Lãnh đạo PVN cho biết, sắp tới, sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn kéo dài như Lô B, Cá Voi Xanh, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Nhơn Trạch 3 và 4, cùng với đó là mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
PVN lãi hơn 15.000 tỷ đồng chỉ trong 5 tháng
Ngày 7/6 vừa qua, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến định kỳ hằng tháng với lãnh đạo các đơn vị thành viên để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tham dự chỉ đạo có Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng và nhiều lãnh đạo tập đoàn, đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tại cuộc họp, các ý kiến nhận định, tình hình kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ nhưng có sự phân hóa rõ nét theo từng khu vực, gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung và dự báo có thể sẽ dẫn đến một chu kỳ tăng giá mới về nguyên liệu thô.
Trong khi đó, tình hình trong nước chịu tác động bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, PVN vẫn luôn bám sát mục tiêu, kế hoạch nên đạt được kết quả khả quan trong mọi lĩnh vực.
Đáng chú ý, sản lượng khai thác dầu, kể cả khai thác dầu ở nước ngoài là điểm sáng khi vượt tới 18% kế hoạch. Các chỉ tiêu tài chính cũng vượt kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 227,3 nghìn tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ 2020, Nộp ngân sách Nhà nước đạt 32,4 nghìn tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch, tăng 20%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 15,3 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 2,3 lần kế hoạch 5 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.
“Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định với 17/22 đơn vị có lợi nhuận, nhiều đơn vị đạt mức tăng trưởng cao, kiểm soát được lượng hàng tồn kho, công tác phòng chống dịch Covid-19 được quán triệt thực hiện nghiêm túc và triệt để”, báo cáo nhấn mạnh.
Cùng với đó, trong 5 tháng đầu năm, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đạt tổng doanh thu 11.513 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch 5 tháng, nộp ngân sách nhà nước 3.155 tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch 5 tháng và đạt 65% kế hoạch năm.
Trong đó, riêng tháng 5, tổng doanh thu của PVEP là 2.478 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 667 tỷ đồng. Lý giải về kết quả này, bên cạnh yếu tố giá dầu tích cực, PVEP cho biết, 5 tháng đầu năm, Tổng công ty đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu sản lượng khai thác.
Trong khi đó, do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu đầu năm 2020, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã trải qua 2 quý đầu năm 2020 với con số lỗ lần lượt 2.330 tỷ đồng và 1.894 tỷ đồng. Tuy vậy, sự hồi phục của giá dầu đã giúp Công ty lãi ròng 1.848 tỷ đồng trong quý I/2021. Kết quả kinh doanh quý II năm nay tốt hơn so với Quý I/2021.
Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã: PVT) đã công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế lũy kế ước đạt 320 tỷ đồng, bằng 64% kế hoạch năm và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, ban lãnh đạo Tập đoàn lưu ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, PVN đã kịp thời ban hành hàng loạt các giải pháp cụ thể, chủ động rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống dịch.
Đơn cử như việc kích hoạt tình huống khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh, diễn tập phương án xuất hiện F0, xét nghiệm sàng lọc cho công nhân, người lao động và đặc biệt đã tiến hành đợt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động.
Đồng thời, lãnh đạo PVN cũng nêu rõ ưu tiên tập trung vào kế hoạch chủ động tiêm vaccine Covid-19.
Tính đến phiên sáng ngày 7/6/2021, giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng từ tuần trước. Trong đó,dầu Brent vượt ngưỡng 72 USD/thùng, dầu WTI tiến gần mốc 70 USD/thùng.
Theo đó, giá dầu thô Mỹ WTI đang xác lập mức cao nhất trong vòng 3 năm từ cuối tuần trước nhờ vào thỏa thuận nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) và nhu cầu phục hồi.
Nhiều dự báo còn cho thấy, cầu có thể vượt cung trong thời gian tới, tồn kho dầu thô Mỹ giảm, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và đặc biệt thông tin các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran chậm lại… Những yếu tố này đang hỗ trợ giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh.
Theo các chuyên gia, đà tăng của giá dầu đang hỗ trợ cho cổ phiếu dầu khí tăng trưởng và được quan tâm tuần giao dịch qua.
PVN nỗ lực vượt kế hoạch kinh doanh năm 2021
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch PVN đánh giá cao những kết quả đạt được và đề nghị PVN cần tiếp tục thúc đẩy và triển khai rất nhiều dự án đầu tư xây dựng, trong đó có nhiều dự án lớn, thời gian kéo dài, có ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của các đơn vị sau này.
Cùng với đó, theo ông Hoàng Quốc Vượng, cần tăng cường quản trị chi phí, quản trị rủi ro, triển khai tốt công tác đầu tư, đáp ứng các tiêu chí quan trọng là "tiến độ, chất lượng, chi phí".
Trong thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn cho biết cần chú trọng hơn nữa đẩy nhanh các dự án như: Lô B, Cá Voi Xanh, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Nhơn trạch 3&4, Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Lãnh đạo PVN cũng nêu nhiệm vụ tập trung cập nhật tác động kinh tế vĩ mô như chu kỳ tăng giá mới, làm phát, tỷ giá… trong quản trị biến động, đặc biệt là quản trị tài chính và đầu tư, tăng cường dự báo, đánh giá các tác động của thị trường, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sản xuất và tiêu thụ để có các giải pháp ứng phó.
Ngoài ra, PVN cũng sẽ đẩy mạnh việc quản trị kế hoạch, tiết giảm chi phí, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ quý II, Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị toàn Tập đoàn thông qua các chuỗi giá trị, Tích cực triển khai, giám sát, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án.
Khắc phục các điểm nghẽn thị trường, tăng sản lượng khí, mở rộng thị trường tiêu thụ, duy trì hoạt động ổn định các nhà máy sản xuất, lọc hóa dầu, tăng công suất sản xuất, cung ứng kịp thời nhu cầu và tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh liên kết, xây dựng kế hoạch tiêu thụ, quản lý hàng tồn kho.
Thêm một vấn đề nữa theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, tập đoàn cần tiếp tục tập trung kiểm soát tốt tình dịch bệnh, phối hợp đơn vị chức năng sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động, ưu tiên nhân sự làm việc ở các công trình biển trong và ngoài nước, các công trình, nhà máy có mức độ rủi ro cao.
Vừa qua, PVN đã đóng góp 400 tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 quốc gia, tích cực chung tay cùng Chính phủ và nhân dân cả nước nhanh chóng đẩy lùi đại dịch, vì mục tiêu cao nhất là giữ môi trường an toàn cho nhân dân, duy trì sản xuất góp phần đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.