiễm của cả nước) và trải qua hơn 100 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau. Hiện thành phố đã tiêm vắc-xin cho hơn 95% số người trên 18 tuổi, trong đó có hơn 6,8 triệu người được tiêm mũi 1 và gần 2,6 triệu người tiêm đủ 2 mũi.