Bộ Công Thương kỳ vọng những quyền bổ sung mới cho PVN sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí nhất là những khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh (như ở Biển Đông).
PVN được trao thêm một số quyền
Tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ Công Thương rà soát, chỉnh sửa một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phù hợp với quy định hiện hành.
Theo đó, dự thảo đề xuất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được bổ sung một số quyền đáng chú ý.
Bộ Công Thương đặc biệt nhấn mạnh, dự thảo Luật được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dầu khí, hạn chế tối đa những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, nhất là sự không rõ ràng, chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay.
Ngoài ra, dự thảo Luật Dầu khí mới cũng được kỳ vọng góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp nhất là những khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng - an ninh (như khu vực tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước ở Biển Đông -PV).
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tổ chức triển khai điều tra cơ bản về dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, hải đảo và vùng biển của Việt Nam.
PVN được phép phê duyệt các chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, tìm kiếm thăm dò dầu khí bổ sung, tận thăm dò dầu khí
Petrovietnam cũng có quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí quy định tại Khoản 4 Điều 46, Khoản 5 Điều 47 và Khoản 4 Điều 52 của Luật này.
Bộ Công Thương cũng bổ sung quyền giám sát công tác thiết kế, xây dựng công trình dầu khí cho PVN.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng được phép tổ chức bán phần sản phẩm của nước chủ nhà cùng với phần sản phẩm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là bên nhà thầu, khai thác được theo hợp đồng dầu khí, được phép bán chung sản phẩm này với các nhà thầu khác trong hợp đồng dầu khí theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 59 của Luật này.
Đáng chú ý, PVN được tham gia vào các hợp đồng dầu khí cùng với doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thực hiện các hoạt động dầu khí tại các lô dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí và được tiếp nhận hợp đồng dầu khí của các lô dầu khí mà Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục thực hiện hoạt động dầu khí khi nhà thầu nước ngoài bàn giao cho nước chủ nhà (Điều 61).
Cụ thể một số nghĩa vụ của PVN được quy định tại Điều 62 của dự thảo Luật.
Bổ sung quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán của PVN
Bộ Công Thương nhấn mạnh, đây là nội dung mới tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được bổ sung so với Luật Dầu khí hiện hành.
Việc bổ sung này là nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của hoạt động dầu khí (tham khảo quy định tại Nghị định số 36/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - PVN).
Một số điều chỉnh gồm các điều khoản chính như công tác kế toán, kiểm toán đối với hợp đồng dầu khí, dự án dầu khí (Điều 55).
Trong đó có quy định về phân bổ chi phí tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí của dự án tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí không thành công của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí.
Bộ Công Thương nêu rõ việc quyết toán chi phí quy định rõ cho các giai đoạn theo từng khoản mục, hạng mục và từng giai đoạn trong hợp đồng dầu khí hoặc khi kết thúc dự án dầu khí, dự án thành phần của dự án dầu khí.
Còn việc phê duyệt quyết toán chi phí được thực hiện theo quy định tại hợp đồng dầu khí và quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (Điều 56).
Liên quan đến các chính sách ưu đãi đầu tư trong hoạt động dầu khí, Bộ Công Thương nhấn mạnh đây cũng là nội dung mới được bổ sung so với Luật Dầu khí hiện hành.
Bộ Công Thương đưa ra dựa trên trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời cũng tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia với một số điều khoản đáng lưu ý.
Thứ nhất, nguyên tắc xác định lô, mỏ ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí (Điều 57), gồm: Các lô, mỏ ưu đãi đầu tư dầu khí; các lô, mỏ đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; các trường hợp đặc biệt khác (lô, mỏ, dự án cận biên tại điều kiện đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí, khai thác tận thu dầu khí, dầu khí phi truyền thống).
Tiếp đó, các quy định về thuế (Điều 58), gồm chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu dầu thô.
Về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu, Bộ Công Thương nhấn mạnh điều khoản này được rà soát, chỉnh sửa phù hợp với quy định hiện hành và bổ sung một số nội dung về việc nhà thầu được phép bán chung các sản phẩm dầu khí (được khai thác theo hợp đồng dầu khí) theo từng lô và từng thời điểm xuất bán, mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Điều 57).
“Nhà thầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở tài khoản tại Việt Nam và nước ngoài; được phép mua ngoại tệ tại ngân hàng thương mại và được bảo đảm cân đối ngoại tệ đối với các dự án quan trọng (Điều 57)”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Ngoài ra, nhà thầu cũng được miễn tiền sử dụng khu vực biển đối với việc sử dụng khu vực biển để tìm kiếm thăm dò dầu khí, khai thác dầu khí, xử lý, vận chuyển tài nguyên dầu khí khai thác được trong các vùng biển của Việt Nam về bờ bằng đường ống theo hợp đồng dầu khí và quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Điều 57).
Đối với vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí, Bộ Công Thương khẳng định, nội dung này quy định trách nhiệm của Chính phủ (Điều 63), Thủ tướng Chính phủ (Điều 64), Bộ Công Thương (Điều 65), các bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 66) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 67) được rà soát, cập nhật phù hợp với các quy định hiện hành.
Với việc rà soát và điều chỉnh, cập nhật thêm một số quyền, bổ sung quy định về kế toán, kiểm toán, quyết toán cho PVN, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) của Bộ Công Thương, kỳ vọng, ngành dầu khí Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, mở rộng đầu tư, hợp tác với nước ngoài cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông và đảm bảo lợi ích chủ quyền, an ninh quốc gia.
Hợp tác dầu khí là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt – Nga
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, trong chuyến công tác và làm việc tại Liên bang Nga, gặp gỡ Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, hợp tác dầu khí là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt – Nga.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rõ đây là một trong những lĩnh vực hợp tác hiệu quả nhất trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.
Như đã biết, hầu hết các công ty dầu khí lớn của Nga như Zarubezhneft, Gazprom và Rosneft đều đang triển khai các dự án dầu khí tại Việt Nam, trong đó liên doanh Vietsovpetro là một biểu tượng sống động cho tình hữu nghị Việt-Nga.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu nêu rõ, Liên doanh dầu khí Rusvietpetro cũng đang hoạt động rất hiệu quả và bày tỏ mong muốn, tới đây sẽ ngày càng có nhiều liên doanh dầu khí hiệu quả như Vietsopetro và Rusvietpetro giữa hai nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thừa nhận, hợp tác dầu khí Việt-Nga đã trải qua nhiều thử thách. Tuy nhiên, đến nay, có thể khẳng định khó có gì có thể lay chuyển được mối quan hệ có tầm quan trọng chiến lược, lâu dài và cùng có lợi giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực dầu khí.
Trên cơ sở đó, với nền tảng vững chắc của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và tin cậy lẫn nhau, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác dầu khí.
Hai bên sẽ không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực như thăm dò, khai thác mà cả các lĩnh vực hạ nguồn dầu khí, cũng như thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
“Hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Nga, mà hợp tác dầu khí là trụ cột, không chỉ phục vụ lợi ích của hai nước, mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.